Hoa Kỳ: Gần như chưa phải là sự hồi phục
Ý kiến bình luận
Có một sự nhìn nhận đồng thuận quá lạc quan về tốc độ và sức mạnh của sự phục hồi của Hoa Kỳ, điều trái ngược với các số liệu thực tế. Mặc dù đúng là sự phục hồi của Hoa Kỳ mạnh hơn so với ở Âu Châu hoặc Nhật Bản, nhưng dữ liệu vĩ mô cho thấy những thông điệp lạc quan về tăng trưởng tổng GDP đã bị phóng đại quá mức.
Tất nhiên, GDP sẽ tăng nhanh, với ước tính là 6% cho năm 2021. Nếu nó không tăng sau một chuỗi các đợt kích thích khổng lồ tới hơn 12% GDP trong chi tiêu tài chính và 7 ngàn tỷ USD thông qua mở rộng bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang thì sẽ là đáng báo động. Theo McKinsey, đây là gói kích thích kết hợp lớn hơn gần ba lần so với gói dành cho cuộc khủng hoảng năm 2008.
Câu hỏi đặt ra là, chất lượng của sự phục hồi này ra sao?
Câu trả lời là: vô cùng tồi tệ. Tăng trưởng thực tế của Hoa Kỳ khi không tính yếu tố gia tăng nợ sẽ tiếp tục ở mức quá nhỏ. Không ai có thể nói về một sự phục hồi mạnh mẽ khi tỷ lệ sử dụng công suất công nghiệp ở mức 74%, thấp hơn mức 77% trước đại dịch và thấp hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 80%. Hơn nữa, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chỉ dừng mức 61.5%, thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch COVID-19 và đang chững lại sau khi tăng lên 61.7% vào tháng 08/2020.
Tỷ lệ thất nghiệp có thể ở mức 6%, nhưng nó vẫn lớn gần gấp đôi so với trước đại dịch. Số đơn thất nghiệp liên tục duy trì ở mức trên 3.7 triệu vào tháng 04/2020. Số người xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn trên 500,000 người, và tổng số người yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã giảm 1.2 triệu người xuống còn 16.9 triệu người trong tuần kết thúc vào ngày 27/03.
Những con số này phải được đặt trong bối cảnh chi tiêu [của chính phủ] tăng mạnh chưa từng có và các gói kích thích tiền tệ được tung ra. Đúng, sự phục hồi này tốt hơn so với khu vực đồng euro nhờ vào việc khai triển chích ngừa nhanh chóng và hiệu quả và sự năng động của cấu trúc kinh doanh của Hoa Kỳ, nhưng các số liệu cho thấy rằng một số lượng các kế hoạch kích thích [kinh tế] có liên quan tiếp theo chỉ đơn giản là tạo tình trạng dư thừa vĩnh viễn, giữ cho các doanh nghiệp xác sống (zombie firms) vốn có các vấn đề tài chính từ trước đại dịch COVID-19 [tiếp tục] tồn tại, và làm bùng nổ thâm hụt có tính cấu trúc cũng như chi tiêu bắt buộc của chính phủ.
Nếu không có các kế hoạch kích thích chi tiêu thâm hụt, liệu nền kinh tế Hoa Kỳ có thể phục hồi nhanh như hiện tại? Có thể. Tôi tin như vậy, bởi vì toàn bộ sự phục hồi, ở các thị trường và cả nền kinh tế, đều do tin tức về vaccine và quá trình chích ngừa dẫn dắt. Hầu hết các chương trình [kích thích kinh tế] đã khai triển đều có một tác động nhỏ so với việc [cho phép] mở cửa trở lại ngành du lịch-nhà hàng-khách sạn và việc chích ngừa. Toàn bộ cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra do các hoạt động phong tỏa và virus, và toàn bộ sự phục hồi là nhờ việc mở cửa trở lại và chích ngừa.
Mối lo ngại chính của tôi là chương trình gia tăng nợ và thâm hụt quỷ quyệt này đã được sắp đặt như điều kiện tối thiểu cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Chưa ai phân tích liệu các kế hoạch chi tiêu có hiệu quả không. Trên thực tế, ở khu vực đồng tiền chung Âu Châu, dường như không ai lo ngại về thực tế là các quốc gia, nơi đã chi từ 20% đến 30% GDP cho các kế hoạch kích thích [kinh tế], hiện đang rơi vào tình trạng đình trệ.
Thông điệp chính dường như là nếu các kế hoạch chi tiêu không hiệu quả thì đó là bởi vì quy mô của chúng không đủ lớn. Dường như rất ít người thảo luận về sự lãng phí trong hoạt động cấp vốn khu vực công, trong khi các động lực hàng đầu của việc phục hồi là việc khai triển vaccine và mở cửa trở lại lĩnh vực dịch vụ.
Dường như các chính phủ muốn thuyết phục chúng ta rằng họ đã cứu thế giới, trong khi thực tế là các chính sách phong tỏa sai lầm là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế, và dỡ bỏ chúng là nguyên nhân chính của sự phục hồi. Trong quá trình này, hàng ngàn tỷ USD đã bị phung phí.
Thật nguy hiểm khi chấp nhận rằng chi tiêu của chính phủ, bất kể là bao nhiêu hay để làm gì, là giải pháp duy nhất và càng nguy hiểm hơn khi tin rằng đồ thị phục hồi chỉ là một hàm số của quy mô gói kích thích [kinh tế].
Vấn đề [gây suy giảm kinh tế] là do virus và các đợt phong tỏa do chính phủ áp đặt; giải pháp là vaccine và mở cửa trở lại. Vấn đề là do chính phủ thiếu sự ngăn ngừa và chủ nghĩa can thiệp quá mức, và giải pháp thì không phải là sự can thiệp nhiều hơn.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis và là tác giả của cuốn sách “Tự do hoặc Bình đẳng,” “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Các Thị trường Tài chính.”
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: