Hoa Kỳ đề xuất hợp tác với Ấn Độ về AI trong quốc phòng và an ninh
NEW DELHI — Ủy ban An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về Trí tuệ Nhân tạo đã đề xuất rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ hợp tác về Trí tuệ Nhân tạo (AI) cho các vấn đề quốc phòng và an ninh và cùng giải quyết các vấn đề địa chính trị phát sinh vì cạnh tranh do tiến bộ khoa học kỹ thuật.
“Ủy ban AI của chúng tôi gần đây đã đề xuất một liên minh công nghệ chiến lược Hoa Kỳ – Ấn Độ chính thức. Đây thực sự là một hoạt động chính thức của chính phủ Hoa Kỳ để phát triển chiến lược công nghệ khu vực và hợp tác trong các dự án nghiên cứu và phát triển chung, trao đổi nhân tài… sử dụng AI để giải quyết các vấn đề xã hội chung,” ông Eric Schmidt, chủ tịch của ủy ban cho biết trong một bài phát biểu trực tuyến trên Inspired India, cuộc họp thường niên của Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) hôm 12/12.
Ông Schmidt cho biết sự hợp tác giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ về trí tuệ nhân tạo có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông mô tả Ấn Độ là “tâm điểm” của các công nghệ mới nổi ở khu vực này.
Ấn Độ và Hoa Kỳ là các đối tác chiến lược trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và liên minh công nghệ sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác sẵn có giữa hai nền dân chủ trong khu vực này. Ông Schmidt thông báo với công chúng trực tuyến rằng Ủy ban đã đề xuất với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng họ sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao Ấn Độ về một “chương trình nghị sự cụ thể” tại cuộc họp cấp cao đầu tiên.
Chủ tịch Ủy ban AI nhấn mạnh việc sử dụng AI “đúng cách”. “Tôi cảm thấy cấp bách phải làm cho AI trở nên đúng đắn. Cảm giác cấp bách của tôi ngày càng được khuếch đại vì [các] phát triển kinh tế và chiến lược ngày càng rộng lớn hơn, quý vị không thể bỏ qua những xu hướng này trong bối cảnh quốc tế,” ông Schmidt nói.
Thời gian của Đề xuất
Tiến sĩ Manjari Singh, viện sĩ của Viện Nghiên cứu Chiến tranh trên bộ, một tổ chức tư vấn độc lập của quân đội Ấn Độ, nói với The Epoch Times rằng thời điểm đề xuất hợp tác về AI giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ là quan trọng nhất.
“Đề xuất này được đưa ra khi cả hai nước đã bắt đầu nâng tầm mối quan hệ của họ, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hồi tháng 10, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã ký kết hiệp định BECA để ấn định thỏa thuận của họ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác quân sự và chiến lược lâu dài,” Tiến sĩ Singh nói.
“BECA là thỏa thuận thứ ba trong ‘các hiệp ước nền tảng’ sau LEMOA [Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần] và COMCASA [Thỏa thuận An ninh và Tương thích Liên lạc] cho hợp tác quân sự sâu hơn và sau đó nữa, do đó sự hợp tác về AI có ý nghĩa rất lớn.”
Tiến sĩ Singh nhận định: Mối quan tâm hợp tác ngày càng gia tăng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương cho thấy Ấn Độ và Hoa Kỳ nghiêm túc với “cuộc chơi” của họ trong khu vực.
N.C. Bipindra, Biên tập viên của Tạp chí về các vấn đề chiến lược ‘Defense.Captital’ đồng thời là Chủ tịch của Liên minh Luật pháp và Xã hội có trụ sở tại New Delhi nói với The Epoch Times rằng hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã phát triển theo cấp số nhân trong hai thập kỷ qua, và Ấn Độ đã được Hoa Kỳ nâng cấp lên trạng thái “Đối tác Quốc phòng chính” bốn năm trước.
“Hoa Kỳ đã nổi lên thành một trong ba nhà cung cấp quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ và đã giành được các hợp đồng với tổng trị giá hơn 21 tỷ USD kể từ năm 2007, bao gồm cung cấp các hệ thống vũ khí như súng pháo và tên lửa phóng từ trên không, ngoại trừ máy bay quân sự và trực thăng,” ông Bipindra nói, cho biết thêm rằng trí tuệ nhân tạo và học máy đang là “những thuật ngữ thông dụng” trong lĩnh vực quốc phòng sử dụng nhiều công nghệ hiện nay.
Tiến sĩ Singh cho biết Ấn Độ hiện có hợp tác AI với sáu quốc gia: Đức, Nga, Canada, Trung Quốc, Singapore và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nhưng [hợp tác tại] những quốc gia này chỉ tập trung vào chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, giáo dục, thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng, cũng như di chuyển và giao thông thông minh.
Bà nói: “Đề xuất của ông Schmidt trong bối cảnh đó là duy nhất vì việc sử dụng công nghệ như vậy ở Ấn Độ – Thái Bình Dương cho thấy một góc độ chiến lược và an ninh.”
Chiến tranh lạnh công nghệ
Trong bài phát biểu của mình, ông Schmidt nói rằng Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một quốc gia “đồng đẳng về AI” theo nhiều cách khác nhau.
“Các đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ nhìn nhận sức mạnh của AI theo những thuật ngữ tương tự và họ đang sử dụng nó vì những lý do khác nhau và theo những cách thức khác nhau,” ông nói.
Ông Abhinav Pandya, Giám đốc điều hành của Usanas Foundation, một tổ chức tư vấn địa chính trị có trụ sở tại Ấn Độ, nói với The Epoch Times rằng Chiến tranh Lạnh Mỹ – Trung bắt nguồn từ một cuộc cạnh tranh công nghệ, không giống như chiến tranh lạnh trước đây vốn chủ yếu bắt nguồn từ ý thức hệ.
“Do đó, lợi thế công nghệ quan trọng và sự cạnh tranh trong [các lĩnh vực] AI, điện toán đám mây, chất bán dẫn, v.v. sẽ có tầm quan trọng to lớn trong Chiến tranh Lạnh 2.0 này. AI nói riêng đáng được quan tâm đặc biệt vì nó được sử dụng trong quốc phòng, chiến tranh điện tử và chiến tranh thông tin liên lạc, và giám sát / tình báo. Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào AI và sử dụng nó để phòng thủ và thông tin sai lệch,” ông Pandya cho biết.
Trung Cộng đã phát hành Sách Trắng Quốc phòng (DWP) lần thứ 10, tựa đề “Quốc phòng Trung Quốc trong Kỷ nguyên Mới” vào tháng 7 năm 2019, nói về việc thu nhỏ quy mô lực lượng trên bộ và về việc thành lập Lực lượng Chi viện chiến lược Quân Giải phóng Nhân dân (PLASSF), theo một bài báo nghiên cứu về AI trong quân đội Trung Quốc được công bố trên Observer Research Foundation hồi tháng Hai năm nay.
Bài báo của tác giả Kartik Boomakanti đề cập đến việc quân đội Trung Quốc đang trải qua “sự chuyển đổi đáng kể” và đang nghiên cứu các khả năng sử dụng AI để tăng cường sức mạnh và hiệu quả chiến đấu trong thời chiến.
Ông Pandya cho biết phương Tây coi Ấn Độ là “bình phong và thành lũy” mạnh nhất chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và đó là lý do tại sao Hoa Kỳ muốn liên minh công nghệ với Ấn Độ.
“Sau xung đột gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Ấn Độ có thể sẽ đưa ra các hạn chế đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Ấn Độ. Hoa Kỳ có thể lấp đầy khoảng trống đó. Ấn Độ và Hoa Kỳ tin tưởng vào các giá trị dân chủ, vì vậy có một yếu tố tin cậy mạnh mẽ rằng không quốc gia nào trong hai bên sẽ lạm dụng quan hệ đối tác công nghệ,” ông Pandya nói.
Theo Pandya, Ấn Độ có một nguồn “tài năng thô” khổng lồ nhưng không có cơ sở hạ tầng giáo dục đầy đủ cho AI và các trường đại học Hoa Kỳ có thể lấp đầy khoảng trống đó.
“Các trường đại học Hoa Kỳ đã phát triển một cơ sở hạ tầng hiện đại để nghiên cứu về AI. Họ có thể giúp Ấn Độ xây dựng năng lực bằng cách tạo ra nhiều kết nối hơn với ngành công nghiệp, các tổ chức tư vấn và các trường đại học của Ấn Độ,” ông nói và cho biết thêm rằng liên minh công nghệ có thể là một “trụ cột vững chắc” để duy trì QUAD.
QUAD là một liên minh chiến lược giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản.
Venus Upadhayaya
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: