Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc ngừng sách nhiễu tàu Philippines ở vùng biển tranh chấp
Hôm thứ Bảy (29/04), Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc ngừng sách nhiễu các tàu Philippines ở Biển Đông sau cuộc chạm trán căng thẳng giữa một tàu hải cảnh Trung Quốc và một tàu tuần tra của Philippines ở vùng biển tranh chấp này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết vụ việc xảy ra ở Bãi cạn Ayungin — còn được gọi là Bãi cạn Second Thomas — là một “lời nhắc nhở rõ rệt” về “hành động sách nhiễu và đe dọa các tàu Philippines” của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
“Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hành động khiêu khích và không an toàn của mình. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát sát sao các hành động này,” ông Miller nói trong một tuyên bố.
Ông tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc trợ giúp Philippines ở Biển Đông và nói rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc phi cơ của Philippines sẽ dẫn đến việc sử dụng hiệp ước phòng thủ chung của hai quốc gia này.
Hai quốc gia này là đồng minh theo Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951, quy định rằng Hoa Kỳ và Philippines sẽ bảo vệ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị tấn công.
Ông đưa ra nhận định này một ngày trước khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ năm ngày, trong đó ông Marcos sẽ gặp Tổng thống Joe Biden để thảo luận về hợp tác kinh tế-xã hội và an ninh.
Tuần trước, Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) cho biết hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã chặn các tàu tuần tra của họ — BRP Malapascua và BRP Malabrigo — đang tuần tra ở bãi cạn Ayungin hôm 23/04. Hành động này “thể hiện các chiến thuật gây hấn” của Trung Quốc.
PCG cho biết một trong các tàu Trung Quốc đã “thực hiện các thao tác nguy hiểm” ở khoảng cách 50 yard (45m) so với tàu BRP Malapascua, gây ra “một mối đe dọa nghiêm trọng” đối với sự an toàn của các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu.
Tàu hải cảnh thứ hai của Trung Quốc đã theo dõi BRP Malabrigo ở khoảng cách 700 yard (640m), PCG nói thêm.
Bãi cạn Ayungin là một phần của quần đảo Trường Sa, cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 105 hải lý.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 phân loại các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý tính từ biên giới của các quốc gia ven biển là một phần của vùng đặc quyền kinh tế của họ. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông dưới yêu sách “đường lưỡi bò hay đường chín đoạn” của mình.
Philippines muốn tránh xung đột
Vài giờ trước khi khởi hành đến Hoa Thịnh Đốn hôm Chủ Nhật (30/04), ông Marcos kêu gọi Bắc Kinh thiết lập một “đường dây liên lạc trực tiếp” giữa các quan chức của họ để ngăn chặn các vụ va chạm nguy hiểm giữa các tàu trong vùng biển tranh chấp.
“Đây là điều mà chúng tôi hy vọng sẽ tránh được. Lần này nguy hiểm hơn một chút vì [các con tàu đó] ở quá gần nhau,” ông Marcos nói với các phóng viên. “Những con tàu này gần như va chạm, và điều đó sẽ gây ra thương vong cho cả hai bên.”
Ông cho biết Philippines đóng “một vai trò quan trọng” với tư cách là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Mục tiêu của Philippines rất đơn giản, chúng tôi xây dựng hòa bình. Chúng tôi sẽ không khuyến khích bất kỳ hành động khiêu khích nào… Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra,” ông nói thêm.
Ông Marcos dự kiến sẽ thảo luận về hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines với TT Biden trong chuyến công du tới Hoa Thịnh Đốn, hãng thông tấn nhà nước đưa tin.
Hơn 100 tàu dân quân Trung Quốc bị phát hiện
PCG cho biết hơn 100 tàu dân quân biển Trung Quốc, một lớp tàu hộ tống của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân, và hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã bị phát hiện ở một số khu vực do Philippines kiểm soát từ ngày 18/04 đến 24/04.
Các tàu PCG đã cử các thuyền bơm hơi thân cứng của họ để giải tán hơn 100 tàu dân quân Trung Quốc đang tập trung gần Đá Julian Felipe — trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của quốc gia này — nhưng vô ích.
“Không có tàu CMM [dân quân biển Trung Quốc] nào phản ứng hoặc thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để rời khỏi khu vực này,” lực lượng tuần duyên cho biết trong một tuyên bố.
Các tàu PCG cũng đưa ra “nhiều hiệu lệnh qua vô tuyến” đối với khoảng 18 tàu dân quân biển Trung Quốc đang tập trung quanh Bãi cạn Sabina thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, họ từ chối thực hiện mệnh lệnh.
Hồi tháng Hai, PCG báo cáo rằng một tàu hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng “tia laser cấp độ quân sự” chiếu vào tàu của họ ở Bãi cạn Ayungin để cản trở nhiệm vụ tiếp tế, khiến thủy thủ đoàn tạm thời bị mất phương hướng.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Nhã Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times