Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc
Sắc lệnh hành pháp mới nhất của Tổng thống Donald Trump cấm các nhà đầu tư Hoa Kỳ nắm giữ các cổ phần sở hữu trong danh sách 31 công ty Trung Quốc được xác định có quan hệ với hàng loạt các đơn vị quân sự của Trung Cộng.
Sắc lệnh này, mặc dù còn có phần hạn chế về phạm vi, nhưng lại ràng buộc một số công ty nổi tiếng của Trung Quốc, bao gồm các công ty cổ phần không đại chúng như Huawei và các công ty đại chúng như China Mobile và Hangzhou Hikvision. 31 công ty này trước đây được Ngũ Giác Đài đánh giá là “thuộc sở hữu hoặc kiểm soát” của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), tên chính thức của quân đội Trung Quốc.
Hành động này có thể là một dấu hiệu của những biện pháp sắp được áp dụng đối với các công ty Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với Trung Cộng; Nguồn vốn của Hoa Kỳ có thể ngày càng khó tiếp cận. Ngoài ra, việc rà soát nguồn gốc sở hữu nước ngoài của các công ty này cho thấy một số đang có một phần thuộc sở hữu của các công ty đầu tư, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí hàng đầu của Hoa Kỳ.
Biện pháp hạn chế mới nhất của TT Trump đối với các công ty Trung Quốc sẽ ngăn cản nguồn vốn của Hoa Kỳ tài trợ cho các cơ quan tình báo và quân sự của Trung Quốc, vốn là những tổ chức có thể gây tổn hại đến lợi ích của Hoa Kỳ. Biện pháp này cấm công dân và công ty Hoa Kỳ mua cổ phiếu mới của các công ty niêm yết này bắt đầu từ ngày 11/01/2021. Các nhà đầu tư hiện sở hữu cổ phần của các công ty này có khoảng một năm, cho đến tháng 11/2021, để rút vốn khỏi các khoản đầu tư của họ.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio (Cộng Hòa – Florida), một người theo phái cứng rắn với Trung Quốc, hoan nghênh quyết định này, và mô tả trong một tuyên bố hôm 12/11 rằng việc Trung Quốc “khai thác các thị trường vốn của Hoa Kỳ là một rủi ro rõ ràng và liên tục đối với kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.
Tìm hiểu thêm về sở hữu của nhà đầu tư Hoa Kỳ
Một phân tích của The Epoch Times về việc sở hữu với 31 công ty Trung Quốc này cho thấy hàng tỷ USD vốn của Hoa Kỳ đã đổ vào cổ phiếu của các công ty, tất cả đều được cho là có quan hệ với quân đội hoặc cơ quan tình báo Trung Cộng.
Trong số 16 công ty niêm yết đại chúng hoặc có trong danh sách hoặc là công ty con và các bên liên quan trong danh sách, các pháp nhân Hoa Kỳ hiện nắm giữ cổ phiếu trị giá khoảng 14.9 tỷ USD, dựa trên giá đóng cửa vào ngày 20/11 và dữ liệu hồ sơ công khai mới nhất do Bloomberg tổng hợp.
Phần lớn trong số khoảng 15 tỷ USD được đầu tư vào hai tập đoàn viễn thông khổng lồ lớn nhất Trung Quốc. Đầu tiên là China Mobile Ltd., với 8.1 tỷ đô la được đầu tư thông qua chứng chỉ lưu ký Hoa Kỳ niêm yết tại New York và cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông. Công ty có số vốn đầu tư lớn thứ hai của Hoa Kỳ là China Telecom Corp. niêm yết tại New York, với 2.3 tỷ USD đầu tư. Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cả hai công ty được cho là có mối liên hệ với PLA.
Đứng thứ ba trong danh sách là nhà sản xuất thiết bị giám sát Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. Ltd., với khoản đầu tư 1.7 tỷ USD từ các nguồn có trụ sở tại Hoa Kỳ. Hikvision đã bị chỉ trích ở phương Tây vì sản xuất thiết bị dùng để giám sát người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tây Bắc Tân Cương.
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà tư vấn đầu tư và các công ty quản lý quỹ là nhóm đơn lẻ lớn nhất đầu tư vào các công ty Trung Quốc này – với 13.5 tỷ USD – thông qua các quỹ tương hỗ đầu tư chủ động hoặc các quỹ hoán đổi danh mục thụ động (exchange-traded funds). Tiếp theo là các quỹ hưu trí và quỹ chính phủ với 466 triệu USD vốn đầu tư, và các quỹ đầu cơ với 406 triệu USD vốn đầu tư. Các nhóm nhà đầu tư khác có cổ phần lớn bao gồm các công ty bảo hiểm (cho tài khoản của riêng họ), các ngân hàng và nhà môi giới (thường là đại diện cho tài khoản của các khách hàng).
Trong số các nhà tư vấn đầu tư, các quỹ quản lý thụ động BlackRock và Vanguard dẫn đầu, với mỗi bên nắm giữ hơn 2 tỷ USD tài sản đầu tư vào những công ty nêu trên.
Phần lớn số đầu tư nắm giữ của các quỹ hưu trí hoặc quỹ đầu tư quốc gia của Hoa Kỳ là từ Hệ thống Hưu trí Công chức California (CalPERS), với ước tính có khoảng 400 triệu USD đầu tư vào một số công ty do nhà nước kiểm soát như China Mobile, China Telecom, China Unicom, và một loạt khoản đầu tư cổ phần tỷ lệ nhỏ hơn trong các công ty khác nằm trong danh sách, bao gồm nhà sản xuất thiết bị đường sắt CRRC Corp., China Communications Construction Co. Ltd. và China Railway Construction Corp.
Alaska Permanent Fund Corp., một quỹ đầu tư quốc gia, đứng thứ hai nhưng cách khá xa với khoảng 37 triệu USD được đầu tư vào một số công ty.
Những con số trên là ước tính vì một số hồ sơ có thể đã khá lâu và các tổ chức này có thể đã thoái vốn kể từ khi ghi nhận khoản đầu tư.
Một thách thức khác đối với các doanh nghiệp Trung Quốc
Trong tương lai, bộ phận tuân thủ tại các ngân hàng và công ty môi giới sẽ cần thay mặt khách hàng của họ cập nhật danh sách bị cấm. Các công ty đầu tư sẽ bị cấm mở mới trạng thái đối với các công ty này nhưng có một thời gian để thoái vốn khỏi với các khoản đầu tư hiện tại của họ.
Nói một cách tương đối, những khoản đầu tư này chiếm một phần nhỏ trong các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm của Hoa Kỳ. Ngay cả BlackRock, quỹ sở hữu số cổ phần trị giá 2.4 tỷ USD trong 16 công ty mà The Epoch Times đã điều tra, có tổng tài sản được quản lý là 7.5 nghìn tỷ USD. Số tiền đó đại diện cho 0.03% các khoản đầu tư của quỹ BlackRock.
CalPERS, hệ thống hưu trí nhà nước của Hoa Kỳ, vốn có các khoản đầu tư vào Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, cũng có tổng tài sản tài chính khoảng 350 tỷ USD.
Nhưng theo số tuyệt đối, 15 tỷ USD vốn tài trợ của Hoa Kỳ là một số tiền khổng lồ. Rất có thể chính phủ TT Trump đã hạn chế danh sách này với 31 tổ chức để không làm gián đoạn lợi ích kinh doanh và đầu tư của Hoa Kỳ. Mở rộng phạm vi dù rất nhỏ của danh sách này có khả năng tác động đến số tiền đầu tư lớn hơn nhiều của các tổ chức Hoa Kỳ.
Cổ phiếu của China Telecom và China Mobile lần lượt giảm 9% và 6% vào ngày 13/11 ngay sau tuyên bố của chính phủ TT Trump, trước khi phục hồi trở lại.
Hành động này thể hiện thách thức mới nhất của các công ty Trung Quốc, khi một số công ty đã phải đối mặt với những hạn chế về thị trường vốn khi Bắc Kinh cố gắng kiềm chế đầu cơ thị trường, thúc đẩy trách nhiệm tài khóa và giảm đòn bẩy tài chính.
Một loạt các vụ vỡ nợ gần đây tại các doanh nghiệp nhà nước đã đặt ra câu hỏi về khả năng trả nợ của các chính quyền địa phương và chính quyền cấp tỉnh cũng như năng lực ngăn chặn các vụ vỡ nợ của họ. Các vụ vỡ nợ lớn gồm nhà sản xuất chip Trung Quốc Tsinghua Unigroup và Huachen Automotive Group, khiến trái phiếu Trung Quốc bị bán tháo rộng khắp hơn trong tuần của ngày 16/11.
Cho đến nay, sự lây lan chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực và tỉnh nhất định. Nhưng có thể chỉ là vấn đề thời gian mà sự lây lan tới các công ty hàng đầu của quốc gia sẽ có tác động thực sự. Việc cấm các nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào các giao dịch trên thị trường vốn của một số công ty Trung Quốc sẽ loại bỏ nguồn tài chính lớn cho các công ty đang thiếu tiền mặt như vậy. Vẫn còn phải xem Bắc Kinh sẽ trực tiếp can thiệp vào thời điểm nào.
“Mặc dù các nhà chức trách muốn có sự giám sát của thị trường (market discipline) đối với các công ty có độ rủi ro cao hơn, nhưng họ [Trung Quốc] không thể biết rủi ro tín dụng có thể tạo ra sự lây lan lớn hơn như thế nào,” Rhodium Group viết trong một lưu ý gần đây cho khách hàng.
“Không ai có thể biết rõ nó như thế nào, vì chưa có tiền lệ về rủi ro này trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.”