Mỹ cấm đầu tư vào công ty AI của Trung Quốc
Hôm 10/12, Hoa Kỳ đã ra một lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào công ty AI của Trung Quốc có tên là SenseTime vì lo ngại công ty này hỗ trợ cho chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Công ty 7 năm tuổi này, một trong những công ty khởi nghiệp AI có giá trị cao nhất thế giới và là nhà phát triển hàng đầu về công nghệ nhận dạng khuôn mặt, được đưa vào danh sách của Hoa Kỳ về “các công ty kết hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc”, làm lu mờ kế hoạch phát hành lần đầu ra công chúng của công ty tại Hồng Kông trong tháng này, với mục tiêu huy động được 767 triệu USD. Biện pháp của Hoa Kỳ buộc các nhà đầu tư Mỹ phải thoái vốn trong vòng 60 ngày kể từ ngày thông báo.
Bộ Ngân khố phát hiện SenseTime chịu trách nhiệm phát triển các chương trình nhận dạng khuôn mặt có thể xác định một dân tộc được nhắm mục tiêu, “đặc biệt tập trung vào việc nhận dạng dân tộc Duy Ngô Nhĩ”.
Bộ cho biết Công ty TNHH Công nghệ Sensetime Thâm Quyến, công ty AI con thuộc sở hữu hoàn toàn của SenseTime của Trung Quốc, đã làm nổi bật khả năng nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ có hoặc không đeo kính râm, để râu, hoặc đeo khẩu trang.
Hành động hôm thứ Sáu (10/12) nằm trong một loạt các biện pháp trừng phạt được chính phủ Tổng thống Biden công bố, nhắm vào 24 cá nhân và tổ chức khác có liên kết với Bắc Kinh, các tổ chức quân sự Myanmar, và Bắc Hàn nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế.
Ước tính có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác đang bị giam giữ trong các trại giam ở Tân Cương, điều mà Hoa Kỳ và các nhóm nhân quyền coi là tội ác diệt chủng. Cuộc đàn áp đang diễn ra này đã khiến Hoa Kỳ và một số đồng minh tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông 2022 của Bắc Kinh.
Công ty con của SenseTime tại Bắc Kinh đã bị Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ trong những năm gần đây vì vai trò cung cấp công nghệ giám sát trên quy mô lớn ở Tân Cương. Đây là một trong tám công ty công nghệ Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen thương mại của Bộ Thương mại hồi năm 2019, vốn cấm công ty này mua các bộ phận và linh kiện từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ mà không được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận.
Hôm thứ Sáu (10/12), Bộ Ngân khố cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Erken Tuniyaz, chủ tịch Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, và người tiền nhiệm Shohrat Zakir.
Hai người này cùng với ông Hồ Liên Hợp (Hu Lianhe), một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà các chuyên gia tin rằng đóng vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo các chính sách của Trung Cộng ở Tân Cương, cũng như ông Trần Minh Quốc (Chen Mingguo), Giám đốc Sở Công an Tân Cương, cũng bị hạn chế thị thực. Họ và những người thân thích trực tiếp sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Hàng chục quan chức và công ty Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì vấn đề Tân Cương.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: