Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Lithuania về thương mại trong bối cảnh bất đồng với Trung Quốc
Chính phủ Tổng thống Biden đang cam kết hỗ trợ Lithuania khi quốc gia Baltic nhỏ bé này đương đầu với sức ép của chính quyền Trung Quốc ở một số mặt trận.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai hứa “tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ” cho Lithuania trong cuộc điện đàm hôm 05/01 với Bộ trưởng Ngoại giao của nước này, ông Gabrielius Landsbergis. Trong một tuyên bố, bà cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm việc với Liên minh Âu Châu (EU) và các thành viên của khối này để giải quyết “hành vi chèn ép ngoại giao và kinh tế” của Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, Lithuania đã khiến Bắc Kinh tức giận khi cho phép Đài Loan tự trị, mà Bắc Kinh tuyên bố là một tỉnh ly khai không có quyền được công nhận ngoại giao, mở đại sứ quán trên thực tế ở thủ đô Vilnius.
Ngoài quan hệ ngoại giao xuống dốc, Lithuania kể từ đó đã bị mắc kẹt trong một cuộc tranh luận tài chính leo thang vì Bắc Kinh gây áp lực buộc các nước ngừng tìm nguồn cung ứng nguyên liệu từ Lithuania và áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với hàng xuất cảng và nhập cảng của Lithuania.
Trong một cuộc họp báo chung hôm 05/01 với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng tái khẳng định “mối lo ngại tức thời” về những nỗ lực bắt nạt Lithuania của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang thúc ép các công ty Âu Châu và Mỹ ngừng sản xuất các sản phẩm có các thành phần được sản xuất tại Lithuania hoặc là có nguy cơ mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, tất cả chỉ vì Lithuania đã chọn mở rộng hợp tác với Đài Loan.”
Ông Blinken, người đã kêu gọi phối hợp xuyên Đại Tây Dương với Đức để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và nguồn cung ứng đa dạng, cho biết các chiến thuật cưỡng ép kinh tế đặt ra “một thách thức đáng kể” đối với các giá trị tương hỗ của các liên minh dân chủ và pháp quyền quốc tế.
“Về căn bản, đây là về những gì chúng ta cùng nhau bảo vệ, không phải những gì chúng ta phản đối,” ông Blinken nói.
Bà Baerbock nói rằng đất nước của bà, “với tư cách là những người Âu Châu, luôn đoàn kết đứng về phía Lithuania” và sẽ cấm các sản phẩm từ lao động cưỡng bức thâm nhập vào thị trường của mình.
Trong một cuộc điện đàm hôm 03/01 với ông Blinken và các ngoại trưởng khác, ông Landsbergis cảm ơn Hoa Kỳ vì tình đoàn kết và sự hỗ trợ của nước này dành cho Lithuania trước áp lực kinh tế và chính trị của Trung Quốc, Bộ ngoại giao Lithuania cho biết.
Cùng ngày, bà Dovile Sakaliene, một thành viên của Quốc hội Lithuania, nói trên Twitter rằng, “Các tranh cãi trong nước sẽ không thay đổi chính sách ngoại giao nhất quán của Lithuania: an ninh của chúng ta phụ thuộc vào sự gắn kết, sự tham gia của các đối tác, và bảo vệ nền dân chủ.”
Tháng trước, quan chức thương mại cấp cao nhất của Liên minh Âu Châu cho biết khối này sẽ đứng lên chống lại các biện pháp cưỡng chế áp đặt lên Lithuania, vốn là một quốc gia thành viên. Ông Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu đến từ Lithuania, cho biết nếu cần thiết, EU sẽ giải quyết vấn đề này tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
Hồi tháng 11/2021, Ngân hàng Xuất Nhập cảng Hoa Kỳ (Export–Import Bank) đã ký một thỏa thuận tín dụng xuất cảng trị giá 600 triệu USD với Lithuania để chống lại áp lực gia tăng từ phía chính quyền Trung Quốc.
Hôm 05/01, Đài Loan cũng cho biết sẽ thành lập quỹ 200 triệu USD để đầu tư vào các ngành công nghiệp của Lithuania và thúc đẩy thương mại song phương, ông Hoàng Quân Diệu (Eric Huang), người đứng đầu văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania nói.
Trong khi đó, Đài Loan đã chuyển hướng 120 container hàng hóa đường biển từ Lithuania bị Trung Quốc chặn sang thị trường của nước này và sẽ nhận thêm “nhiều nhất có thể”, ông Hoàng cho hay.
Tháng 08/2021, Trung Quốc đã triệu hồi đại sứ của họ từ Vilnius trước khi trục xuất đặc phái viên của Lithuania tại Bắc Kinh hồi tháng 11.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: