Hoa Kỳ : các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp
Ngày 13/7, Hoa Kỳ đã chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với Biển Đông. Đây là hành động gia tăng phản ứng của chính phủ TT Trump trước các mối đe dọa do Trung Quốc gây ra.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu rõ trong thông cáo báo chí rằng “những yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, và chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc để kiểm soát vùng biển này cũng là bất hợp pháp.”
Mặc dù các quan chức Hoa Kỳ trước đây từng gọi những hoạt động của chính quyền Trung Quốc tại vùng biển này là “bất hợp pháp,” nhưng tuyên bố nêu trên của Ngoại trưởng Pompeo là sự phản đối chính thức của Hoa Kỳ về các yêu sách cụ thể của Bắc Kinh. Sự phản đối này của Hoa Thịnh Đốn phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague- Hà Lan, bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đầu năm 2013, Philippines nộp hồ sơ kiện “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngày 12/7/2016, PCA ra phán quyết khẳng định “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Phán quyết mang tính ràng buộc của PCA đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc liên quan tới quần đảo Trường Sa và các bãi đá và bãi cạn liền kề. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối công nhận phán quyết này. “Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý muốn của họ lên khu vực này,” ông Pompeo nói.
Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Đài Loan đều đưa ra yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Trong đó, yêu sách của Bắc Kinh là lớn nhất, bao phủ hầu hết toàn bộ vùng biển này. Biển Đông là nơi giàu tài nguyên hải sản và khoáng sản có giá trị, cũng như là một trong những tuyến hàng hải chính của thế giới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy yêu sách của họ tại vùng biển chiến lược này thông qua việc xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo và bãi đá. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng triển khai nhiều tàu hải cảnh và tàu cá tới Biển Đông để bắt nạt các tàu thuyền nước ngoài, ngăn chặn tiếp cận các vùng biển và chiếm đóng các bãi đá, bãi cạn.
Những hành động hung hăng của Bắc Kinh trong những năm qua đã gây ra nhiều vụ đụng độ nhỏ trên biển với Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Ông Pompeo nêu rõ, “Bắc Kinh sử dụng đe dọa để làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, bắt nạt họ về nguồn tài nguyên ngoài khơi, áp đặt sự thống trị đơn phương, và thay thế luật pháp quốc tế bằng tư tưởng ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’
“Thế giới của kẻ săn mồi – theo quan điểm của Trung Quốc – không có chỗ đứng trong thế kỷ 21.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, áp dụng phán quyết năm 2016 của PCA, Hoa Kỳ đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với nhiều khu vực và tổ chức khác nhau ở khu vực Biển Đông, mà các nước Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia cũng tuyên bố chủ quyền. Do đó, Hoa Kỳ sẽ coi bất kỳ hành vi quấy rối tàu cá hoặc thăm dò dầu khí của Trung Quốc tại các khu vực này là bất hợp pháp.
Quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra tự do hàng hải và tập trận Hải quân tại vùng biển tranh chấp này để đối phó các yêu sách của Bắc Kinh, và bảo vệ quyền tiếp cận các vùng biển mà Hoa Kỳ coi là đã tập hợp thành vùng biển quốc tế. Trong tháng này, Ngũ Giác Đài đã cử hai hàng không mẫu hạm tham gia tập trận ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng đồng thời tiến hành các cuộc diễn tập tại khu vực.
Quyết định của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thể hiện sự phản ứng cứng rắn hơn của chính quyền TT Donald Trump đối với sự gây hấn của Bắc Kinh, bao gồm cả việc chính quyền Trung Quốc che giấu sự bùng phát virus Trung Cộng, thắt chặt kiểm soát đối với Hồng Kông, và vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình,” ông Pompeo tuyên bố.
Ban Mai