Hoa Kỳ cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm do lao động cưỡng bức từ Tân Cương
Chính phủ Trump đã cấm nhập khẩu bông, các sản phẩm tóc, quần áo và các mặt hàng khác được làm bằng lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Tại khu vực này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác.
Vào ngày 14/9, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã ban hành năm Lệnh Hoãn Xuất kho đối với các hàng hóa khác nhau được sản xuất tại Tân Cương. Hành động này nhằm mục đích trấn áp “các hoạt động cưỡng bức lao động bất hợp pháp, vô nhân đạo và bóc lột” của ĐCSTQ.
“Những hành động này gửi một thông điệp rõ ràng tới CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] rằng đã đến lúc chấm dứt hoạt động lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ và tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố.
Các lệnh này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ có hành động mạnh mẽ hơn nhằm chống lại sự đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương. Tại đây, ĐCSTQ đã sử dụng các trại giam giữ như một công cụ để đàn áp những người theo “chủ nghĩa cực đoan”.
Những người sống sót trong các trại giam giữ đã kể lại chi tiết việc bị tra tấn, hãm hiếp và cải tạo chính trị bắt buộc khi ở tù. Người dân Tân Cương cũng phải chịu một hệ thống giám sát mở rộng thông qua mạng lưới camera an ninh AI (trí tuệ nhân tạo) tăng cường, các trạm kiểm soát và thu thập dữ liệu sinh trắc học.
Hồi tháng 3, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hàng chục nghìn người Duy Ngô Nhĩ đã được chuyển đến làm việc tại các nhà máy trên khắp Trung Quốc trong điều kiện lao động cưỡng bức. Những cơ sở này đã sản xuất hàng hóa cho 83 thương hiệu toàn cầu.
Các lệnh của CBP áp dụng cho bông được sản xuất và chế biến bởi Công ty Bông và Vải lanh Junggar Tân Cương; quần áo do Công ty Sản xuất Hàng may mặc Yili Zhuowan và Công ty Thương mại và Kinh doanh Baoding LYSZD ở Tân Cương sản xuất; các sản phẩm tóc được sản xuất tại Khu công nghiệp Sản phẩm tóc Hạt Lop ở Tân Cương; tất cả các sản phẩm được làm bằng lao động của Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ năng Nghề số 4 Hạt Lop ở Tân Cương; và các bộ phận máy tính do Công ty Công nghệ Thông tin Hợp Phì Bitland ở tỉnh An Huy sản xuất.
“Chính phủ Trump sẽ không ngồi yên và cho phép các công ty nước ngoài bắt những người lao động dễ bị tổn thương phải lao động cưỡng bức trong khi gây tổn hại cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tôn trọng nhân quyền và pháp quyền”, Quyền Ủy viên CBP Mark A. Morgan cho biết trong một tuyên bố.
Đầu năm nay, Hoa Kỳ đã trừng phạt một số quan chức Trung Quốc và một nhóm bán quân sự vì họ đóng vai trò trong việc giám sát các vụ lạm dụng ở Tân Cương. Hàng chục tổ chức và công ty Trung Quốc cũng bị liệt vào danh sách đen, không được kinh doanh với công ty Hoa Kỳ.
Hồi tháng 6, CBP đã thu giữ 13 tấn sản phẩm làm từ tóc người bị nghi ngờ là do lao động cưỡng bức ở Tân Cương sản xuất.
Tác giả: Cathy He