Hoa Kỳ kích hoạt bộ chỉ huy không gian mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Hôm 22/11, Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đã kích hoạt bộ chỉ huy không gian đầu tiên của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với mục tiêu ngăn chặn các hành động xâm lược trong khu vực, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc và Bắc Hàn tiếp tục gia tăng.
Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ tham gia với Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Lục quân Hoa Kỳ, và Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ — tất cả đều có trụ sở tại Hawaii — với tư cách là các đơn vị chỉ huy trực thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Hoa Kỳ, bộ chỉ huy tác chiến của khu vực này.
Bộ Chỉ huy Không gian này được thiết lập nhằm mục tiêu “ngăn chặn xung đột và, nếu cần thiết, đánh bại sự xâm lược, cung cấp sức mạnh chiến đấu trong không gian vũ trụ cho lực lượng liên hợp/kết hợp, và bảo vệ các lợi ích sống còn của Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác,” theo trang web của họ.
Đơn vị chỉ huy không gian này sẽ tiến hành phân tích nhiệm vụ và lập kế hoạch trong sáu tháng tới, tư lệnh của đơn vị này, Chuẩn tướng Lực lượng Không gian Anthony Mastalir, hôm 21/11 cho biết, lưu ý rằng việc kích hoạt đơn vị này cho thấy tầm quan trọng của khu vực đó đối với Hoa Kỳ.
Ông nói với các phóng viên trước khi kích hoạt, “Đây là một tín hiệu cho bất kỳ ai muốn phá hoại tự do hàng hải, tự do đi lại trong một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, hoặc bất kỳ ai muốn phá hoại trật tự dựa trên luật lệ quốc tế vốn là nền tảng cho sự thịnh vượng của toàn bộ các quốc gia tự do lựa chọn tham gia.”
Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau thời điểm Bắc Hàn đã bắn một vật thể được cho là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 18/11; hỏa tiễn tầm xa nhất của Bắc Hàn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã thị sát vụ phóng ICBM này cùng con gái, cũng là lần ra mắt đầu tiên của cô trước công chúng, và cảnh báo rằng đất nước của ông sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân “với sự đối đầu toàn diện” để chống lại các mối đe dọa từ Hoa Kỳ, Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn đưa tin.
Bắc Hàn cho rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực là bằng chứng cho thấy sự thù địch của Hoa Kỳ đối với nước này. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố rằng hàng loạt các vụ phóng gần đây của họ là hành động đáp trả những gì nước này gọi là các cuộc tập trận quân sự khiêu khích của Hoa Kỳ và Nam Hàn.
Mối đe dọa của Trung Quốc
Trước đó, Tướng Lực lượng Không gian Bradley Saltzman, tư lệnh chỉ huy các hoạt động không gian vũ trụ, cho biết bộ phận mới này tại INDOPACOM nhằm mục đích tăng cường việc hội nhập không gian vũ trụ của Hoa Kỳ, viện dẫn Trung Quốc là mối đe dọa cấp bách, Tạp chí Lực lượng Vũ trụ và Không quân đưa tin.
“Chúng tôi thực sự nghĩ rằng không gian vũ trụ hiện giờ quan trọng đến mức chúng ta cần một vị trí ở đó,” ông Saltzman nói trong cuộc họp hôm 19/05. “Với việc Trung Quốc đang là mối đe dọa cấp bách, thì chúng ta cần thiết phải xây dựng một đơn vị của quân chủng này tại INDOPACOM.”
“Thay đổi lớn nhất sẽ là chỉ huy tác chiến sẽ có một chỉ huy cấp dưới mà họ có thể giao nhiệm vụ để tích hợp hiệu quả các năng lực trong không gian vũ trụ.”
Ngũ Giác Đài, trong báo cáo thường niên của mình trước Quốc hội được công bố hồi tháng 11/2021, đã nêu bật những năng lực không gian vũ trụ và khả năng phản không của Trung Quốc.
Báo cáo viết, “CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] tiếp tục phát triển các khả năng phản không — bao gồm các khả năng bay thẳng lên, bay theo quỹ đạo chung, tác chiến điện tử, và năng lượng định hướng — mà có thể tranh giành hoặc từ chối quyền truy cập cũng như các hoạt động của đối thủ trong miền không gian trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột.”
Theo báo cáo này, một công nghệ tác chiến không gian trong kho vũ khí của Trung Quốc là hỏa tiễn chống vệ tinh (ASAT) trên mặt đất. Hồi tháng 01/2007, Trung Quốc đã bắn một hỏa tiễn chống vệ tinh nhằm vào một trong những vệ tinh khí tượng không còn hoạt động của họ, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Bản tin có sự đóng góp của Mimi Nguyen Ly and Frank Fang
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times