Hoa Kỳ: Lạm phát cao hơn dự kiến ở mức 3.1% do áp lực giá vẫn cao
Lạm phát đã giảm xuống còn 3.1%, nhưng dữ liệu so với tháng trước cho thấy áp lực lạm phát vẫn cao.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã đạt mức 3.1% trong tháng Một, cao hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế, với một số nhà phân tích bày tỏ đặc biệt lo ngại rằng tốc độ lạm phát “cốt lõi” hàng tháng (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) là quá cao để có thể an tâm vì chỉ số này cho thấy áp lực giá đang tích lũy.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê Lao động (BLS) hôm 13/02, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát phổ biến, đã giảm xuống so với cùng thời kỳ trong tháng Một, giảm từ mức 3.4% của tháng trước xuống 3.1%.
Mức này cao hơn mức 2.9% mà thị trường kỳ vọng.
“Lạm phát — giống như việc cố gắng giảm đi 20 pound cân nặng. 10 pound đầu tiên sẽ dễ dàng đạt được. Mười pound cuối cùng là một thử thách khó khăn,” ông Lawrence McDonald, cựu giám đốc chiến lược vĩ mô tại Soc Gen, cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter.
Chỉ số lạm phát hàng tháng là 0.3%, cao hơn mức 0.2% được ghi nhận trong tháng trước và là một bất ngờ tiêu cực khác đối với các nhà kinh tế.
Chỉ số CPI “cốt lõi” hàng năm, một thước đo loại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động và phản ánh áp lực lạm phát tiềm ẩn, đã giảm xuống 3.9%. Mặc dù đây là mức lạm phát cơ bản thấp nhất kể từ tháng 08/2021 nhưng chỉ số này cũng cao hơn mức ước tính 3.7% của thị trường.
Nhưng có lẽ bất ngờ tiêu cực lớn nhất là tỷ lệ lạm phát cơ bản hàng tháng ở mức 0.4%, cũng cao hơn mức 0.3 mà thị trường kỳ vọng và cao hơn mức 0.3% của tháng trước.
“Kết quả 0.4% sẽ là một bất ngờ tiêu cực lớn, có thể dẫn đến khả năng xảy ra cắt giảm lãi suất dễ dàng giảm xuống dưới mức 50% trong tháng Năm,” các nhà phân tích của ING viết trong một báo cáo. “Điều này sẽ đưa câu chuyện về lạm phát giảm vào thế không chắc chắn và do đó mang lại lợi tức cho công khố phiếu Hoa Kỳ.”
Ngay cả mức lạm phát cơ bản hàng tháng 0.3%, vốn phù hợp với kỳ vọng của thị trường, cũng sẽ là quá cao để có thể an tâm vì con số đó sẽ tương đương với lạm phát lên tới 4% hàng năm, một mức mà các nhà phân tích của ING cho rằng “rõ ràng là quá cao.”
Một số nhà phân tích nhận thấy mức tăng 0.4% trong số liệu lạm phát cơ bản hàng tháng của tháng Một, tăng từ mức 0.3% trong tháng Mười Hai, là dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang tăng trở lại.
Nhà kinh tế học Peter Schiff nói trên X rằng dữ liệu CPI mới nhất “xác nhận rằng lạm phát đã chạm đáy và hiện đang tăng trở lại.”
“Mức tăng lạm phát cơ bản 0.4% là 5% tính theo năm. Nếu không tăng lãi suất thêm thì không có khả năng lạm phát sẽ quay trở lại mức 2%,” ông nói thêm.
Một ngày trước khi CPI được công bố, theo dữ liệu từ CME Group, các nhà đầu tư ước tính khả năng Hệ thống Dự trữ Liên bang bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Năm là khoảng 55%.
Sau khi dữ liệu lạm phát giảm và cho thấy áp lực lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng Năm đã giảm xuống khoảng 36%, mức giảm mạnh phản ánh ước tính của các nhà đầu tư rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Dữ liệu của CME Group cho thấy cuộc họp tháng Sáu của Fed hiện được kỳ vọng sẽ mang lại đợt giảm lãi suất đầu tiên trong chu kỳ hiện tại.
Đối mặt với lạm phát tăng vọt, Fed bắt đầu tăng lãi suất với tốc độ nhanh chóng bắt đầu từ tháng 03/2022, đưa lãi suất quỹ liên bang qua đêm chuẩn lên mức hiện tại là từ 525 đến 550 điểm cơ bản, tương đương với từ 5.25 đến 5.5%.
Lịch trình cắt giảm lãi suất
Lạm phát hàng năm, gần đây đã đạt mức cao 5.5% vào tháng 03/2022, vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed, theo cả chỉ số CPI và thước đo lạm phát cơ bản từ ngân hàng trung ương, thước đo của chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE).
PCE cốt lõi giảm xuống 2.9% trong tháng 12/2023, lần đầu tiên giảm xuống dưới 3% kể từ tháng 03/2021.
Lạm phát CPI tiêu chuẩn, mà chính phủ sử dụng để thực hiện các khoản điều chỉnh chi phí sinh hoạt đối với các phúc lợi như An sinh Xã hội, đã đạt mức cao nhất gần đây là 9% vào tháng 06/2022.
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, chỉ số CPI có xu hướng cao hơn khoảng nửa điểm phần trăm so với PCE.
Giống như dữ liệu CPI mới nhất của tháng Một, dữ liệu PCE gần đây nhất (cho tháng 12/2023) cho thấy áp lực lạm phát cơ bản tăng cao so với tháng trước.
Thước đo PCE cốt lõi là thước đo thường xuyên được Chủ tịch Fed Jerome Powell đề cập đến, ông cho biết “lạm phát vẫn còn quá cao” mặc dù lãi suất đã được đẩy “sâu vào vùng hạn chế,” khi nói tại một cuộc họp báo sau khi các nhà hoạch định chính sách bỏ phiếu để giữ nguyên lãi suất hôm 31/01.
Ngay sau đó, trong cuộc phỏng vấn trên CBS hôm 04/02, ông được hỏi tại sao lãi suất không được cắt giảm ngay bây giờ, vì tốc độ lạm phát so với cùng thời kỳ năm trước đã giảm đều đặn trong 11 tháng qua.
Ông trả lời rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed có “một chút lòng tin” rằng áp lực giá cả đang giảm bớt nhưng cần “thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm xuống mức 2% một cách bền vững.”
Ông Powell làm rõ rằng Fed sẽ không đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống 2% trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất vì việc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và gần như chắc chắn gây ra suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, ông nói rõ rằng việc cắt giảm lãi suất quá sớm có thể khiến lạm phát tăng trở lại hoặc ngăn chặn những tiến bộ đã đạt được cho đến nay.
“Tôi không thể phóng đại tầm quan trọng của việc khôi phục sự ổn định về giá, ý tôi là lạm phát ở mức thấp và có thể dự đoán được, đồng thời mọi người không cần phải nghĩ về điều đó trong cuộc sống hàng ngày của mình,” ông nói.
Ông Powell nói rằng, nhìn lại, Fed đã chờ đợi quá lâu để tăng lãi suất, tin tưởng một cách sai lầm rằng lạm phát tăng mạnh sau đại dịch sẽ chỉ là một hiện tượng tồn tại trong thời gian ngắn.
Kể từ cuộc phỏng vấn hôm 04/02 với ông Powell, một số quan chức Fed đã đưa ra những bình luận công khai lặp lại quan điểm của ông rằng các nhà hoạch định chính sách cần xem thêm bằng chứng về tình trạng giảm lạm phát trước khi cảm thấy tự tin vào việc cắt giảm lãi suất.
Kỳ vọng lạm phát giảm
Một điểm dữ liệu có thể khiến các quan chức Fed tin tưởng rằng lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống là kỳ vọng lạm phát trong tương lai của người Mỹ.
Người tiêu dùng Hoa Kỳ đã báo cáo triển vọng lạm phát khá ổn định vào đầu năm, khi kỳ vọng trung hạn đã ổn định trở lại mức được thấy lần cuối trước đại dịch.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết trong cuộc khảo sát mới nhất về kỳ vọng của người tiêu dùng, công bố hôm 12/02, rằng lạm phát trong một năm và năm năm kể từ bây giờ sẽ không thay đổi ở mức lần lượt là 3% và 2.5%.
Tuy nhiên, mức tăng lạm phát dự kiến trong trung hạn (ba năm tới) đã giảm xuống 2.4%, mức thấp nhất kể từ tháng 03/2020.
Đặc biệt, báo cáo cho thấy kỳ vọng lạm phát giảm mạnh ở một số lĩnh vực chính: xăng dầu, thực phẩm, và tiền thuê nhà.
Mức tăng dự kiến trong năm tới đối với xăng dầu đạt mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, mức tăng dự kiến đối với thực phẩm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 03/2020, trong khi mức tăng giá thuê dự kiến đạt mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Trong một báo cáo khác, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland cho biết các lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục giảm bớt.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times