Hoa Kỳ kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc virus Trung Cộng trong lúc giả thuyết ‘rò rỉ từ phòng thí nghiệm’ đang càng được quan tâm
Hôm 25/05 Hoa Kỳ đã hối thúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi động một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus Trung Cộng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi điều tra liệu đại dịch có thể bắt nguồn từ một sự cố phòng thí nghiệm hay không.
Trong bài diễn văn trước Đại hội đồng Y tế Thế giới trực tuyến lần thứ 74, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, ông Xavier Becerra, đã kêu gọi WHO khởi động giai đoạn hai của cuộc điều tra này một cách “minh bạch.”
“Giai đoạn 2 của nghiên cứu về nguồn gốc COVID phải được đưa ra với các điều khoản tham chiếu minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và cung cấp cho các chuyên gia quốc tế sự độc lập để đánh giá đầy đủ về nguồn gốc của virus và những ngày đầu bùng phát,” ông nói.
Ông Becerra đã không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay Vũ Hán, nơi các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên người xuất hiện vào tháng 12/2019.
Các bình luận trên được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm 23/05 rằng ba nhà nghiên cứu tại Viện virus học Vũ Hán đã phải nhập viện vào tháng 11/2019 với các triệu chứng tương tự như cúm mùa và COVID-19, căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra. Tờ báo đã trích dẫn nguồn tin ẩn danh của chính phủ Hoa Kỳ có liên quan đến một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ chưa từng được tiết lộ trước đây.
Khi được hỏi về vấn đề này hôm 24/05, Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói rằng chính phủ ông Biden đã “liên tục kêu gọi WHO hỗ trợ đánh giá theo định hướng của chuyên gia về nguồn gốc của đại dịch mà không bị can thiệp hay chính trị hóa.”
“Hiện giờ, đã có kết quả của giai đoạn một. Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra, chúng tôi không có quyền truy cập dữ liệu, không được cung cấp thông tin. Và bây giờ, chúng tôi hy vọng rằng WHO có thể chuyển sang giai đoạn hai của cuộc điều tra một cách minh bạch hơn, độc lập hơn,” bà Psaki nói.
Hôm 25/05, bà nói với các phóng viên, “Chúng tôi cần tiếp cận thông tin mà chính quyền Trung Quốc sở hữu để đưa ra quyết định thông qua các cơ quan quốc tế sẽ thực hiện cuộc điều tra này. Đây là điều mà chúng tôi đã kêu gọi rất, rất nhiều lần. Cùng với các đối tác quốc tế của mình, chúng tôi đã thúc giục WHO hỗ trợ đánh giá theo định hướng của chuyên gia về nguồn gốc của đại dịch. Chúng tôi chắc chắn sẽ tham gia vào việc đó với tất cả các nghiên cứu của mình-các nguồn lực từ Hoa Kỳ.”
“Nhưng vì đây là một đại dịch quốc tế … chúng tôi sẽ làm việc này với sự phối hợp của các đối tác quốc tế, tiếp tục thúc ép phía Trung Quốc công bố dữ liệu, thông tin và có vai trò xây dựng trong giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra này.”
Trong một báo cáo hồi tháng Ba, WHO cho biết việc virus Trung Cộng có thể đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “một khả năng cực kỳ khó xảy ra.” Các nhà khoa học Trung Quốc tham gia viết báo cáo này cũng nói rằng virus Trung Cộng có khả năng đã lây lan thông qua động vật.
Báo cáo này đã trở thành đỉnh điểm của cuộc điều tra chung giữa Liên Hiệp Quốc và các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc của virus Trung Cộng vào tháng Giêng và tháng Hai năm nay. Các nhà phê bình cho rằng cuộc điều tra của WHO có thể [đã diễn ra] thiếu sự minh bạch và không độc lập với chế độ Trung Cộng, vốn đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tra nguồn gốc virus Trung Cộng.
Vào tháng Năm, đã có nhiều lời kêu gọi điều tra thêm về nguồn gốc của virus Trung Cộng, bao gồm từ các nhà khoa học quốc tế, chính phủ Vương quốc Anh và các lãnh đạo Đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ, nhấn mạnh vào điều tra giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Trước đây, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và hơn một chục quốc gia khác cũng đã dấy lên lo ngại về nghiên cứu của WHO, chỉ ra sự chậm trễ đáng kể trong việc cho ra báo cáo và việc Trung Quốc từ chối chia sẻ dữ liệu thô quan trọng.
Vào đầu tháng Năm, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết ông “không tin” đại dịch virus Trung Cộng xuất hiện một cách tự nhiên và “chắc chắn tồn tại” khả năng đây là kết quả của một sự cố phòng thí nghiệm.
Hôm 24/05, ông Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã chỉ ra các báo cáo về các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã mắc bệnh vào tháng 11/2019, nói với CNBC rằng ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nguồn gốc có khả năng từ phòng thí nghiệm.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi tuần trước (tuần từ 17/05-23/05), Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho biết “chắc chắn” “một khả năng” rằng đại dịch virus Trung Cộng có thể là kết quả của một sự cố phòng thí nghiệm. Nhưng bà cũng nói thêm rằng hầu hết các chủng virus corona “thường bắt nguồn từ động vật.”
Hôm 24/05, khi được hỏi về nhiệm vụ tiếp theo, phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic nói với Reuters rằng cơ quan này đang xem xét các khuyến nghị từ báo cáo của WHO ở cấp độ chuyên môn.
“Các nhóm chuyên môn sẽ chuẩn bị một đề xuất cho các nghiên cứu tiếp theo sẽ cần được khai triển và sẽ trình lên Tổng giám đốc để xem xét,” ông nói và đề cập đến Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Ông Jasarevic, lưu ý về nhận xét của ông Tedros hôm 30/03, rằng cần thiết có các nghiên cứu sâu hơn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả phát hiện sớm các ca nhiễm và các cụm lây nhiễm, vai trò tiềm ẩn của chợ động vật, sự lây truyền qua chuỗi thức ăn và giả thuyết sự cố phòng thí nghiệm.
Theo dõi ký giả Mimi trên Twitter: @MimiNguyenLy
Do Mimi NguyenLy thực hiện
Với sự đóng góp của Eva Fu và Reuters
Thu Ngân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times. (Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản)
Xem thêm: