Hoa Kỳ, Canada tiếp tục đàm phán về Hiệp ước Sông Columbia
Hoa Kỳ và Canada đã bước vào vòng đàm phán thứ 12 của Hiệp ước Sông Columbia, một thỏa thuận có từ những năm 1960 giữa hai nước về kiểm soát lũ lụt, sản xuất thủy điện, và các vấn đề khác về quản lý tài nguyên nước ở phạm vi rộng, xuyên biên giới giữa Lưu vực Sông Columbia.
Các điều khoản kiểm soát lũ lụt của thỏa thuận sẽ hết hạn vào năm 2024, 60 năm sau khi hiệp ước được phê chuẩn năm 1964, vòng đàm phán mới nhất bắt đầu từ ngày 10/01/2022. Các cuộc đàm phán ban đầu về thỏa thuận mới khởi động vào tháng 05/2018 dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Trọng tâm của các cuộc đàm phán là dòng nước giữa biên giới từ đập Libby của Hoa Kỳ và ba đập của Canada là các đập Duncan, Mica, và Keenleyside (hay Arrow).
Theo các điều khoản của hiệp ước ban đầu, Canada cung cấp 15.5 triệu acre-foot (thể tích nước có diện tích đáy bằng 1 mẫu Anh và bề dày bằng 1 foot, tương đương 1,233.5 mét khối — người dịch) nước lưu trữ cho dòng chảy của Sông Columbia tại các đập đó. Đổi lại, Hoa Kỳ trả cho Canada 64.4 triệu USD để kiểm soát lũ lụt cho đến năm 2024, cùng với một nửa năng lượng thủy điện ở hạ nguồn được sản xuất tại Hoa Kỳ do nước xả tại các đập đó của Canada.
Sự chia sẻ 50–50 đó là một điểm gây tranh cãi đối với Hoa Kỳ. Một khuyến nghị năm 2013 về tương lai của hiệp ước sau năm 2024 của Cơ quan Quản lý Điện Bonneville (BPA), một bộ phận của tổ chức Hoa Kỳ chịu trách nhiệm thực hiện hiệp ước, nêu rõ rằng “sự mất cân bằng đã phát triển trong việc chia sẻ bình đẳng các lợi ích điện hạ nguồn từ hiệp ước.”
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trọng tâm chính của cuộc đàm phán là “cải thiện hệ sinh thái trong một Hiệp ước chế độ dòng chảy được hiện đại hóa,” cùng với quản lý rủi ro lũ lụt và năng lượng thủy điện.
Khuyến nghị năm 2013 của BPA lưu ý rằng ngôn ngữ gốc của hiệp ước “không xác định được các mối quan tâm về hệ sinh thái.”
Tài liệu tiếp tục đưa ra lời khuyên rằng những mối quan tâm như vậy nên tạo cơ sở cho mục đích chính thứ ba của một hiệp ước hiện đại hóa, lưu ý rằng môi trường của Lưu vực Sông Columbia phải là “lợi ích và chi phí chung của Hoa Kỳ và Canada.”
Tỉnh bang British Columbia, nơi có phần lớn các quyền và nghĩa vụ liên quan đến hiệp ước phía Canada, đã nhấn mạnh những lo ngại tương tự.
“Các lĩnh vực quan tâm chính là quản lý rủi ro lũ lụt, thủy điện và hệ sinh thái. Canada cũng đã đưa ra các vấn đề về việc tăng cường điều phối các hoạt động của đập Libby và tăng tính linh hoạt cho các hoạt động của Canada,” Bộ trưởng phụ trách Hiệp ước Sông Columbia Katrine Conroy cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 11/2021 trước vòng đàm phán hôm 09/12.
Trong một bản đánh giá năm 2012 về tác động của hiệp ước, Bộ Năng lượng, Mỏ và Khí đốt tự nhiên Canada tuyên bố rằng với việc xây dựng các đập và hồ chứa theo hiệp ước của Canada trong những năm 1960 và 1970, “toàn bộ hệ sinh thái đã bị loại bỏ.”
Bà Barbara Cousens, giáo sư danh dự tại Đại học Idaho, người đã có nhiều bài viết về hiệp ước, nói với The Epoch Times rằng các con đập của Canada được tạo ra từ kết quả của hiệp ước là trở ngại lớn đối với nỗ lực đưa cá hồi trở lại trên Đập Grand Coulee. Bà nói rằng những người sống gần các con đập cũng đã phải di dời.
Bà nói: “Việc xây dựng các con đập ở Canada đã làm ngập các thung lũng — và các thung lũng đó có các cộng đồng nhỏ. Các thung lũng là nơi duy nhất cho nông nghiệp, bởi vì sau đó quý vị [chỉ] có những ngọn núi dốc bao phủ bởi rừng. Vì vậy, việc này thực sự đã lấy đi sinh kế của các cộng đồng địa phương.”
Hiệp ước ban đầu được thúc đẩy bởi Trận lụt Vanport thảm khốc vào năm 1948. Trận lũ lụt này đã xóa sổ cộng đồng Vanport thuộc khu vực Portland, Oregon khỏi bản đồ.
“Chúng tôi thấy rằng cần khẩn cấp giải quyết lũ lụt và ngăn ngừa thiệt hại về người và tài sản khi khu vực này phát triển,” trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ về hiệp ước tại Bộ Ngoại giao Jill Smail cho biết trong bài nói tại cuộc họp về Hiệp ước Sông Columbia lần thứ hai hồi tháng 09/2018.
Bà Cousens cho biết: “Người dân trong lưu vực nói theo hai cách. Một là họ nói rằng Hoa Kỳ đã chuyển lũ từ Portland lên thượng nguồn đến Canada.”
“Cách khác mà họ nói về việc đó là tất cả các lợi ích từ thủy điện đều chảy về phía bờ biển — và nói như vậy là họ có ý chỉ Victoria và Vancouver.”
Các cuộc đàm phán của cả hai bên đang được thông báo bởi các bộ lạc địa phương và dân tộc bản địa Canada. Trong trường hợp của Hoa Kỳ, các đại diện của Bộ lạc Kootenai của Idaho, Bộ lạc Liên minh của Biệt khu dành cho người bản địa Umatilla, và Bộ lạc Liên minh của Biệt khu dành cho người bản địa Colville là một phần trong nhóm đàm phán của Bộ Ngoại giao. Về phía Canada, các bộ lạc ở các Dân tộc Bản địa Lưu vực sông Columbia đã tham gia.
Bà Cousens nói: “Thật thú vị, các bộ lạc đã thúc đẩy rất nhiều trong việc thương thảo về chức năng hệ sinh thái.”
Hiệp ước Sông Columbia Bản hiệu chỉnh, thể hiện quyết định của British Columbia trong việc tiếp tục hiệp ước, nêu rằng “việc xây dựng các đập và hồ chứa của Hiệp ước đã gây ra nhiều khó khăn cho các cộng đồng cùng các dân tộc bản địa Canada bị ảnh hưởng trực tiếp.”
Các quan chức Tỉnh bang British Columbia và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa đưa ra bình luận vào thời điểm phát hành bản tin này.
Ông Nathan Worcester là một phóng viên về môi trường tại The Epoch Times.
Phù Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: