Hoa Kỳ có đang tách rời khỏi Trung Quốc không?
Đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã cho thấy mức độ phụ thuộc của các quốc gia vào Trung Quốc, như là trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới như thế nào, và kể từ năm ngoái, đã có rất nhiều cuộc tranh luận về việc tách khỏi Trung Quốc để giảm bớt sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Nhưng liệu sự tách rời có thực sự đang xảy ra?
Cho đến nay, dữ liệu cho thấy các quốc gia và công ty tiếp tục đầu tư lớn vào Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (FDI) vào nước này đã tăng 19.6% trong 9 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Đầu tư từ Đông Nam Á cũng như các nước thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đóng góp phần lớn vào dòng vốn FDI vào Trung Quốc.
Trong khi đó, thương mại Mỹ – Trung đang bùng nổ. Trong 9 tháng đầu năm 2021, hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc tăng 19% và thâm hụt thương mại tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, lần lượt các công ty công nghệ ngoại quốc đang rút khỏi Trung Quốc. Yahoo Inc. là công ty Hoa Kỳ mới nhất đã đình chỉ dịch vụ của mình do “môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức”.
Thông báo của Yahoo được đưa ra sau khi Microsoft tuyên bố vào tháng 10 rằng họ sẽ đóng cửa nền tảng mạng chuyên nghiệp LinkedIn ở Trung Quốc. LinkedIn trước đó đã bị chỉ trích vì kiểm duyệt các nhà báo Mỹ, các học giả quốc tế, và các nhà hoạt động nhân quyền trên ứng dụng Trung Quốc của mình.
Twitter và Facebook đã bị cấm tại quốc gia này hơn một thập kỷ trước và Google đã rút lui vào năm 2010.
Ông Dexter Roberts, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Trung Quốc ngày nay chọn lọc hơn nhiều đối với những gì họ muốn về vốn của toàn cầu và đầu tư của toàn cầu.”
Phát biểu tại Diễn đàn Trung Quốc năm nay, do Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản tổ chức, ông Roberts lưu ý rằng sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Cộng chào đón hoạt động đầu tư ngoại quốc với vòng tay rộng mở nhằm giúp phát triển các ngành công nghiệp trong nước.
Ông nói, nhưng giờ đây, Trung Quốc không cần bí quyết và vốn của phương Tây ở mức độ mà Trung Quốc đã từng cần.
Vì vậy, Trung Quốc đang tách ra dễ dàng trước bất kỳ quốc gia nào khác (đang muốn làm như vậy). Và điều này là do chiến lược “lưu thông kép” của chế độ này, một tham vọng từ lâu là đưa Trung Quốc tự cung tự cấp trong khi khiến các nước khác phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Stephen Ezell, Phó chủ tịch Quỹ Sáng tạo và Công nghệ Thông tin Hoa Kỳ, một cơ quan nghiên cứu chính sách, Trung Quốc đang ép buộc các công ty ngoại quốc phải rời bỏ lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông “nơi họ có các đối thủ cạnh tranh mạnh trong nước.”
Ông nói, “nhưng ở những nơi mà họ vẫn đang cố gắng để bắt kịp, trong các lĩnh vực như chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn, họ vẫn hoan nghênh đầu tư ngoại quốc.”
Trong khi một số siêu sao công nghệ Mỹ không cảm thấy được chào đón ở Trung Quốc nữa, các công ty bán dẫn của Mỹ vẫn đang mở rộng quy mô tại quốc gia này. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung hàng hóa bán dẫn của Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể trong 5 năm qua.
Gần 73% sản lượng vi mạch ở Trung Quốc đến từ các công ty không phải của Trung Quốc đang hoạt động tại nước này. Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ của các công ty ngoại quốc vì chúng tiên tiến hơn so với các nhà sản xuất vi mạch của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng mở rộng vòng tay chào đón các ngân hàng và quỹ đầu tư lớn của Mỹ. Các công ty Wall Street đã và đang tăng dần hoạt động của họ tại Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh đồng ý mở cửa thị trường cho các tổ chức tài chính Hoa Kỳ vào năm 2020.
Ví dụ, BlackRock đã trở thành nhà quản lý tài sản toàn cầu đầu tiên được cấp phép để bắt đầu kinh doanh quỹ tương hỗ nội địa tại Trung Quốc trong năm nay. Và Goldman Sachs gần đây đã được chấp thuận để có toàn quyền sở hữu bộ phận kinh doanh chứng khoán của mình tại quốc gia này.
Trong khi đó, nỗ lực quốc gia nhằm tăng cường chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất đang dần có kết quả. Tổ chức phi lợi nhuận Reshoring Initiative ước tính rằng vào cuối năm 2021, các hoạt động dịch chuyển sản xuất về nước (reshoring) và đầu tư trực tiếp sẽ mang lại hơn 220,000 việc làm cho Hoa Kỳ, là con số hàng năm cao nhất được ghi nhận cho đến nay.
Nhiều nhà máy đã và đang thay thế việc nhập cảng hàng công nghiệp bằng các sản phẩm do Hoa Kỳ sản xuất.
Bà Nicole Wolter, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của HM Manufacturing có trụ sở tại Illinois, là một người được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất về trong nước gần đây. Bà nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm của công ty mình — linh kiện truyền tải điện — khi ngày càng có nhiều khách hàng cố gắng mang đơn đặt hàng của họ trở lại Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với NTD Business, bà Wolter nói rằng công ty của bà đã thấy nhu cầu tăng từ 50 đến 75% nhờ các sáng kiến dịch chuyển sản xuất về trong nước đang diễn ra. Tuy nhiên, giống như nhiều nhà sản xuất Hoa Kỳ, bà đang bị thiếu hụt lao động và nguyên liệu thô trầm trọng.
Bà nói, “thật tuyệt vời khi có rất nhiều sáng kiến nhằm đưa sản xuất trở lại quê hương. Nhưng hiện tại, chúng tôi đang phải bỏ ra rất nhiều thời gian chỉ để cố gắng theo kịp.”
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: