Hoa Kỳ: Chi tiêu tiêu dùng tăng trong tháng 7, tiếp thêm hy vọng cho phục hồi kinh tế
Người tiêu dùng Hoa Kỳ đã chi tiêu nhiều hơn so với dự kiến trong tháng 7, củng cố kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế trong quý thứ ba, khi chi tiêu tiêu dùng chiếm tới khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội Hoa Kỳ.
Theo một báo cáo từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ được công bố hôm 28/8, chi tiêu tiêu dùng đã tăng 1.9%, đánh bại kỳ vọng của các nhà kinh tế với dự báo mức tăng khiêm tốn là 1.5% trong một cuộc khảo sát của Reuters. Con số tốt-hơn-cả-mong-đợi này là một chỉ số rất đáng hoan nghênh trong bộ dữ liệu còn khá bấp bênh hiện nay, với thị trường nhà ở tiếp tục tăng trưởng và hoạt động kinh doanh đang phục hồi, đối lập với những khó khăn đang tiếp diễn của thị trường lao động, với khoảng 27 triệu người thất nghiệp và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới hàng tuần dao động quanh mức 1 triệu.
Số liệu của Bộ Thương mại cho thấy thu nhập cá nhân tăng 0.4% trong tháng 7, sau khi đã giảm trong hai tháng liên tiếp. Đây cũng là một dấu hiệu đáng khích lệ nữa giúp củng cố kỳ vọng hồi phục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong quý thứ ba, bất chấp một số lo ngại rằng dư địa các gói kích thích tài chính đã cạn kiệt và sự duy trì của virus Trung Cộng có thể làm suy giảm đà phục hồi.
Cố vấn kinh tế của Tòa Bạch Ốc, ông Larry Kudlow trong phát biểu tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng Hòa diễn ra hồi tuần qua, đã đề cập về khả năng phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V.
“Thị trường nhà ở đang bùng nổ. Thị trường xe hơi bùng nổ. Hoạt động sản xuất bùng nổ. Chi tiêu tiêu dùng cũng bùng nổ”, ông Kudlow cho biết và liệt kê các lĩnh vực hoạt động đang phục hồi, đồng thời nhấn mạnh niềm tin của mình rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tránh được suy thoái kép.
“Sự phục hồi hình chữ V đang hướng đến mức tăng trưởng cao hơn 20% trong nửa cuối năm nay”, ông Kudlow nói về kỳ vọng của ông đối với tốc độ tăng trưởng GDP quy đổi theo năm, đồng thời nói thêm rằng chính phủ TT Trump có kế hoạch thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm thuế hơn để khuyến khích đầu tư và tạo thêm việc làm.
Tuy nhiên, với việc các cuộc đàm phán về dự luật cứu trợ khác đã bị trì hoãn, cùng sự mất đà hồi phục của thị trường lao động, các nhà kinh tế lo ngại rằng sự phục hồi hình chữ V, đang được thổi phồng quá nhiều, có thể đi ngang hoặc thậm chí nhường chỗ cho một đợt suy thoái khác.
Ông James Knightley, giám đốc kinh tế quốc tế của ING New York, cho biết: “Rõ ràng là chúng ta đang ở giai đoạn thứ hai của quá trình hồi phục, được dẫn dắt bởi các yếu tố nền tảng cơ bản, hơn là thuần túy do sự gia tăng của các hoạt động khi các hộ gia đình tiêu dùng trở lại. Điều này củng cố quan điểm của chúng tôi rằng sự phục hồi hình chữ V sẽ không xảy ra và nền kinh tế Hoa Kỳ khó có thể khôi phục toàn bộ thiệt hại cho đến giữa năm 2022.”
Trong một nỗ lực hỗ trợ thị trường lao động sau khi khoản trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần hết hạn vào cuối tháng 7, TT Donald Trump đã ký một sắc lệnh vào đầu tháng này, cung cấp 300 USD/tuần tiền trợ cấp thất nghiệp bổ sung do liên bang tài trợ và kêu gọi các tiểu bang chi thêm 100 USD/tuần. Trong khi ngày càng có nhiều tiểu bang áp dụng chương trình “Hỗ trợ tiền lương bị mất” (Lost Wages Assistance) để giải ngân khoản trợ cấp bổ sung 300 USD, thì cho đến nay chỉ có 5 tiểu bang cho biết họ có kế hoạch khởi động việc chi thêm 100 USD.
Trong khi báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy chi tiêu cho hàng hóa đã tăng trở lại và vượt trên mức trước đại dịch, thì chi tiêu cho dịch vụ vẫn ở thấp hơn mức của tháng Hai do người tiêu dùng vẫn thận trọng với việc lây nhiễm virus. Đó là một dấu hiệu xấu cho nền kinh tế dịch vụ, vốn đã rơi vào suy thoái từ hồi tháng Hai.
Kỷ lục tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Hoa Kỳ, giúp đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3.5%, đã bị chặn đứng bởi đại dịch. Việc phong tỏa và đóng cửa các hoạt động kinh doanh đã tàn phá thị trường lao động, gây thiệt hại 20.5 triệu việc làm và đưa tỷ lệ thất nghiệp tăng đến 14.7% vào tháng 4, cả hai đều là những kỷ lục kể từ sau Thế chiến II.
Trong khi các nhà kinh tế kỳ vọng GDP sẽ phục hồi mạnh trong quý 3, dẫn đầu bởi chi tiêu tiêu dùng, thì nhiều người trong số họ lại hạ thấp mức dự báo của mình ở quý 4 trong bối cảnh không chắc chắn về sự kéo dài dịch bệnh virus Trung Cộng.