Hoa Kỳ đưa hàng chục công ty công nghệ sinh học Trung Quốc hỗ trợ quân đội vào danh sách đen
Hôm 16/12, Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế thương mại và đầu tư đối với hàng chục tổ chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc vũ khí hóa công nghệ sinh học và các đổi mới khác của Hoa Kỳ để hỗ trợ quân đội Trung Quốc và thúc đẩy hơn nữa các hành vi lạm dụng nhân quyền.
Trong số 34 tổ chức Trung Quốc bị nhắm mục tiêu có Học viện Khoa học Quân y – viện nghiên cứu y khoa hàng đầu của Trung Quốc do quân đội Trung Quốc điều hành – cùng với 11 viện nghiên cứu của tổ chức này, vì đã hỗ trợ quân đội Trung Quốc về công nghệ sinh học, trong đó có “vũ khí điều khiển trí óc có chủ đích”, bộ cho biết nhưng không đi vào chi tiết về công nghệ này.
Theo một kho bằng sáng chế trực tuyến, năm 2018, Học viện Khoa học Quân y đã đăng ký một bằng sáng chế cho công nghệ thu thập và xử lý tín hiệu não.
Viện Bức xạ, cùng với Y học Bức xạ, một trong những chi nhánh của viện này bị nhắm mục tiêu, năm 2012 đã cho xuất bản một bài nghiên cứu bằng tiếng Trung thảo luận về cách thiết lập một ngân hàng dữ liệu về các tác động của “vũ khí tấn công kiểm soát trí não” lên hành vi.
Các hạn chế thương mại cũng được áp dụng đối với HMN Technologies, trước đây là một công ty trực thuộc nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc Huawei mang tên Huawei Marine, cũng như Công ty Quang Điện Hanh Thông Giang Tô (Jiangsu Hengtong OpticElectric), Công ty Công nghệ Kiểm soát Ngạo Thế Thượng Hải (Shanghai Aoshi Control Technology Co.) và Công ty Công nghệ Cáp Biển Trung Thiên (Zhongtian Technology Submarine Cable), vì vai trò của họ trong việc mua lại các mặt hàng của Hoa Kỳ để hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.
Những công ty này được đưa vào “danh sách đen”, vốn ngăn cấm các công ty Hoa Kỳ kinh doanh với họ mà không có giấy phép đặc biệt.
“Việc theo đuổi khoa học công nghệ sinh học và đổi mới y tế có thể cứu sống nhân mạng. Thật không may, CHND Trung Hoa đang lựa chọn sử dụng những công nghệ này để theo đuổi quyền kiểm soát người dân của họ và đàn áp các thành viên của các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số,” Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết trong một tuyên bố hôm 16/12.
“Chúng tôi không thể cho phép hàng hóa, công nghệ, và nhu liệu của Hoa Kỳ hỗ trợ khoa học y tế và đổi mới công nghệ sinh học bị chuyển hướng sang các mục đích sử dụng đi ngược lại với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”
Các hạn chế thương mại diễn ra sau một lệnh cấm đầu tư của Hoa Kỳ hồi tuần trước đối với công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime của Trung Quốc, sau khi phát hiện ra rằng công ty con của công ty này đã phát triển một chương trình nhận dạng khuôn mặt nhắm vào người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nơi Bắc Kinh đang tiến hành một chiến dịch đàn áp rộng lớn.
Sau đó vào cùng ngày, Bộ Ngân khố đã cấm đầu tư của Hoa Kỳ vào 8 công ty công nghệ Trung Quốc: Công ty TNHH Công nghệ Cloudwalk; Công ty TNHH Công nghiệp Thông tin Dawning; Công ty TNHH Công nghệ Leon; Công ty TNHH Công nghệ Megvii; Công ty TNHH Công nghệ Netposa; Công ty TNHH Công nghệ SZ DJI; Công ty TNHH Thông tin Meiya Pico Hạ Môn; và Công ty TNHH Yitu. Bộ cáo buộc họ hỗ trợ Bắc Kinh giám sát và theo dõi sinh trắc học người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Trung Quốc.
Bộ Ngân khố cho biết, nhà phát triển nhu liệu Cloudwalk Technology có trụ sở tại Quảng Châu đã thiết kế một nhu liệu nhận dạng khuôn mặt để theo dõi các nhóm dân tộc thiểu số như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời cảnh báo cho chính quyền về bất kỳ cuộc tụ tập đông người nào ở một địa điểm cụ thể. Công ty này cũng đã đạt được một thỏa thuận với chính phủ Zimbabwe để xây dựng một mạng lưới giám sát trên diện rộng tại quốc gia này, vốn sẽ lấy nguồn hình ảnh từ mạng lưới đó để cải thiện khả năng nhận dạng sắc tố da của nhu liệu.
Theo một báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Meiya Pico, một công ty pháp y dữ liệu kỹ thuật số có trụ sở tại Phúc Kiến, một tỉnh duyên hải của Trung Quốc, đã phát triển một ứng dụng di động để trích xuất hình ảnh, dữ liệu vị trí, âm thanh, và tin nhắn từ điện thoại di động của người dân. Công ty này cũng đã giúp tạo ra một công cụ để phiên âm và dịch ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ, cho phép chính quyền Tân Cương sàng lọc các thiết bị của người dân địa phương để tìm nội dung bị cấm.
Năm 2018, các quan chức đã ra lệnh cho người dân Tân Cương cài đặt nhu liệu giám sát của Meiya trên máy điện toán của họ nhằm giám sát các hoạt động của họ, Bộ Ngân khố cho biết. Báo cáo của ASPI cũng cho thấy Meiya Pico đã đào tạo cho Interpol và đã bán thiết bị hack di động cho quân đội Nga.
Toàn bộ tám công ty này đều đã có tên trong danh sách đen của Bộ Thương mại.
Phần lớn trong số 37 tổ chức có tên trong danh sách cấm ngày 16/12 của Bộ Thương mại đều có trụ sở tại Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại, một mạng lưới các tổ chức từ Trung Quốc, cũng như Georgia, Malaysia, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị đưa vào danh sách đen thương mại vì “chuyển hướng hoặc cố gắng làm chệch hướng các mặt hàng của Hoa Kỳ sang các chương trình quân sự của Iran”.
HMN Technologies, một trong những công ty Trung Quốc bị trừng phạt, đã được Huawei bán cho một công ty niêm yết tại Thượng Hải năm 2019, ngay sau khi chính Huawei bị đưa vào danh sách đen. Tại thời điểm đó, các nhà phân tích cho biết hành động này nhằm giải phóng hoạt động kinh doanh cáp biển của Huawei khỏi các hạn chế của Hoa Kỳ.
Hoa Thịnh Đốn đã lên tiếng báo động về các tuyến cáp ngầm do Trung Quốc chế tạo vì lo ngại rằng chúng có thể bị Bắc Kinh sử dụng cho hoạt động gián điệp và phá hoại thông tin liên lạc toàn cầu. Dự án xây dựng một tuyến cáp nối ba quốc đảo Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới dẫn đầu được cho là đã bị hủy bỏ hồi tháng Sáu sau khi Hoa Kỳ cảnh báo rằng sự tham gia của HMN Technologies trong dự án này tạo ra mối đe dọa an ninh.
Một báo cáo bị rò rỉ do The Epoch Times thu được năm 2018 cho thấy chính quyền Trung Quốc có thể đang chặn thông tin liên lạc từ các đường cáp dưới biển, gây rủi ro cho tất cả dữ liệu điện thoại và internet được truyền qua các mạng ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: