Hoa Kỳ chính thức cấm TikTok và Wechat của Trung Quốc
Từ nửa đêm ngày 20/9, chính phủ Tổng thống Donald Trump, viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia, đã chặn công dân Hoa Kỳ truy cập các ứng dụng có trụ sở tại Trung Quốc là WeChat và TikTok.
Vào ngày 19/9, các kho ứng dụng sẽ bị cấm cung cấp ứng dụng TikTok và WeChat. Tuy nhiên, theo các quy định mới do Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành, người dùng TikTok hiện tại sẽ vẫn có thể sử dụng ứng dụng này cho đến ngày 12/11, nhưng sẽ không thể truy cập các bản cập nhật từ nửa đêm ngày 19/9.
Tuy nhiên vào ngày 19/9, WeChat, một ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc, đã bị cấm hoàn toàn tại Hoa Kỳ.
“Ứng dụng TikTok cơ bản sẽ không có gì thay đổi cho đến ngày 12/11,” Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói với đài Fox Business hôm 18/9. “Nếu không có một thỏa thuận nào trước ngày 12/11 theo các quy định của lệnh cũ, thì TikTok cũng sẽ bị đóng cửa vì tất cả các mục đích thực tế,” ông nói thêm khi đề cập đến một sắc lệnh yêu cầu công ty mẹ Trung Quốc của TikTok thoái vốn ở Hoa Kỳ trước ngày 12/11.
Cũng theo ông Ross, các hạn chế mới này sẽ tách biệt với quá trình đang xem xét lại giải pháp được đề xuất của TikTok để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia.
ByteDance, chủ sở hữu có trụ sở tại Bắc Kinh của TikTok, đã đề xuất một thỏa thuận với công ty công nghệ Oracle có trụ sở tại California. Thỏa thuận này hiện đang được xem xét bởi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), một ủy ban liên ngành giám sát các giao dịch liên quan đến đầu tư nước ngoài. Đề xuất cũng sẽ cần sự chấp thuận của TT Trump, người đã nói với các phóng viên hôm 17/9 rằng họ “sẽ sớm đưa ra quyết định”.
Một số quan chức Hoa Kỳ đã kêu gọi CFIUS từ chối thỏa thuận này, và lưu ý rằng nó giống như một mối quan hệ đối tác hơn là việc Hoa Kỳ nắm toàn quyền sở hữu theo yêu cầu của TT Trump. Có thông tin rằng Walmart cũng đang cạnh tranh để giành cổ phần sở hữu nếu thỏa thuận với Oracle được thông qua.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, bắt đầu từ ngày 19/9, các kho ứng dụng sẽ không còn được phép cung cấp các ứng dụng này cũng như phát hành các bản cập nhật. Các giao dịch chuyển tiền hoặc thực hiện thanh toán trong phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ thông qua WeChat cũng sẽ bị cấm.
Ngoài ra, kể từ ngày 19/9, sẽ là bất hợp pháp nếu cung cấp hoặc lưu trữ lưu lượng truy cập internet, các mạng lưới phân phối nội dung, chuyển tuyến internet hoặc các dịch vụ ngang hàng được liên kết với WeChat. Ông Ross nói với Fox Business hôm 18/9 rằng các quy định này có nghĩa là WeChat “vì mọi mục đích thực tế” sẽ bị đóng cửa ở Hoa Kỳ vào nửa đêm ngày 19/9.
Đối với TikTok, những hạn chế bổ sung này sẽ có hiệu lực vào ngày 12/11.
Ông Ross cho biết việc cấm WeChat sẽ không ảnh hưởng đến các công ty Hoa Kỳ đang sử dụng ứng dụng này hoặc các chức năng thanh toán của nó ở Trung Quốc hoặc các nơi khác bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại cho biết họ có thể áp đặt các lệnh cấm bổ sung có liên quan đến những ứng dụng này “nếu Chính phủ Hoa Kỳ xác định rằng hành vi bất hợp pháp của WeChat hoặc TikTok bằng cách nào đó đang được sao chép lại bởi một ứng dụng khác nằm ngoài phạm vi của các sắc lệnh này”.
Hôm 6/8, TT Trump đã ban hành một sắc lệnh nói rằng sự lưu hành các ứng dụng do các công ty ở Trung Quốc phát triển và sở hữu “tiếp tục đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, và nền kinh tế của Hoa Kỳ” và cho biết thông tin thu thập được từ người dùng TikTok ở Hoa Kỳ có thể cho phép Trung Quốc truy cập vào thông tin độc quyền và thông tin cá nhân của công dân Hoa Kỳ.
Các lệnh cấm mới được ban hành nhằm đáp ứng sắc lệnh này.
Cả WeChat và TikTok đều thu thập những vùng dữ liệu rộng từ người dùng, và là những tác nhân tham gia tích cực vào “chiến lược hợp nhất dân sự-quân sự của Trung Quốc và phải tuân theo yêu cầu bắt buộc hợp tác với các cơ quan tình báo của Trung Quốc”, theo tin từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Một tổ chức bất vụ lợi và một số người dùng WeChat đã kiện chính phủ TT Trump, với lập luận rằng lệnh cấm vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do thực hành tôn giáo và các quyền theo hiến pháp khác của công dân Hoa Kỳ.