Hoa Kỳ cử nhà ngoại giao hàng đầu đến Solomon vì Hiệp ước An ninh với Trung Quốc
Một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ được cho là đã được cử tới Quần đảo Solomon vì lo ngại về một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ mở ra một cơ hội cho Bắc Kinh đóng quân và đặt vũ khí trong khu vực này.
Theo Financial Times, ông Kurt Campbell, điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cùng với ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ đến đảo quốc Thái Bình Dương nói trên trong tháng này.
Sau khi những chi tiết của bản thỏa thuận này bị rò rỉ trên mạng xã hội, nỗ lực ngoại giao đã được đẩy mạnh — nhằm cảnh báo các nước láng giềng về khả năng quân sự hóa khu vực này giống như những gì [Trung Quốc] đã làm với Biển Đông (South China Sea).
Chuyến thăm của ông Campbell diễn ra sau chuyến thăm của hai người đứng đầu cơ quan tình báo Úc — ông Andrew Shearer, Giám đốc Tình báo Quốc gia Úc và ông Paul Symon, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mật vụ Úc — với Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon hôm 06/04.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cũng nói với các phóng viên rằng Cao ủy, Bộ Ngoại giao và Thương mại, và ủy viên cảnh sát (liên bang), đều đã làm việc với giới chức của Quần đảo Solomon “cả riêng tư” lẫn công khai.
Được “ký tắt” bởi các đại diện ngoại quốc của Bắc Kinh và Quần đảo Solomon, bản thỏa thuận gây tranh cãi này sẽ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ – Trung Cộng) điều động lực lượng để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án trọng yếu ở Quần đảo Solomon.”
Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Quần đảo Solomon phủ nhận rằng thỏa thuận này cuối cùng sẽ có thể mở ra cơ hội hướng đến quân sự hóa tại khu vực này, các tài liệu bị rò rỉ hôm 07/04 cho thấy Bắc Kinh đã dành nhiều năm do thám khu vực này cho các dự án quân sự.
Một bức thư bị rò rỉ cho thấy những chi tiết về ý đồ [của Trung Quốc] qua một lời đề nghị từ người đứng đầu Công ty TNHH Kỹ thuật Công trình Hàng không Quốc tế (gọi tắt là Công ty Kỹ thuật Công trình Quốc tế AVIC), một công ty hàng không quốc doanh có trụ sở tại Bắc Kinh, gửi tới Thủ hiến Leslie Kikolo của tỉnh Isabel thuộc Quần đảo Solomon vào ngày 29/09/2020.
Bức thư mà news.com.au thu thập được này có chữ ký của Chủ tịch công ty Tiền Vinh (Rong Qian) và mở đầu bằng đoạn sau:
“Chúng tôi, Công ty Kỹ thuật Công trình AVIC-INTL … gửi thư này để thể hiện ý định của chúng tôi trong việc nghiên cứu cơ hội phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và hải quân trên khu đất được thuê cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân ở Tỉnh Isabel với thời gian độc quyền 75 năm.”
Một dự án được thực hiện đầy đủ có thể chứng kiến Quân đội Giải phóng Nhân dân mở rộng phạm vi của họ ra ngoài khu vực Biển Đông cũng như tiến vào khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi từng xảy ra trận đánh ác liệt giữa quân đội Nhật Bản và Hoa Kỳ trong Trận Guadalcanal hồi Đệ nhị Thế chiến vì sự ảnh hưởng mà quân đội Nhật Bản nắm giữ đối với các tuyến đường biển sống còn [trong khu vực].
Liên kết đối tác với Quần đảo Solomon diễn ra sau khi kế hoạch nâng cấp một đường băng và cầu của Trung Cộng tại đảo quốc Thái Bình Dương Kiribati được đưa ra ánh sáng — Kiribati cách Hawaii 3,000 km (khoảng 1,865 dặm) về phía Tây Nam. Hoạt động nâng cấp này sẽ giúp cho các phi cơ quân sự lớn hơn có thể hạ cánh.
Thỏa thuận an ninh này gây ra những lo ngại lâu dài về ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh ở khu vực Nam Thái Bình Dương, trong khi chính phủ Úc đã cố gắng đẩy lùi những bước tiến của Trung Cộng, đặc biệt là bằng cách hỗ trợ 1.6 tỷ USD để tiếp quản công ty viễn thông Digicel Pacific chi phối cung cấp dịch vụ mạng và di động trên khắp Papua New Guinea, Nauru, Samoa, Vanuatu, Tonga, và Fiji.
Một chuyên gia cho rằng vượt được chi tiêu của Bắc Kinh là một vấn đề nan giải.
Bà Cleo Paskal, một chuyên gia cao cấp tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) có trụ sở tại London, đã đề nghị chính phủ Úc phải phục hồi tiến trình dân chủ ở Quần đảo Solomon và gây áp lực buộc Thủ tướng Sogavare phải tuân theo Thỏa thuận Hòa bình Townsville năm 2000.
Bà Paskal từng nói với The Epoch Times: “Hãy đưa ra các biện pháp mà các tỉnh bang khác nhau, bao gồm cả Malaita, đã từng đồng ý. Có một chuỗi toàn bộ những điều đã được thương lượng — tất cả mọi người đều đã ký tên vào, kể cả chính phủ dưới quyền ông Sogavare.”
Thỏa thuận này đã chấm dứt bạo lực giữa các tỉnh và đặt nền tảng cho các chương trình viện trợ và chính phủ dân chủ tại quốc gia này.
Khi lưu ý rằng ông Sogavare và Nội các của ông ta có thể mất các đặc quyền dành cho họ trong mối bang giao với nước Úc, bà Paskal nói: “Ông Sogavare và các thành viên Quốc hội của ông ấy được đưa cho một lựa chọn, ‘Các vị có thể đối phó với Trung Quốc, hoặc các vị có thể đối phó với phần còn lại của thế giới’.
Bà Paskal cho biết áp lực này có thể buộc các bộ trưởng của Thủ tướng Sogavare phải can thiệp và ngăn chặn mọi thứ “đi quá xa”.
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, ứng phó với COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected]
Khánh ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: