Hoa Kỳ kêu gọi kết giao với Đài Loan sau khi Nicaragua cắt đứt liên hệ
Hoa Kỳ khuyến khích nhiều quốc gia cùng chí hướng mở rộng kết giao với Đài Loan, khi chế độ cộng sản ở Bắc Kinh ám chỉ rằng sẽ có thêm nhiều đồng minh của Đài Bắc theo chân Nicaragua cắt đứt liên hệ với hòn đảo này.
Hôm 09/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết, “Các mối liên hệ của Đài Loan với các đối tác ngoại giao ở Tây Bán cầu mang lại lợi ích kinh tế và an ninh đáng kể cho công dân của các quốc gia đó.”
Bình luận của ông Price được đưa ra khi Nicaragua quyết định cắt đứt liên hệ với Đài Loan để ủng hộ chế độ cộng sản ở Trung Quốc hôm thứ Năm (09/12) theo giờ địa phương. Chế độ này luôn tuyên bố hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của riêng mình có thể bị chiếm bằng vũ lực nếu cần thiết.
Bộ Ngoại giao chỉ trích quyết định của lãnh đạo Nicaragua Daniel Ortega, người đã đạt được nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử hồi tháng Mười Một sau khi bỏ tù 40 nhân vật đối lập, bao gồm cả bảy ứng cử viên tổng thống tiềm năng, [và ông] không thể đại diện cho ý chí của người dân Nicaragua.
Ông Price cho biết quyết định của ông Ortega “đang tước đi của người dân Nicaragua một đối tác thủy chung trong tăng trưởng kinh tế và nền dân chủ của họ.”
Ông nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia coi trọng thể chế dân chủ, tính minh bạch, pháp quyền, và thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế cho công dân của họ bằng cách mở rộng kết giao với Đài Loan.”
Hành động của Nicaragua khiến Đài Loan chỉ còn 14 đối tác ngoại giao, bao gồm cả Vatican. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cố gắng cô lập hòn đảo này trên trường quốc tế bằng cách thu hút những bằng hữu còn lại của Đài Bắc. Hòn đảo này đã mất 8 đồng minh ngoại giao kể từ khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) thắng cử vào năm 2016.
Nhưng tư thế hiếu chiến của nhà cầm quyền này đã làm dấy lên những lo ngại quốc tế và giúp Đài Loan có thêm sự ủng hộ. Mặc dù không có liên hệ chính thức, nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bán vũ khí và huấn luyện [quân sự] cho Đài Bắc để bảo đảm hòn đảo này có thể tự vệ, điều này được yêu cầu theo khuôn khổ quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Liên minh Âu Châu, Nhật Bản, và các cường quốc dân chủ khác cũng đã tăng cường trao đổi với Đài Loan.
Hôm thứ Sáu (10/12), bà Thái tuyên bố rằng, “Nền dân chủ của Đài Loan càng thành công, thì quốc tế càng ủng hộ mạnh mẽ, nên áp lực từ phe độc tài sẽ càng lớn.”
“Dù cho đó là áp lực ngoại giao hay đe dọa quân sự, thì chúng tôi sẽ không thay đổi sự quyết tâm tuân thủ dân chủ và tự do, tiến nhập vũ đài quốc tế, và tham gia vào cộng đồng dân chủ quốc tế,” bà nói tại một sự kiện ở Đài Bắc.
Ông Antonio C. Hsiang, giáo sư tại La Academia Nacional de Estudios Y Estrategicos ở Chile và một chuyên gia về quan hệ của Đài Loan tại Châu Mỹ Latinh, nói với Associated Press rằng việc cắt đứt ngoại giao này là để đáp lại lời mời của Đài Loan tới Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ của Tổng thống Biden, cũng như mối bang giao đang phát triển giữa Đài Loan và Lithuania.
Theo lời mời của Tòa Bạch Ốc, các đại diện từ Đài Loan sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ trực tuyến kéo dài hai ngày, bắt đầu vào thứ Năm (09/12). Lời mời đó làm cho nhà cầm quyền này tức giận vì họ đã bị loại khỏi danh sách khách mời.
Chính quyền Trung Quốc luôn chống lại việc Đài Loan tự đại diện cho mình trên các diễn đàn toàn cầu hoặc trong lĩnh vực ngoại giao.
Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng “chúng tôi tin rằng sớm hay muộn, các quốc gia này sẽ … thiết lập hoặc khôi phục quan hệ ngoại giao bình thường với Trung Quốc.”
“Đó chỉ là vấn đề thời gian,” ông khẳng định.
Các sự thay đổi công nhận [ngoại giao] gần đây nhất từ Đài Bắc sang Bắc Kinh là của các quốc đảo Thái Bình Dương Kiribati và Quần đảo Solomon vào năm 2019.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và nhà lập pháp cho rằng việc chuyển đổi không nhất thiết là một tổn thất đáng kể đối với Đài Loan và có thể chỉ là vấn đề thời gian. Sự nhấn mạnh của Đài Loan về các giá trị dân chủ trái ngược với nhiều đồng minh ngoại giao của nước này, chẳng hạn như Nicaragua.
Giáo sư Hsiang nói với Associated Press: “Mọi người đều có thể sớm nhận ra rằng mối bang giao này không thể được duy trì [như thế nữa].”
Lithuania, có bang giao chính thức với Bắc Kinh, cho phép Đài Loan mở đại sứ quán trên thực tế ở Vilnius với tên riêng (chính thức) của mình. Còn các văn phòng Đài Loan ở các nước khác thì sử dụng tên thành phố Đài Bắc để tránh làm Bắc Kinh tức giận.
Nhà cầm quyền này đã triệu hồi đại sứ của họ ở Vilnius và trục xuất đặc phái viên của Lithuania tại Bắc Kinh.
Bà Dovile Sakaliene, một thành viên của quốc hội Lithuania, cho biết hành động này là một “sự giải thoát”.
Bà nói trên Twitter rằng, “Các chế độ độc tài và chế độ chuyên chế không hợp với các quốc gia dân chủ cho lắm.”
I can't pretend I'm sad about it – good riddance I say. Dictatorships and authoritarian regimes don't blend well with democratic countries. Still, I hope ppl there will achieve safer future someday, like 🇱🇹 & 🇹🇼. @iingwen#DefendDemocracy #StandWithTaiwan @TW_in_LT @MOFA_Taiwan https://t.co/0U2kIpYeH0
— Dovilė Šakalienė (@DSakaliene) December 10, 2021
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: