Hoa Kỳ: Làm tốt nhưng cảm thấy chưa tốt
Dữ liệu cho thấy một nền kinh tế mạnh, nhưng công chúng lại trở nên cảnh giác
Các báo cáo tin tức truyền tải những gì dường như là một sự mâu thuẫn. Dữ liệu cho thấy sự phục hồi kinh tế tốt sau những tác động kéo dài của việc phong tỏa và cách ly do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, tất cả các cuộc thăm dò đều công bố rằng người dân đang lo ngại về triển vọng kinh tế.
Các phương tiện truyền thông thiên tả, không có gì đáng ngạc nhiên, giải thích sự khác biệt này trên phương diện về sự thiếu hiểu biết của công chúng. Sự trịch thượng như vậy có thể khiến các phóng viên và nhà bình luận cảm thấy mình siêu việt hơn, nhưng công chúng không mù quáng như họ nói. Sự khác biệt có thể được giải thích tốt hơn theo cách này: dữ liệu là nhìn vào hiện tại và quá khứ, trong khi công chúng đang nhìn tới tương lai.
Đúng là dữ liệu kinh tế có vẻ tốt. Mặc dù có nhiều vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, nền kinh tế đã tạo ra gần 6 triệu việc làm từ tháng Một đến tháng Mười Một vừa qua, khoảng 700,000 việc làm chỉ trong hai tháng gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp, tính theo phần trăm lực lượng lao động, đã giảm từ 6.7% một năm trước xuống 4.2% vào tháng Mười Một. Thu nhập theo giờ đã tăng với tốc độ gần 5% hàng năm, một tốc độ chưa từng thấy trong nhiều năm. Doanh số bán nhà mới đã tăng 7.5% chỉ trong hai tháng qua. Đơn đặt hàng tại các nhà sản xuất đã tăng khoảng 22% so với mức của năm trước và danh sách các đơn đặt hàng chưa được thực hiện tiếp tục phát triển, cho thấy có nhiều hoạt động hơn trong những tháng tới. Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), các tài khoản vãng lai của Mỹ đã tăng khoảng 50% so với mức của năm trước, trong khi giá trị ròng của hộ gia đình đã tăng tương tự kể từ những ngày đầu của đại dịch.
Tuy nhiên, các thước đo về niềm tin của công chúng đã sụt giảm nghiêm trọng. Một cuộc thăm dò gần đây của công ty Harris Poll cho thấy khoảng 56% người Mỹ nhìn nhận nền kinh tế đang đi sai hướng, một sự thay đổi lớn so với tháng Sáu năm ngoái khi một cuộc thăm dò tương tự báo cáo rằng chỉ khoảng 39% cảm thấy như vậy. Cũng theo cuộc thăm dò đó, 57% người Mỹ coi nền kinh tế nước này là “yếu”, tăng từ 43% vào tháng Sáu năm ngoái.
Chỉ số Gallop về niềm tin của công chúng gần đây đã ghi nhận giá trị -25, một sự khác biệt rất lớn so với kết quả tích cực vào mùa xuân năm ngoái. Khoảng 40% người Mỹ nói rằng đây là thời điểm xấu để mua nhà, tỷ lệ cao nhất kể từ đầu những năm 1980, khi lạm phát ở mức cao và nền kinh tế đang suy thoái.
Ngay trên những dữ liệu tích cực, mối lo lắng dai dẳng này của công chúng cũng có nguyên nhân rõ ràng. Đầu tiên, mọi người có thể thấy bất an đối với biến thể mới Omicron của chủng virus gây ra COVID-19. Họ lo sợ, không phải là vô căn cứ, rằng nó có thể gây ra một đợt phong tỏa và cách ly mới. Điều này đã dẫn đến việc tạm dừng nhiều chuyến vận chuyển quốc tế. Trong vài năm qua, họ cũng đã học được rằng các quan chức chính trị ở Hoa Thịnh Đốn và các thủ phủ tiểu bang có thể áp đặt các đợt phong tỏa và cách ly ngay cả khi biến thể mới không đòi hỏi làm như vậy.
Và sau đó là lạm phát. Trong nhiều tháng, khi giá hàng tạp hóa, xăng dầu, và các mặt hàng thiết yếu khác tăng cao, Hoa Thịnh Đốn đã bỏ qua điểm yếu này, coi nó là “tạm thời”. Trong khi các quan chức của Hoa Thịnh Đốn vẫn tỏ ra vô lo, thì người dân đã nhận thấy chi phí sinh hoạt đã tăng vượt hơn cả mức tăng lương mạnh vừa qua, do đó hầu hết đều thấy mình kém hơn so với một năm trước. Và bởi vì sự tăng giá dữ dội nhất xảy ra đối với các mặt hàng thiết yếu, nên sự khốn khó đã giáng xuống hầu hết những người nghèo nhất trong xã hội. Những người Mỹ bình thường không phải là không biết những thực trạng kinh tế này.
Chính sự không chắc chắn về các chính sách để đối phó với lạm phát cũng có nhiều khả năng gây ra mối lo lắng của công chúng hơn nữa. Vì Hoa Thịnh Đốn hiện đã thừa nhận rằng mô tả “tạm thời” đã bị đặt nhầm vị trí, mọi người biết rằng có thể có một số thay đổi trong chính sách. Fed đã tuyên bố chấm dứt dần việc bơm tiền vào nền kinh tế thông qua mua tài sản trực tiếp trên thị trường tài chính, cái mà Fed gọi là “nới lỏng định lượng.”
Nếu lạm phát tiếp tục kéo dài, lãi suất sẽ tăng. Ông Joe hoặc bà Jane bình thường có thể không trích dẫn chương và câu từ lý thuyết kinh tế, nhưng họ có thể cảm nhận được hướng đi của sự việc và cách thức thay đổi chính sách của Fed làm tín dụng trở nên khan hiếm hơn như thế nào, sẽ khiến các khoản vay và thế chấp ngân hàng đắt hơn, và rằng những thực tế này sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế. Họ cũng nhận thức được rằng ngay cả khi dự luật “Xây dựng Trở lại Tốt hơn” (“Build Back Better”) của Tổng thống Joe Biden đang chờ được biểu quyết tại Quốc hội, thì lạm phát sẽ khiến các biện pháp tài khóa kém hào phóng và rộng rãi hơn kể từ đây trở đi.
Vì vậy, cho dù vẻ bề ngoài thế nào, thì cũng không có gì là mâu thuẫn. Đến giờ mọi thứ đang diễn ra đủ tốt. Mọi người biết điều đó, nhưng triển vọng dù sao cũng không quá sáng sủa. Các phóng viên và nhiều nhà bình luận đang [chỉ] nhìn vào một bộ các sự kiện. Công chúng không phải không biết về những gì truyền thông thấy. Thay vào đó, họ đang xem xét nội dung khác mà nó có lẽ là quan trọng hơn nhiều.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: