Hoa Kỳ cần chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc
Hoa Kỳ cần phải chuyển các chuỗi dây chuyền sản xuất quan trọng ra khỏi Trung Quốc để bảo đảm an ninh quốc gia, và tránh trở thành miếng mồi cho chính sách kinh tế “kền kền” của Bắc Kinh, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn cho biết.
Trong chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ, bà Blackburn cho biết, Trung Quốc đã phát triển thành một cường quốc trong những thập kỷ gần đây và được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, tất cả là nhờ vào một loạt các hoạt động kinh tế không công bằng được thúc đẩy liên tục, bao gồm cả một chiến dịch mạnh mẽ do chính phủ Trung Quốc tài trợ để đánh cắp sở hữu trí tuệ có giá trị.
Bà nhận định: “Trung Quốc sẽ nói dối bạn, họ sẽ ăn cắp của bạn. Và nếu bạn bắt được họ, họ sẽ cố gắng lừa bạn”.
Trong những năm gần đây, theo chính sách kinh tế có tên “Made in China 2025”, Trung Cộng đã nhanh chóng thúc đẩy khả năng sản xuất nội địa của Trung Quốc đối với các ngành công nghệ cao và quan trọng, bao gồm robot, viễn thông và dược phẩm. Thượng nghị sĩ Blackburn cảnh báo rằng, những nỗ lực như vậy sẽ khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải đối mặt với rủi ro lớn.
“Về cơ bản, rồi họ sẽ có khả năng [đe dọa] thế giới khi thế giới cần một thứ gì đó như dược phẩm, thứ mà chúng ta đang rất cần hiện nay”, bà Blackburn nói.
Thảm họa đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã bộc lộ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với các mặt hàng như thiết bị y tế và dược phẩm.
Trung Quốc là nhà sản xuất nguyên liệu dùng để sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào các loại thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc các loại thuốc làm từ các thành phần dược phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
Hồi tháng Ba, bà Blackburn và Thượng nghị sĩ Bob Menendez đã đệ trình Đạo luật Nội các y tế SAM-C để thúc đẩy các chuỗi sản xuất tại nội địa Hoa Kỳ, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của nước này đối với các thành phần dược phẩm từ Trung Quốc dùng trong quy trình sản xuất thuốc. Dự luật này sẽ ủy quyền phân bổ khoản ngân sách 100 triệu dollars cho việc phát triển đổi mới và đào tạo nguồn nhân lực.
Thượng nghị sĩ Blackburn nói thêm rằng, biện pháp này có thể được sử dụng như một hình mẫu áp dụng cho việc “hồi hương” các ngành công nghiệp quan trọng khác, như chất bán dẫn, pin và thiết bị viễn thông.
Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần lên kế hoạch tốt hơn cho những trường hợp bất lợi đối với những sự kiện có thể xảy ra”.
Bà Blackburn lên án gay gắt việc Trung Cộng che giấu sự bùng phát của virus Vũ Hán, dẫn đến sự lây lan của virus trên toàn cầu.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể bị thụt giảm gần 8 nghìn tỷ đô-la trong vòng 11 năm tới do tác động từ cuộc suy thoái kinh tế sau đại dịch.
“Con cháu của chúng ta sẽ phải trả giá cho việc này”, bà Blackburn nói.
Thượng nghị sĩ Blackburn là một trong số rất nhiều người đã lên tiếng, cả trong và ngoài nước Hoa Kỳ, kêu gọi Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm của chính quyền này khi xử lý vụ dịch viêm phổi Vũ Hán. Tháng trước, bà đã đồng ủng hộ cho Đạo luật dừng COVID, cho phép người dân Hoa Kỳ kiện Trung Cộng ra tòa, đòi bồi thường cho những tổn thất mà họ phải chịu do đại dịch gây ra. Điều luật này sẽ loại bỏ lợi thế tránh khỏi bị kiện tại tòa án ở Hoa Kỳ mà các quốc gia nước ngoài hiện đang được hưởng.
Bà Blackburn cũng kêu gọi người Mỹ suy nghĩ về “mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc và cách họ nhồi nhét xúc tu của mình vào Hoa Kỳ”.
Bà đã nêu ra ví dụ về việc Trung Cộng tự mình xâm nhập vào hệ thống giáo dục Hoa Kỳ bằng cách mở các Viện Khổng Tử tại các trường đại học Hoa Kỳ và Lớp học Khổng Tử cho các trường học từ cấp mẫu giáo cho tới lớp 12. Mặc dù được coi là trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, các học viện do Bắc Kinh tài trợ này đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích về vai trò của mình trong việc đàn áp tự do học thuật và đồng thời tuyên truyền cho Trung Cộng. Có khoảng 80 Viện Khổng Tử và hơn 500 Lớp học Khổng Tử trên toàn Hoa Kỳ, theo nhóm vận động Hiệp hội Học giả Quốc gia.
Du Miên