Hoa Kỳ: Không để ‘các cơ sở nghiên cứu sinh học’ ở Ukraine rơi vào tay Nga
Theo một quan chức, Hoa Kỳ đang nỗ lực ngăn không cho Nga nắm quyền kiểm soát các “cơ sở nghiên cứu sinh học” của Ukraine.
Tại phiên điều trần của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện vào ngày 08/03, Thứ trưởng Ngoại giao về Các vấn đề Chính trị Victoria Nuland đã được Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) hỏi liệu Ukraine có vũ khí hóa học hoặc sinh học hay không.
Bà Nuland cho biết, “Ukraine có các cơ sở nghiên cứu sinh học, mà trên thực tế, chúng tôi khá lo ngại rằng quân đội Nga có thể đang tìm cách giành quyền kiểm soát nếu như họ tiếp cận được, vì vậy chúng tôi đang làm việc với Ukraine về cách họ có thể ngăn chặn bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào rơi vào tay người Nga.”
Ông Rubio nói: “Tôi chắc bà biết là các nhóm tuyên truyền của Nga đã tung ra hết thảy các loại tin tức về cách họ phát hiện ra âm mưu của người Ukraine để phóng thích vũ khí sinh học trong nước với sự phối hợp của NATO.”
“Nếu có một sự cố hoặc một cuộc tấn công vũ khí hóa học hoặc sinh học bên trong Ukraine, bà có nghi ngờ gì rằng 100% sẽ là người Nga đứng sau chuyện đó không?”
Bà Nuland đáp: “Tôi không có nghi ngờ nào trong đầu hết, thưa thượng nghị sĩ.”
“Đó là một kỹ thuật kinh điển của Nga khi đổ lỗi cho nước khác về những gì họ định làm.”
Nga đã nhiều lần đưa ra cáo buộc rằng các phòng thí nghiệm do Hoa Kỳ tài trợ ở Ukraine đang phát triển vũ khí chiến tranh sinh học, nhưng Hoa Kỳ và Ukraine vẫn khẳng định rằng các phòng thí nghiệm này đang tìm cách ngăn chặn vũ khí sinh học và mầm bệnh.
Những cáo buộc của Nga
Bộ Quốc phòng Nga đưa ra một tuyên bố trên Telegram cáo buộc Ukraine đã tiêu hủy các mầm bệnh đang được nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm ở Ukraine mà bộ này cho biết là do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tài trợ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong tuyên bố vào ngày 06/03 của mình, “Trong một chiến dịch quân sự đặc biệt, sự thật về việc chế độ Kiev khẩn trương tiêu hủy các dấu vết của một chương trình sinh học quân sự do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tài trợ được tiến hành ở Ukraine đã bị bại lộ.”
Tuyên bố trên nói rằng Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được tài liệu cho thấy Bộ Y tế Ukraine “đã gửi chỉ thị tới tất cả các phòng thí nghiệm sinh học” vào ngày 24/02 để khẩn cấp tiêu hủy “kho dự trữ các mầm bệnh nguy hiểm”, bao gồm bệnh dịch hạch, bệnh than, bệnh sốt rét, và bệnh tả.
Trong một tuyên bố khác vào ngày 07/03, bộ của Nga tuyên bố rằng Ukraine “đã hợp nhất một chuỗi hơn 30 phòng thí nghiệm sinh học” theo chỉ lệnh của Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng (DTRA), một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Chính quyền Trung Quốc dường như cũng lặp lại cáo buộc của Nga về các phòng thí nghiệm sinh học này hôm 07/03. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng cáo buộc này là “tuyên truyền của Nga và hoàn toàn vô nghĩa.”
Phát ngôn viên này cho biết thêm, “Những tuyên bố như vậy của Nga đã được bác bỏ một cách dứt khoát hết lần này đến lần khác trong nhiều năm. Như chúng tôi vẫn nói, Nga sẽ phát minh ra những cái cớ giả tạo để biện minh cho các hành động khủng khiếp của họ ở Ukraine.”
Những cáo buộc như vậy từ Nga đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước nhiều tuần trước khi nước này xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.
Trong một tuyên bố ngày 08/03, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, “Kể từ cuối tháng Hai, đã có sự gia tăng đáng chú ý trong các cáo buộc của Nga rằng Ukraine đang phát triển vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí sinh học.”
“Những câu chuyện này đã có từ lâu nhưng hiện có khả năng đang được khuếch đại như một phần của lời biện minh từ trước cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.”
Hoa Kỳ và Ukraine: Mục đích của các phòng thí nghiệm là ngăn chặn vũ khí sinh học
Trước đây DTRA từng cho biết trong một video được đăng hồi tháng Một rằng một chương trình mà họ điều hành — chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe dọa (CTR) – “không phát triển vũ khí sinh học.”
Trong chính đoạn video này, ông Chris Park, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã nói với Liên Hiệp Quốc rằng cáo buộc của Nga và Trung Quốc về “hoạt động đáng ngờ” tại các phòng thí nghiệm ở Ukraine “thuần túy là thông tin sai lệch”.
Chương trình Giảm thiểu Mối đe dọa Sinh học (BTRP) là một trong các hoạt động nằm trong chương trình CTR. Hồi tháng 04/2020, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine đã ra một tuyên bố cho biết BTRP “hợp tác với Chính phủ Ukraine để củng cố và bảo đảm an toàn cho các mầm bệnh và chất độc gây lo ngại về an ninh trong các cơ sở của chính phủ Ukraine, đồng thời cho phép nghiên cứu và phát triển vaccine trong hòa bình.”
Theo tuyên bố, chương trình này cũng hoạt động “để bảo đảm Ukraine có thể phát hiện và báo cáo các đợt bùng phát do mầm bệnh nguy hiểm gây ra trước khi chúng đặt ra các mối đe dọa về an ninh hoặc ổn định.” Tuyên bố cho biết thêm, “Các nỗ lực chung của chúng tôi giúp bảo đảm rằng các mầm bệnh nguy hiểm không rơi vào tay kẻ xấu.”
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine tuyên bố rằng BTRP “đã nâng cấp nhiều phòng thí nghiệm cho Bộ Y tế và Cơ quan Quốc gia về An toàn Thực phẩm và Bảo vệ Người tiêu dùng của Ukraine, để đạt đến mức An toàn Sinh học Cấp 2.”
Các tờ thông tin được đăng trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine, có thể tìm thấy qua thư viện số Internet Archive, liên kết đến một số tài liệu nêu chi tiết những khoản đầu tư của chính phủ Hoa Kỳ cho một số phòng thí nghiệm ở Ukraine.
Ví dụ: Tờ thông tin (pdf) cho Trung tâm Phòng thí nghiệm Tỉnh Kharkiv có đoạn viết: “Khoản đầu tư của USG — Tổng chi phí phòng thí nghiệm: 1,638,375 USD (1,195,398 USD cho Thiết kế và Xây dựng; 442,977 USD cho thiết bị và đồ nội thất phòng thí nghiệm).” Một dòng khác ghi: “Nhà tài trợ — Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.”
Tờ thông tin cho 10 phòng thí nghiệm khác có các đoạn văn tương tự.
Ngũ Giác Đài đã không phúc đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bài báo này.
Chương trình CTR được bắt đầu ngay sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Một trong những mục tiêu của nó là giảm bớt mối đe dọa từ vũ khí hiện có của các chương trình hủy diệt hàng loạt ở các nước Cộng Hòa của Liên bang Xô Viết cũ.
Theo chương trình này, Ukraine và Hoa Kỳ đã hợp tác trong hai thỏa thuận: một vào năm 1993 và một vào năm 2005. Cơ quan an ninh chính của Ukraine, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), đã trình bày chi tiết về hai thỏa thuận này trong một bài đăng trên Facebook hồi tháng 05/2020.
“Kể từ năm 1993, đã có một thỏa thuận cung cấp hỗ trợ cho quốc gia chúng ta trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến lược và ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Một trong những điểm nổi bật là việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đợt bùng phát do các mầm bệnh nguy hiểm gây ra,” bài đăng cho biết.
Năm 2005, Bộ Y tế Ukraine và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận khung (pdf) để ngăn chặn “sự phổ biến của công nghệ, mầm bệnh, và những hiểu biết có thể được sử dụng để phát triển vũ khí sinh học,” SBU tuyên bố.
Trong khuôn khổ thỏa thuận năm 2005, một số phòng thí nghiệm quốc gia ở các thành phố Odessa, Kharkiv, Lviv, Kyiv, Vinnytsia, Kherson, và Dnipropetrovsk của Ukraine “đã được nâng cấp” thông qua một số dự án sửa chữa hoặc nâng cấp thiết bị, SBU cho biết.
“Không có phòng thí nghiệm sinh học ngoại quốc nào ở Ukraine,” SBU cũng tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng các phòng thí nghiệm liên quan thuộc sở hữu nhà nước và được chính phủ Ukraine tài trợ. “Chúng tôi nhấn mạnh rằng các phòng thí nghiệm này được tài trợ từ ngân sách nhà nước, trực thuộc Bộ Y tế và Cơ quan Quốc gia Ukraine về an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.”
Trong khi đó, tài liệu năm 2005 nêu rằng “tổng chi phí cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đối với tất cả các vật liệu, khóa đào tạo và dịch vụ được cung cấp theo Thỏa Thuận này và các chi phí liên quan sẽ lên đến mười lăm (15) triệu USD.” Tài liệu cho biết sự hỗ trợ từ Ngũ Giác Đài cho Bộ Y tế Ukraine bao gồm “hợp tác nghiên cứu sinh học, phát hiện và ứng phó với các tác nhân đe dọa sinh học, cũng như cải thiện khả năng bảo vệ, kiểm soát, và chịu trách nhiệm cho vật liệu sinh học.”
Ông Andrew Weber, một thành viên cao cấp tại Hội đồng về Rủi ro Chiến lược và là thành viên của ban giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, cũng nói với AFP hôm 03/03 rằng Ngũ Giác Đài “chưa bao giờ có một phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine.”
Ông Weber nói với PolitiFact rằng chương trình CTR “đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Y tế Ukraine từ năm 2005 để cải thiện các phòng thí nghiệm sức khỏe cộng đồng” và sứ mệnh của các phòng thí nghiệm y tế này “tương tự như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.” Ông cho biết các phòng thí nghiệm này “gần đây đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.”
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên sống và làm việc tại Úc, phụ trách đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Quý vị có thể liên lạc với cô Mimi tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Michael Washburn
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: