Hoa Kỳ đáp trả mạnh mẽ việc ĐCSTQ cấm thị thực đến Tây Tạng
Ngày 7/7, Chính quyền Tổng thống Trump áp đặt lệnh hạn chế thị thực với các quan chức Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên quan đến việc hạn chế người nước ngoài đến Tây Tạng.
Chính quyền Tổng thống Trump không chỉ tiến hành đồng thời các ‘cuộc chiến’ với ĐCSTQ về các vấn đề như Hong Kong, Tân Cương, các hoạt động thương mại toàn cầu và sự gây hấn tại khu vực Biển Đông, mà còn “đánh vào” các quan chức ĐCSTQ bằng việc hạn chế thị thực, hạn chế hoặc cấm hoàn toàn các quan chức này nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa tuyên bố về hạn chế thị thực với các quan chức ĐCSTQ, đồng thời cáo buộc ĐCSTQ cản trở một cách có hệ thống các nhà ngoại giao, nhà báo và khách du lịch đến Tây Tạng, khu tự trị tại Trung Quốc.
Ông Pompeo cho biết: “Hoa Kỳ tìm kiếm sự đối xử công bằng, minh bạch và cùng có đi có lại từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho công dân chúng tôi. Chúng tôi đã thực hiện một số bước để tiếp tục mục tiêu này. Thật không may, Bắc Kinh đã tiếp tục tiến hành một cách có hệ thống việc cản trở các nhà ngoại giao, các quan chức, nhà báo và người dân Hoa Kỳ đến Khu tự trị Tây Tạng (TAR) và các khu vực khác tại Tây Tạng. Trong khi đó các quan chức và các công dân Trung Quốc được tiếp cận nhiều địa điểm hơn nhiều khi họ ở Hoa Kỳ”.
Ngoại trưởng Pompeo không chỉ ra cụ thể quan chức Trung Quốc nào sẽ trong danh sách hạn chế thị thực, nhưng cho biết lệnh cấm sẽ được áp dụng với các quan chức chính phủ Trung Quốc và ĐCSTQ, những người bị phát hiện là có liên quan đến việc xây dựng hoặc thực thi các chính sách về việc ngăn cản người nước ngoài đến khu vực Tây Tạng.
Ông Pompeo cho biết: “Việc tiếp cận các khu vực ở Tây Tạng ngày càng quan trọng đối với sự ổn định của khu vực, trong bối cảnh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vi phạm nhân quyền tại đây, cũng như việc Bắc Kinh không ngăn chặn suy thoái môi trường tại các khu vực thượng nguồn của các dòng sông lớn ở Châu Á”.
Ngay sau khi Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố hạn chế thị thực với các quan chức chính phủ Trung Quốc và ĐCSTQ, người đứng đầu Chiến dịch Quốc tế về Tây Tạng là ông Matteo Mecacci, cho biết:
“Quyết định về việc xử phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc ngăn cản người Mỹ đến Tây Tạng, là thông điệp rõ ràng gửi tới Bắc Kinh về việc họ sẽ phải chịu hậu quả vì vi phạm nhân quyền và tiếp tục cô lập Tây Tạng với thế giới bên ngoài.
Đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ cho người dân Mỹ thấy rằng chính phủ sẽ bảo vệ quyền của người dân Mỹ và chống lại sự phân biệt đối xử của chính quyền Trung Quốc, trong đó có quyền được đến Tây Tạng của những người Mỹ, những người chỉ muốn được tự do đến thăm thân nhân và nơi tổ tiên mình sinh ra”.
Chiến dịch Quốc tế về Tây Tạng xem động thái trên là “đạo luật quan trọng nhất của Tây Tạng trong hơn một thập kỷ qua”.
Quốc hội và chính quyền Trump đã thông qua Đạo luật Tiếp cận Tây Tạng năm 2018.
Đạo luật này được đưa ra sau nhiều năm chính quyền Hoa Kỳ lên án việc Trung Quốc hạn chế người nước ngoài du lịch đến Tây Tạng. Các nhà hoạt động nhân quyền nhận định rằng Bắc Kinh đã tham gia vào một chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ với mục đích đàn áp văn hóa địa phương, Phật giáo, và những người dân tộc thiểu số. Bắc Kinh hạn chế việc người nước ngoài đến Tây Tạng và nếu cấp thị thực cho du khách du lịch đến đây thì họ sẽ phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt.
Nguyễn Minh