Hoa Kỳ chặn các hợp phần năng lượng mặt trời từ công ty Trung Quốc giữa cuộc khủng hoảng lao động cưỡng bức ở Tân Cương
Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng một nguyên liệu quan trọng để sản xuất tấm pin mặt trời từ một công ty Trung Quốc như một phần trong nỗ lực rộng hơn nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng của mình khỏi tình trạng lao động cưỡng bức đối với các dân tộc thiểu số Hồi giáo ở khu vực Tân Cương Trung Quốc, Tòa Bạch Ốc thông báo hôm 24/06.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã ban hành “lệnh hoãn xuất kho” để tạm giữ các lô hàng sản phẩm làm từ silica, một nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời do Hoshine Silicon Industry Co sản xuất.
Ngoài ra, Bộ Thương mại đã thêm năm tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen vì sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương hoặc hỗ trợ cho các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh tại khu vực này, bao gồm công ty Hoshine Silicon Industry, ba công ty Trung Quốc khác có trụ sở tại Tân Cương có liên quan đến sản xuất dầu thô, vật liệu và linh kiện cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, và cơ quan bán quân sự của Trung Cộng Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương.
Khoảng 45% polysilicon được sử dụng trong sản xuất module năng lượng mặt trời được sản xuất ở Tân Cương, 35% được sản xuất ở các vùng khác của Trung Quốc. Phần còn lại đến từ bên ngoài Trung Quốc.
Bộ Lao động cũng sẽ cập nhật danh sách hàng hóa được cho là được sản xuất bởi lao động cưỡng bức bao gồm polysilicon từ Trung Quốc trong nỗ lực gây sức ép lên các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ để loại bỏ các hợp phần trong chuỗi cung ứng của họ.
“Những hành động này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc áp đặt thêm biện pháp đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vì đã tham gia vào các hoạt động cưỡng bức lao động tàn bạo và vô nhân đạo và bảo đảm rằng Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc thương mại công bằng như một phần của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” chính phủ ông Biden cho biết.
Các công ty Trung Quốc như Hoshine đang “thu lợi từ những hành vi lạm dụng này,” bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết trong một cuộc họp báo hôm 24/06, lưu ý rằng họ đang “cố gắng bán hàng hóa giá rẻ cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và các nước khác.
“Điều đó là không công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Cũng không công bằng cho những người tiêu dùng có thể vô tình mua hàng hóa được làm trong điều kiện nô lệ thời hiện đại,” ông nói.
Trung Cộng đang tham gia vào một chiến dịch đàn áp sâu rộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương. Hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số Hồi giáo hiện đang bị giam giữ trong một mạng lưới các trại giam giữ tại khu vực này, nơi họ phải chịu lao động cưỡng bức, tra tấn, bạo lực tình dục và truyền bá chính trị. Quốc hội Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã tuyên bố chiến dịch này là một tội ác diệt chủng.
Những cáo buộc lạm dụng có hệ thống được ghi nhận đầy đủ đó thường bị Bắc Kinh bác bỏ.
Thông báo của chính phủ ông Biden là một phần của nỗ lực toàn cầu rộng lớn hơn nhằm loại bỏ tình trạng lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng, trong đó các nhà lãnh đạo của G-7 đã cam kết hành động vào đầu tháng này. Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương vì lao động cưỡng bức.
Phản ứng vào thứ Năm (24/06), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết Bắc Kinh sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty của họ.
Công ty Hoshine Silicon Industry cho biết trên một nền tảng tương tác giữa các nhà đầu tư rằng họ ủng hộ phản ứng của bộ Ngoại giao Trung Quốc, lưu ý rằng công ty này không trực tiếp xuất cảng silicon công nghiệp sang Hoa Kỳ và sức ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ là không nhiều.
Do Cathy He thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: