Hoa Kỳ cắt giảm tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở các nước đang phát triển
Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, giải quyết biến đổi khí hậu “không còn là công việc kinh doanh như bình thường nữa” và đòi hỏi cắt giảm tài trợ đáng kể cho ngành nhiên liệu hóa thạch. Để đạt được mục tiêu đó, Hoa Kỳ và các nước thuộc Nhóm Bảy (G-7) khác đã đồng ý cắt giảm tài trợ cho các dự án năng lượng nhiên liệu hóa thạch ở cả trong nước và ở các nước đang phát triển .
Chính phủ của Tổng thống Biden gần đây đã thực hiện một bước nữa và mở rộng chính sách này cho các ngân hàng phát triển đa phương (MDB), chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới. Hôm 16/08/2021, Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn mới cho MDB để “thúc đẩy việc chấm dứt tài trợ quốc tế cho năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch sử dụng nhiều carbon.”
Theo hướng dẫn mới này, Hoa Kỳ sẽ phản đối tất cả các dự án năng lượng mới dựa vào than đá và dầu mỏ, đồng thời sẽ thu hẹp hỗ trợ khí đốt tự nhiên ở các nước mới nổi. Nhưng có thể có một số ngoại lệ hạn chế đối với các quy tắc này, đặc biệt nếu các lựa chọn sạch hơn là không khả thi.
Tuy nhiên, sáng kiến này có thể khiến việc cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) gây tranh cãi của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Các ngân hàng phát triển của Trung Quốc hiện đang tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng lớn ở các nước mới nổi mà không có ràng buộc nào, đặc biệt là khi liên quan đến việc bảo vệ nhân quyền hoặc môi trường.
Hướng dẫn mới của Hoa Kỳ phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và ưu tiên “năng lượng sạch, đổi mới và hiệu quả năng lượng”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Theo bà Stephanie Segal, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các quy định mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của MDB, vì nhiều nước Âu Châu chia sẻ mối lo ngại của Hoa Kỳ về khí hậu.
Hoa Kỳ là cổ đông lớn nhất tại một số ngân hàng phát triển khu vực và quốc tế lớn nhất, bao gồm Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (30%), Ngân hàng Thế giới (15.8%), và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Âu Châu (10%).
Bà Segal viết trong một báo cáo gần đây: “Mặc dù ‘hướng dẫn’ không tạo thành một áp đặt, nhưng cổ phần lớn của Hoa Kỳ trong các tổ chức lại có quyền biểu quyết và một vai trò lớn hơn trong việc thiết lập các nghị trình và chương trình cho vay của các tổ chức.”
Tuy nhiên, bà lưu ý, sáng kiến của Hoa Kỳ sẽ không ảnh hưởng đến các ngân hàng phát triển lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Á Châu và Ngân hàng Phát triển Mới, vì Hoa Kỳ không phải là thành viên.
Trung Quốc tài trợ cho các dự án năng lượng ở nước ngoài, vốn tập trung nhiều vào các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bà Segal viết: Bắc Kinh “vẫn là nguồn tài trợ cho khu vực công lớn nhất thế giới cho các dự án than thông qua Ngân hàng Xuất Nhập cảng Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc,” đồng thời cho biết thêm rằng điều này trái ngược với cam kết của các nước G-7 về việc chấm dứt cấp vốn cho sản xuất than mới ở những quốc gia đang phát triển.
Trung Quốc đang tìm cách củng cố hình ảnh của mình như một nước dẫn dắt trong việc chống biến đổi khí hậu và do đó một số học giả tin rằng các ngân hàng phát triển của Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển hướng sang tài chính phục vụ năng lượng sạch hơn cho các dự án ở nước ngoài. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không đưa ra bất kỳ cam kết nào về vấn đề này.
Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới, vượt qua các tổ chức cho vay truyền thống như Ngân hàng Thế giới, IMF, hoặc tất cả các chính phủ chủ nợ của OECD cộng lại. Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, BRI của Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD vào các quốc gia mới nổi để giúp xây dựng các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng khổng lồ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh bị cáo buộc cố tình đặt bẫy nợ cho các quốc gia nghèo hơn vì các khoản vay không bền vững và các hợp đồng cho vay không rõ ràng. Trung Cộng đã coi sáng kiến này trở thành trung tâm trong kế hoạch tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của mình.
Vào tháng Sáu, các nhà lãnh đạo G-7 đã đồng ý chống lại chính sách ngoại giao bẫy nợ và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo G-7 đã cam kết cung cấp một “giải pháp thay thế dân chủ” cho chương trình đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm giải quyết khoảng cách cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo, vốn đã trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch.
Kế hoạch của G-7 là tài trợ cho các dự án phát triển trong bốn lĩnh vực chính-khí hậu, sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số, và bình đẳng giới.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: