Hoa Kỳ là nhà xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu trong nửa đầu năm 2022
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết trong một báo cáo hôm 25/07, Hoa Kỳ là nước xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu trong nửa đầu năm 2022.
Trong báo cáo hôm 25/07, EIA cho biết trong sáu tháng đầu năm, xuất cảng LNG của Hoa Kỳ đã tăng 12% lên mức trung bình 11.2 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/ngày) so với sáu tháng cuối năm 2021. Sự tăng trưởng trong xuất cảng là do năng lực xuất cảng LNG tăng, nhu cầu toàn cầu tăng ở Âu Châu, và giá khí đốt tự nhiên và LNG quốc tế tăng cao.
Trong quý 4/2021 và nửa đầu năm 2022, giá khí đốt tự nhiên và LNG quốc tế đạt mức cao kỷ lục, EIA cho biết.
Tại Cơ sở Chuyển nhượng Quyền sở hữu (TTF) ở Hà Lan, năng lượng đã được giao dịch ở mức giá cao kỷ lục kể từ tháng 10/2021. TTF đạt trung bình 30.94 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) trong nửa đầu năm 2022.
Tại Hoa Kỳ, công suất xuất cảng LNG danh nghĩa đã tăng 1.9 Bcf/ngày và công suất đỉnh đã tăng 2.1 Bcf/ngày kể từ tháng 11/2021. Công suất hóa lỏng LNG của Hoa Kỳ đạt trung bình 11.4 Bcf/ngày tính đến tháng 07/2022, trong ngắn hạn công suất đỉnh ở 13.9 Bcf/ngày.
Các công ty năng lượng đã tăng năng lực sản xuất tại các cơ sở LNG ở Corpus Christi và Sabine Pass ở Texas và cơ sở LNG Calcasieu Pass ở Louisiana.
Sự cố ngừng hoạt động ngoài kế hoạch tại cơ sở xuất cảng Freeport LNG ở Quintana, Texas, đã khiến xuất cảng của Hoa Kỳ giảm 11% trong tháng Sáu so với mức xuất cảng trung bình trong năm tháng đầu năm.
Cơ sở Freeport LNG dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động hóa lỏng một phần vào đầu tháng 10/2022.
Khí tự nhiên hóa lỏng ở EU
Hầu hết xuất cảng LNG của Hoa Kỳ trong giai đoạn từ tháng 01-05/2022 là đến Vương quốc Anh và Liên minh Âu Châu, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất cảng của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ chiếm 47% tổng lượng LNG nhập cảng của Âu Châu trong nửa đầu năm 2022. Nhập cảng LNG ở Anh và EU đã tăng 63% trong giai đoạn từ tháng 01-06/2022.
Nhu cầu về LNG của EU đang bùng nổ do tồn kho khí đốt tự nhiên thấp lịch sử và khu vực này đang thúc đẩy hạn chế nhập cảng từ Nga.
Kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai, EU đã thực hiện một số biện pháp trừng phạt chống lại chính phủ Nga. Đáp lại, Điện Kremlin đã cắt giảm các chuyến hàng khí đốt qua đường ống vào Âu Châu.
Ủy ban Âu Châu cho biết trong một bản ghi nhớ hôm 20/07 về đề nghị cắt giảm khí đốt: “Sự leo thang gần đây về gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga dẫn đến nguy cơ đáng kể rằng việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga hoàn toàn và kéo dài có thể thành hiện thực một cách đột ngột và đơn phương.”
Trong một tweet hôm 20/07, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen chỉ ra rằng kho chứa khí đốt ở EU đang ở mức 64% công suất.
Bà nói: “Nguồn cung cấp khí đốt từ các nguồn khác đã tăng 75% so với năm ngoái.”
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.