Hoa Kỳ: Huấn luyện viên trường học bị sa thải vì cầu nguyện nơi công cộng
Một huấn luyện viên bóng bầu dục trường học, người đã bị sa thải vì cầu nguyện nơi công cộng sau mỗi lần kết thúc trận đấu của đội, đã dấn thân vào cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm để tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo của mình.
Ông Joe Kennedy, một cựu huấn luyện viên tại một trường trung học ở Bremerton, tiểu bang Washington đã quyết định tranh đấu trước tòa về quyết định đình chỉ của trường vì ông cầu nguyện nơi công cộng sau mỗi trận đấu. Vị huấn luyện viên này muốn làm gương cho học sinh của mình để đứng lên và tranh đấu đến cùng cho những điều đúng đắn.
“Miễn là tôi còn thở, tôi sẽ chiến đấu. Đó là điều tôi mong đợi ở các em,” ông Kennedy nói với chương trình “Crossroads” của EpochTV.
Ông Kennedy đã trở thành một huấn luyện viên sau khi về hưu từ Hải quân Hoa Kỳ sau 20 năm phục vụ. Đối với ông Kennedy, là một người lính Thủy quân lục chiến có nghĩa là một phần của điều gì đó lớn hơn bản thân mình. “Về căn bản, tôi là người gác cổng cho Hiến pháp để bảo đảm rằng mọi người ở Hoa Kỳ đều được bảo vệ như nhau.”
“Là Thủy quân lục chiến, chúng tôi không muốn thua trong một trận chiến, chúng tôi tiếp tục chiến đấu cho đến phút chót.”
Bản kháng cáo cuối cùng của ông Kennedy sẽ được Tối cao Pháp viện xét xử.
Ông Kennedy cho biết việc ông quyết tâm tranh đấu cho quyền lợi của mình cũng được khẳng định bởi đức tin sâu sắc của ông “Tôi không bao giờ quay lưng lại với Chúa và tôi sẽ không bao giờ làm vậy.”
Cầu nguyện sau mỗi trận đấu
Sau khi ông Kennedy về hưu từ Hải quân hồi năm 2006, ông đã tìm được công việc là một huấn luyện viên bóng bầu dục ở trường trung học. Khi đó, ông Kennedy là một tín đồ Công giáo mới và chưa biết cách thực hành đức tin của mình nhưng rất tận tụy với nó. “Tôi sẽ đi bất cứ nơi nào Chúa kêu gọi tôi đi,” ông nói.
Ông chưa từng làm công việc huấn luyện và muốn thực hiện trách nhiệm mới một cách nghiêm túc nên trước tiên ông đã cố gắng học hỏi thêm từ người vợ và hai đứa con học cùng trường trung học nơi cha của chúng sẽ đến làm việc.
Ông Kennedy cũng xem phim để cố gắng tìm hiểu cách huấn luyện và tình cờ bắt gặp bộ phim “Đối mặt với những gã khổng lồ” (“Facing the Giants”).
“Đối mặt với gã người khổng lồ” kể về câu chuyện một huấn luyện viên ở trường trung học Cơ Đốc giáo sử dụng đức tin kiên định của mình để chiến đấu với “những gã khổng lồ của sự sợ hãi và thất bại”, theo một bản tóm tắt IMBd. Người huấn luyện viên trong phim sử dụng đức tin để thử thách đội bóng đang thất bại của mình đạt được điều không thể và đội bóng bắt đầu giành chiến thắng.
Bộ phim đã thực sự truyền cảm hứng cho ông Kennedy. “Trước Chúa … tôi thấy mình nhỏ bé”, ông Kennedy mô tả cảm xúc của mình sau khi xem bộ phim. “Tôi đã khóc hết nước mắt và nói: ‘Chúa ơi, con sẽ làm hết sức mình. Con hiểu rồi. Con nghe thấy tiếng Người kêu gọi con làm công việc này.’”
Cứ sau mỗi trận đấu – bất kể đội của ông thắng hay thua – ông Kennedy đều đi đến vạch 50 yard, điểm giữa của sân bóng, quỳ gối và cầu nguyện trong thầm lặng. “Tôi chỉ quỳ gối và cảm ơn Chúa vì cơ hội được ở ngoài sân và cho những gì các chàng trai trẻ tuổi đó vừa làm. Và việc đó đã diễn ra trong nhiều năm trước khi ai đó kể với người khác về việc này.”
Ông Kennedy nói, lời cầu nguyện kéo dài tối đa khoảng 22 đến 27 giây.
Sau sáu tháng làm việc, một số học sinh hỏi ông Kennedy rằng ông đang làm gì khi quỳ gối. Khi biết rằng ông đang cảm ơn Chúa vì nỗ lực của cả đội, các em học sinh này đã xin phép ông được cầu nguyện chung. Ông Kennedy nói với họ, “Đây là Hoa Kỳ, hãy làm bất cứ điều gì các em muốn làm” và một số em học sinh bắt đầu cầu nguyện cùng với huấn luyện viên của mình.
Sau đó, đội trưởng đội của ông Kennedy đã xin phép mời các đội khác cầu nguyện chung với họ. Vị huấn luyện viên đã đồng ý và vào năm 2015, năm cuối cùng trong sự nghiệp huấn luyện của ông, mọi đội bạn đều tham gia cùng cầu nguyện với họ trên vạch 50 yard sau trận đấu, ông Kennedy nói.
Một học sinh không muốn cầu nguyện mà muốn chăm sóc các thành viên khác trong nhóm và thiết bị, ông Kennedy cho biết, và nói thêm rằng ông đã đồng ý với điều đó và sau đó đã thăng chức cho cậu bé này làm đội trưởng.
Quyết định khó khăn
Các vấn đề bắt đầu sau khi một nhà giáo dục từ một khu học chánh khác tham dự một trận bóng mà đội của ông Kennedy chơi và khen hiệu trưởng nhà trường vì cả hai đội đến cùng nhau sau trận đấu [để cầu nguyện], ông Kennedy tiếp tục câu chuyện. “Đó là những gì bắt đầu toàn bộ cuộc điều tra”.
Vị huấn luyện viên nói rằng vào thời điểm đó ông đã “đối thoại cởi mở” với người quản lý và nghĩ rằng mọi thứ có thể ổn thỏa. Tuy nhiên, sau đó học khu bảo ông Kennedy phải lựa chọn giữa đức tin và công việc của mình, vị huấn luyện viên nói.
“Quả là quá khó khăn khi phải lựa chọn giữa hai thứ, niềm đam mê và thứ — mà quý vị thực sự yêu thích trong đời — được ở ngoài sân với những chàng trai đó.”
Ông Kennedy nói rằng việc tuân thủ các yêu cầu của học khu có nghĩa là “quay lưng lại với Chúa.”
Nhà trường “liên tục làm khó [ông Kennedy] thậm chí nhiều hơn trong suốt phần còn lại của mùa giải,” luật sư Jeremy Dys của First Liberty Institute, một tổ chức hợp pháp về quyền tự do tôn giáo đại diện cho ông Kennedy, cho biết.
Đầu tiên, nhà trường yêu cầu vị huấn luyện viên ngừng cầu nguyện với các cầu thủ và ông đã làm thế, ông Dys nói trên chương trình Crossroads của EpochTV. “Giao ước duy nhất mà ông đã lập với Chúa là ông sẽ quỳ gối cầu nguyện một mình trong im lặng”.
Tại một trận đấu, khi ông Kennedy đang cầu nguyện một mình, nhà trường đã đình chỉ ông và sau đó ghi vào hồ sơ của ông một dòng chữ: “Không thuê lại”, ông Dys nói. “Vì vậy, ông ấy đã bị sa thải khỏi vị trí huấn luyện viên chỉ vì quỳ gối trong im lặng để cầu nguyện sau trận đấu,” một hành động được nhà trường gọi là “hoạt động biểu tình tôn giáo”, luật sư giải thích.
“Tu chính án thứ Nhất rất nói rõ rằng Quốc hội sẽ không đưa ra luật nào liên quan đến việc thực hiện tự do tôn giáo và tu chính án này cũng bảo vệ ngôn luận,” ông Dys nói. Tuy nhiên, học khu cho biết “quý vị có thể tiến hành ngôn luận này nhưng không được tiến hành ngôn luận kia,” ông giải thích. Đặt ra một giới hạn kiểm duyệt về thực tế rằng ông Kennedy tham gia vào hoạt động tôn giáo không được phép theo Hiến pháp, ông Dys nói.
Ông Dys nói nói rằng Đạo luật Dân quyền năm 1964 yêu cầu khu học chánh phải đáp ứng niềm tin tôn giáo của ông Kennedy, nhưng sự đáp ứng học khu này cung cấp sẽ yêu cầu ông Kennedy rời sân bóng và đến cầu nguyện trong một tòa nhà của trường nằm phía sau hai sân.
Ông Dys nói: “Đó không phải là một sự đáp ứng hợp lý trong hoàn cảnh này, và cũng không nên bắt buộc bất kỳ ai phải ráng hết sức để có thể tuân theo các mệnh lệnh tôn giáo của họ.”
“Luật pháp và Hiến pháp bảo vệ quyền của công dân Hoa Kỳ để có thể nói về đức tin của họ, và thậm chí là những người có đức tin trong khi họ đang làm việc. Và vì vậy, khi những người như ông huấn luyện viên Kennedy bị từ chối điều đó, chúng ta sẽ mất đi một phần rất quan trọng trong sự tự do của chúng ta,” ông Dys giải thích.
Ông Kennedy nói rằng các cầu thủ trong đội của ông muốn ông tiếp tục huấn luyện và hỏi ông tại sao ông không chấp nhận các yêu cầu của trường. Huấn luyện viên này thừa nhận rằng ông cũng đã trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm về việc có nên nhượng bộ trước áp lực hay không.
Ông không muốn đánh mất đội bóng của mình, nơi mà ông đã dành hết tâm huyết. Vào thời điểm đó, hai đứa con của ông đang học cấp ba và một đứa đang học cấp hai, còn người vợ của ông cũng đang làm việc cho khu học chánh. “Đây là một cuộc chiến tấn công tôi từ mọi góc độ.”
Ông không muốn cho đội bóng của ông thấy rằng ông rời bỏ cuộc chiến khi mọi thứ trở nên khó khăn, vì vậy ông quyết định chiến đấu cho đến phút cuối cùng, ông Kennedy giải thích. Ông muốn dẫn dắt đội bóng của mình bằng cách làm gương. “Tôi không thể nghĩ ra một tấm gương nào mạnh mẽ hơn cho những chàng trai trẻ tuổi này là việc có thể đứng lên và đấu tranh cho những điều đúng đắn.”
Bà Ella Kietlinska là một phóng viên của The Epoch Times tại New York.
Anh Joshua Philipp là một phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV. Anh là một chuyên gia được công nhận về chiến tranh không hạn chế, chiến tranh hỗn hợp phi cân xứng, hoạt động lật đổ, và các quan điểm lịch sử về các vấn đề ngày nay. Hơn 10 năm nghiên cứu và điều tra về Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động lật đổ, và các chủ đề liên quan giúp anh có cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa toàn cầu này và bối cảnh chính trị.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: