Hoa Kỳ cần mạnh tay hơn khi đối đãi sự công kích của Trung Quốc nhắm vào Pháp Luân Công
Hãy cùng hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều người dân Hoa Kỳ ủng hộ Pháp Luân Công trong việc tìm kiếm lối thoát khỏi một cấp độ đàn áp mà đáng buồn thay nên được gọi là tội ác diệt chủng.
Từ ngày 16/07 đến ngày 20/07, hàng ngàn người ủng hộ Pháp Luân Công trong trang phục màu vàng đã xuống đường ở Hoa Thịnh Đốn, New York, San Francisco, London, và các nơi khác trong các cuộc tập hợp biểu tình thường niên được tổ chức dành riêng cho việc phản đối những vi phạm nhân quyền kéo dài liên tục hàng thập kỷ của Trung Cộng. Tại sự kiện ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, một chuyên gia về tự do tôn giáo của Viện Hudson đã cáo buộc một cách chính đáng rằng Trung Cộng đang phạm tội diệt chủng chống lại Pháp Luân Công.
Nhiều nguồn tin của chính phủ Hoa Kỳ đã thừa nhận các báo cáo và bảo chứng toàn cầu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công và các bằng chứng quan trọng, không thể chối cãi về việc bỏ tù hàng loạt, tra tấn và cưỡng bức mổ cướp nội tạng của con số có thể lên tới hàng triệu người. Các hành vi của Trung Cộng đáp ứng định nghĩa pháp lý và mô tả học thuật về tội diệt chủng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng năm 1948.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần xoay quanh các nguyên lý của Phật gia và Đạo gia, được truyền ra rộng rãi ở Trung Quốc từ năm 1992. Bảy năm sau, Trung Cộng coi môn tu luyện ôn hòa này là mối đe dọa lớn nhất đối với mình.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đề cao ba nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, vốn rõ ràng đi ngược lại các triết lý riêng của Trung Cộng về, ví dụ, quyền lực chính trị nảy sinh từ nòng súng (theo Mao Trạch Đông năm 1938).
Phong trào Pháp Luân Công là một mối đe dọa đặc biệt đối với quyền lực ngày càng tăng của Trung Cộng bởi [các học viên của] môn tu luyện này thường là [người làm việc] bên trong các doanh nghiệp, các trường đại học và nhà nước Trung Quốc. Bị nhà cầm quyền bức hại nên buộc phải bí mật, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc vận hành ít nhất 200,000 “nhà in ngầm” bên trong đất nước độc tài này, “điều có thể coi là một cuộc phản kháng bất bạo động cấp cơ sở lớn nhất trên thế giới,” theo một trang web về Pháp Luân Công.
Đôi khi các học viên Pháp Luân Công đã tiết lộ những thông tin quan trọng cho các ấn phẩm được thiết lập bên ngoài Trung Quốc. Điều này giúp cho Pháp Luân Công trở thành một đồng minh đương nhiên và mạnh mẽ của tất cả các nền dân chủ đang tìm cách bóc trần sự thật về những hành động tàn bạo mà Trung Cộng đã thực hiện.
Có khoảng 70 đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới vào cuối những năm 1990, theo nhiều nguồn tin khác nhau, bao gồm cả truyền thông của Trung Cộng. Con số này lớn hơn số lượng đảng viên Trung Cộng vào thời điểm đó.
Sự chú ý ngày càng thù địch từ phía Trung Cộng đã buộc nhà sáng lập Pháp Luân Công, Ngài Lý Hồng Chí (李洪志), phải tái định cư ở Hoa Kỳ năm 1995. Khi sự chú ý tiêu cực dần gia tăng, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông nhà nước, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bắt đầu kháng nghị. Sự việc này đạt đến đỉnh điểm vào ngày 25/04/1999, khi ít nhất 10,000 học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện Trung Cộng bằng một buổi thiền định ôn hòa tại Trung Nam Hải, nơi có tòa nhà chính phủ trung ương của Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Trung Cộng cảm thấy bị đe dọa. Họ đã tuyên bố phong trào này là “dị giáo” và là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia kể từ phong trào dân chủ năm 1989. Vào ngày 20/07/1999, người đứng đầu Trung Cộng là Giang Trạch Dân đã cấm Pháp Luân Công và thành lập “phòng 610” giống Gestapo, có quyền lực cao hơn cả cảnh sát và tòa án ở Trung Quốc, nơi tự do tôn giáo được cho là, nhưng không thực sự, được hiến pháp Trung Quốc bảo vệ.
Sau đó, các quan chức Trung Cộng như Trần Toàn Quốc (陈全国) đã tiến hành cuộc đàn áp Pháp Luân Công, và sử dụng các phương pháp “cải tạo” mà sau này trở thành một phần của cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc cũng là một nỗ lực “tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, đối với một quốc gia, một dân tộc, một chủng tộc hoặc một nhóm tôn giáo,” bao gồm bằng việc sát hại cũng như [gây ra] các tổn hại khác về thể xác và tinh thần. Do đó, cuộc đàn áp này là một tội ác diệt chủng theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc.
Các nghiên cứu học thuật đã ước tính tổng số ca ghép gan và thận ở Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2014, có khả năng chủ yếu được lấy từ [các học viên] Pháp Luân Công, lên tới 1.5 triệu ca. Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal) năm 2020, được tổ chức tại London, đã trích dẫn số liệu thống kê cho thấy có khoảng 60,000 đến 90,000 ca cấy ghép nội tạng hàng năm (trừ đi khoảng 5,000 người hiến tặng tình nguyện được ghi nhận, cho thấy sự thiếu hụt khoảng 55,000 đến 85,000 ca cấy ghép hàng năm là không giải thích được).
Tòa án Luận tội Trung Quốc cũng phát hiện thêm rằng, “Mổ cướp nội tạng đã xảy ra ở nhiều nơi tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và nhiều lần trong khoảng thời gian ít nhất 20 năm và tiếp tục cho đến ngày nay. … Trong thực trạng mổ cướp nội tạng kéo dài ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, các học viên Pháp Luân Công đã thật sự bị sử dụng làm một nguồn cung cấp nội tạng bị mổ cướp, và có lẽ là nguồn cung cấp chính.”
Theo một báo cáo của Freedom House năm 2015, “Hàng trăm ngàn học viên [Pháp Luân Công] đã bị kết án lao động và án tù, khiến họ trở thành nhóm tù nhân lương tâm lớn nhất trong nước,” và trên thế giới, nếu tôi có thể nói thêm. Các nguồn tin của Pháp Luân Công cho biết vài triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong 20 năm qua ở Trung Quốc.
Trong năm 2017, Freedom House đã kiểm chứng độc lập được 933 trường hợp với các bản án lên đến 12 năm tù dành cho các học viên Pháp Luân Công từ năm 2013 đến năm 2016, thường được áp dụng chỉ vì đức tin của họ. Theo tổ chức bất vụ lợi này, “Bằng chứng hiện có cho thấy việc cưỡng bức lấy nội tạng từ những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ để bán cho các hoạt động cấy ghép, đã xảy ra trên quy mô lớn và có thể vẫn đang tiếp diễn.”
Một phần quan trọng của chiến dịch chống Pháp Luân Công này là việc sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước để mô tả các học viên như những kẻ hạ đẳng, nhằm biện minh cho việc tra tấn và tận diệt họ.
“Nhìn chung, các hành vi tra tấn thể hiện một thái độ và cách tiếp cận xuyên suốt toàn diện của nhà nước Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công. Về bản chất, các hành vi này là có tính hệ thống và có ý đồ trừng phạt, bài xích, làm nhục, làm mất nhân tính, hạ thấp nhân phẩm và ma quỷ hóa các học viên Pháp Luân Công, buộc họ công khai không thừa nhận và từ bỏ việc tu luyện của mình. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và các nhà lãnh đạo của chế độ này đã tích cực kích động cuộc đàn áp như vậy với mục đích duy nhất là xóa bỏ phương thức tu luyện, và niềm tin vào Pháp Luân Công.”
— Tòa án Luận tội Trung Quốc
Không nên đánh giá thấp hiệu ứng lan tỏa rộng khắp và sức tàn phá của việc làm mất nhân tính của các phương tiện truyền thông nhà nước đối với Pháp Luân Công trong một xã hội không có tự do ngôn luận. Tuy nhiên, theo Freedom House, hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã kiên trì trong nhiều năm bị đàn áp. Các cuộc diễn hành trong tháng 07/2021 đã đánh dấu 22 năm ngày Trung Cộng bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công.
Ngày càng có nhiều người dân Hoa Kỳ thức tỉnh về tội ác diệt chủng đối với Pháp Luân Công. Các chính trị gia của lưỡng đảng đều đang hành động. Trong số 17 Thượng nghị sĩ và Dân biểu Hoa Kỳ đồng ý yêu cầu của các học viên Pháp Luân Công để thể hiện sự ủng hộ nhân dịp năm thứ 22 của cuộc đàn áp, có 8 người thuộc Đảng Dân Chủ và 9 người thuộc Đảng Cộng Hòa. Trong các tuyên bố riêng biệt vào ngày 20/07, cả Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Dân Chủ-New Jersey) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công và tự do tôn giáo nói chung.
Năm nay, các Dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ đã thể hiện sự ủng hộ, và do đó xứng đáng được vinh danh công khai là bà Zoe Lofgren (California), ông Mike Doyle (Pennsylvania), ông Bill Foster (Illinois), ông Sean Maloney (New York), ông Dean Phillips (Minnesota), ông David Trone (Maryland), ông Juan Vargas (California) và ông Gerald Connolly (Virginia). Còn các Dân biểu thuộc Đảng Cộng Hòa là bà Elise Stefanik (New York), ông Gus Bilirakis (Florida), bà Vicky Hartzler (Missouri), ông Tim Walberg (Michigan), ông Steve Chabot (Ohio), ông Glenn Grothman (Wisconsin) và ông Jack Burgman (Michigan).
Với tư cách là chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, Thượng nghị sĩ Menendez đã đưa ra một tuyên bố hoàn hảo nhất vào ngày 20/07 về Pháp Luân Công. Trong một bức thư, ông viết, “Ngày này 22 năm trước đây, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn nhẫn và bạo ngược đối với những người tu luyện Pháp Luân Công, và nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Trong hơn hai thập kỷ kể từ đó, hàng chục ngàn công dân Trung Quốc đã bị đàn áp vì đức tin của mình, bị bỏ tù, tra tấn, cưỡng bức lao động và phải chịu đựng tội ác mổ cướp nội tạng theo các cáo buộc đáng tin cậy.”
Thượng nghị sĩ Rubio đã đưa ra một tuyên bố hoàn hảo tương tự vào ngày 20/07. “Trung Cộng đã giam giữ các học viên Pháp Luân Công, và trong một số trường hợp là nhiều lần giam giữ, trong các trung tâm ‘chuyển hóa thông qua cải tạo’ – một cuộc tập dượt trước cho việc giam giữ hàng loạt và các hành vi diệt chủng đang diễn ra chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Hồi giáo khác ở Tân Cương. Các quan chức Trung Cộng đã bắt các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng sự tấn công về thể xác và tình dục, cưỡng bức lao động, và tra tấn để khiến họ từ bỏ đức tin của mình. Đáng lo ngại hơn là những cáo buộc đáng tin cậy về việc mổ cướp nội tạng.”
Một báo cáo ngày 12/05 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo đã ghi nhận các báo cáo về hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, hơn 6,600 người bị bắt giữ phi pháp vào năm 2019 và hơn 600 người bị kết án tới 14 năm tù. Báo cáo ghi nhận việc tra tấn và tước đoạt thực phẩm cũng như chăm sóc y tế đối với các học viên trong tù, đồng thời đề cập đến bằng chứng về mổ cướp nội tạng, bao gồm cả bằng chứng trong các báo cáo của Tòa án Luận tội Trung Quốc và Tổ chức Tưởng niệm các Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản (VOC).
Bộ Ngoại giao đã trích dẫn tin tức trên các phương tiện truyền thông nói rằng “các giới chức đã đột nhập vào nhà của một học viên Pháp Luân Công, đè bà ấy xuống, và cưỡng bức lấy mẫu máu của bà ấy. Họ nói với bà ấy rằng đó là ‘mệnh lệnh của nhà nước.’ Một quan chức la lớn, ‘Luật pháp không áp dụng đối với các người. Bọn ta sẽ xóa sổ tất cả các người.’”
Khi công bố báo cáo trên, Ngoại trưởng Antony Blinken đã áp đặt một cách đúng đắn lệnh cấm thị thực đối với quan chức Trung Cộng Dư Huy (Yu Hui) và gia đình ông ta vì ông này đã thông đồng trong việc giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công.
Báo cáo năm 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng ghi nhận cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và bằng chứng về cưỡng bức mổ cướp nội tạng. Báo cáo này nêu rõ, “Theo các báo cáo, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị sách nhiễu và bắt giữ trong năm 2020 vì thực hành đức tin của mình, và một số có khả năng đã thiệt mạng do bị ngược đãi và tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Các báo cáo quốc tế đáng tin cậy cũng cho rằng hoạt động mổ cướp nội tạng, kể cả từ các học viên Pháp Luân Công, có thể vẫn còn đang tiếp diễn.”
Chúng ta có thể không mong đợi nhiều học giả hoặc các tập đoàn lớn sẽ ủng hộ Pháp Luân Công trong tương lai gần, vì nhiều người đang tìm cầu một số lợi ích kinh doanh từ Trung Quốc, bao gồm việc có nhiều sinh viên Trung Quốc hơn đóng học phí toàn phần tại các trường đại học ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng ta hãy hy vọng rằng ngày càng có nhiều người dân Hoa Kỳ, thuộc kiểu người sống có nguyên tắc được đề cập ở trên, sẽ ủng hộ Pháp Luân Công trong việc tìm kiếm lối thoát khỏi một mức độ bức hại mà đáng buồn thay nên được gọi là tội ác diệt chủng. Cuộc diệt chủng này còn đáng lên án gấp đôi vì những nguyên lý căn bản mà môn tu luyện Pháp Luân Công thực hành, cụ thể là chân, thiện và nhẫn, rất đáng được tôn vinh, và đáng buồn là ngày nay việc [Trung Cộng] cai trị Trung Quốc đang thiếu sót [những nguyên lý này].
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: