Hoa Kỳ, EU lo ngại về tung tích của ký giả công dân Trung Quốc được cho là đã được thả khỏi nhà tù
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng: ‘Các ký giả ở [Trung Quốc] phải được an toàn và có thể đưa tin một cách tự do.’
Chính phủ Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã bày tỏ lo ngại về tình hình của một ký giả công dân Trung Quốc, người bị bỏ tù vì đưa tin về đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc.
Cô Trương Triển (Zhang Zhan), 40 tuổi, một cựu luật sư, đã tới tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc vào đầu tháng 02/2020 để tường thuật về tình hình địa phương. Các bài đăng và video trên mạng xã hội của cô thường chỉ trích các biện pháp mà chính quyền Trung Quốc áp dụng để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Ba tháng sau cô mất tích ở Vũ Hán và sau đó, người ta biết rằng cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ cô.
Hồi tháng 12/2020, cô Trương bị kết tội “gây gổ và gây rối”, một tội danh mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường sử dụng để bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Cô bị kết án 4 năm tù, và điều này đã thu hút sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Cô Trương lẽ ra phải được trả tự do vào ngày 13/05, nhưng cô đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đó và gia đình cô cũng chưa xác nhận việc cô đã trở về nhà.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 16/05: “Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc trước các báo cáo cho biết ký giả công dân Trung Quốc, cô Trương Triển đã biến mất sau khi được thả khỏi Nhà tù Nữ Thượng Hải vào ngày 13/05 sau bốn năm ở tù.”
Ông Miller cho biết Hoa Kỳ đã “nhiều lần bày tỏ lo ngại sâu sắc” về sức khỏe của cô. Năm 2021, Bộ Ngoại giao bày tỏ lo ngại về sức khỏe của cô Trương sau khi có tin tức cô đã tuyệt thực kéo dài và bị bức thực trong thời gian bị giam giữ.
“Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tôn trọng nhân quyền của cô Trương, bao gồm cả việc chấm dứt ngay lập tức các biện pháp hạn chế mà cô và tất cả các ký giả ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải đối mặt, bao gồm giám sát, kiểm duyệt, sách nhiễu, và đe dọa,” ông Miller nói.
Ông nói thêm: “Các ký giả ở Trung Quốc phải được an toàn và có thể đưa tin một cách tự do.”
Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh Âu Châu, đã lên X (trước đây là Twitter) vào ngày 16/05 để bày tỏ lo ngại về tung tích của cô Trương.
“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tình hình hiện nay của cô ấy và nhắc lại những lo ngại trước đây của chúng tôi về sức khỏe của cô ấy. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc cung cấp thông tin về tình trạng của cô ấy và ngay lập tức xác nhận việc cô ấy đã được thả,” bà Massrali viết.
‘Biến mất’
Cô Vương Kiếm Hồng (Jane Wang), một nhà hoạt động hiện đang sinh sống tại Vương quốc Anh, người đã vận động để trả tự do cho cô Trương, đã đăng trên X vào ngày 13/05 rằng, gia đình cô Trương đã phải chịu “áp lực rất lớn và bị cảnh cáo nghiêm khắc là không được trả lời phỏng vấn trên truyền thông.” Cô cho biết thêm rằng một nhà hoạt động Trung Quốc “đã bị cảnh sát triệu tập” vì đã nói chuyện với mẹ cô Trương về việc đón con gái bà tại nhà tù Thượng Hải.
Trong bài đăng trên X của mình, cô Vương cho biết sự im lặng xung quanh cô Trương có thể gợi ý một số khả năng—rằng cô ấy hoặc bị trở thành một tù nhân trong chính ngôi nhà của mình, hoặc bị giam giữ tại một cơ sở y tế mà không được gặp mặt gia đình, hoặc bị chính quyền bắt cóc.
“Thật đau lòng khi cô Trương Triển, người truyền cảm hứng cho chúng ta chiến đấu vì sự minh bạch và quyền được biết thông tin, đã ‘biến mất’ và gia đình cô ấy lại một lần nữa im lặng,” cô Vương viết trong một bài đăng X vào ngày 17/05.
Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang), phó giám đốc bộ phận châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nghi ngờ rằng cô Trương “sẽ vẫn bị công an giám sát chặt chẽ” với “những hạn chế đối với việc đi lại của cô ấy,” bà viết trong một bài đăng X vào ngày 13/05, sau khi không nhận được xác nhận về việc cô Trương được thả.
Bà nói thêm: “Việc cô Trương Triển bị cầm tù sẽ nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chính quyền Trung Quốc vẫn chưa bị buộc phải chịu trách nhiệm về việc che đậy sự bùng phát COVID-19 hoặc về những hành vi lạm dụng liên quan đến các hạn chế hà khắc về đại dịch của họ.”
Trong một bài đăng trên X vào đầu tuần này, nhóm nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, nghi ngờ rằng cô Trương đã trở thành nạn nhân của hệ thống “thả nhưng không thả” (non-release release, NRR) của Trung Quốc do “thiếu thông tin” xoay quanh cô.
“NRR là một biện pháp ngoài pháp luật và ngoài tư pháp nhằm giam giữ một cách không chính thức một người mà theo luật phải được trả tự do, chẳng hạn như sau khi đã thụ án xong, được hưởng án treo hoặc được tại ngoại từ một trung tâm giam giữ,” Safeguard Defenders viết trong báo cáo năm 2021 của mình.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times