Hoa Kỳ: Các tiểu bang dự trữ tiền mặt cao kỷ lục để giúp giảm bớt tác động của suy thoái kinh tế
Theo Hiệp hội Nhân viên Điều hành Ngân sách Tiểu bang (National Association of State Budget Officers, NASBO), các tiểu bang trên khắp Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng hơn về mặt tài chính để vượt qua một cuộc suy thoái kinh tế, với dự trữ tiền mặt cao kỷ lục dự kiến sẽ tăng thêm trong năm nay.
Theo dữ liệu mới nhất từ NASBO, dự trữ của các tiểu bang, còn gọi là quỹ dự phòng (rainy-day fund), đã tăng 58% so với mức trong năm tài khóa 2020, đạt mức cao mới là 121.8 tỷ USD trong năm 2021 và tiếp tục tăng trong năm tài khóa 2022 lên tổng cộng là 134.5 tỷ USD, với 43 tiểu bang ghi nhận mức tăng hàng năm.
NASBO cho biết, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, hồi năm 2019, số tiền dành cho các quỹ dự phòng đã ở mức cao nhất mọi thời đại sau nhiều thập niên tiết kiệm.
Ngoài ra, theo NASBO, nơi đã trích dẫn ngân sách ban hành trong năm thì dự trữ tiểu bang sẽ tăng lên 136.8 tỷ USD trong năm tài chính này. Điều đó sẽ chiếm khoảng 12.4% tổng chi tiêu của họ, giúp họ có vị trí tốt hơn để giải quyết một nền kinh tế đầy biến động và bất ổn tài chính.
NASBO cho biết: “Các thống đốc cũng đang thực hiện các bước bổ sung để tăng cường khả năng phục hồi tài khóa và chuẩn bị cho đợt suy thoái tiếp theo, kể cả tiết kiệm tiền cho thiên tai, trả nợ, sử dụng quỹ thặng dư cho xây dựng vốn nhằm giảm thiểu nhu cầu vay mới, trả lương hưu bổ sung, và sử dụng tiền một lần cho các khoản đầu tư một lần.”
“Những hành động này, kết hợp với dự trữ mạnh mẽ, giúp các tiểu bang có vị thế tốt để vượt qua một cuộc suy thoái kinh tế, bất cứ khi nào cuộc suy thoái tiếp theo xảy ra.”
Gần 40 tiểu bang có nguồn lực để vượt qua suy thoái
Theo The Wall Street Journal, các chính phủ tiểu bang và địa phương chiếm 11% tổng chi tiêu trong nền kinh tế Hoa Kỳ, và không giống như chính phủ liên bang, họ phải cân đối ngân sách hàng năm, nghĩa là không được chuyển thâm hụt sang năm tài chính tiếp theo.
Quỹ dự phòng của tiểu bang là công cụ ổn định quan trọng được sử dụng để giúp các tiểu bang và công dân của họ trong những giai đoạn thâm hụt không mong muốn hoặc nguồn thu thấp hơn không phù hợp với chi tiêu, cũng như suy thoái kinh tế tiềm ẩn.
Các quỹ dự phòng này bảo đảm rằng những dịch vụ của tiểu bang như các trường công lập có thể tiếp tục hoạt động và tiền thường xuyên chảy vào các chính quyền địa phương trong khi giảm nhu cầu cho việc cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế.
Một nghiên cứu của Moody’s Analytics cho thấy 39 tiểu bang có các nguồn lực cần thiết để vượt qua suy thoái kinh tế, và bốn tiểu bang có thể vượt qua suy thoái nếu họ tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu dưới 5% ngân sách của họ.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu này, bảy tiểu bang sẽ phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế hơn 5% ngân sách của họ để có đủ nguồn lực.
Nghiên cứu này cho thấy những tiểu bang phụ thuộc phần lớn vào du lịch và chi tiêu của người tiêu dùng có nhiều khả năng sẽ chật vật để vượt qua suy thoái kinh tế, trong khi những tiểu bang có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và năng lượng sẽ ở vị trí tốt hơn để vượt qua khi còn tương đối nguyên vẹn.
Các ý kiến trái chiều về khả năng suy thoái
“Các tiểu bang chưa bao giờ ở vị thế tốt hơn để vượt qua suy thoái kinh tế,” cô Emily Mandel, tác giả của nghiên cứu này cho biết. “Các nhà hoạch định chính sách của tiểu bang dường như đã học được một bài học quý giá từ cuộc Đại Suy thoái, thời kỳ mà thất thu thuế lớn hơn nhiều so với những khoản tiết kiệm được.”
Theo nghiên cứu của Moody’s, North Dakota, Wyoming, Idaho, California, và Delaware là những tiểu bang tích lũy được nhiều quỹ dự phòng nhất.
Năm tiểu bang dưới cùng có mức chênh lệch doanh thu dưới 10% là Illinois, Alaska, Arizona, Mississippi, và New Hampshire.
Tuy nhiên, một nghiên cứu riêng của Pew Research được công bố vào tháng 10/2022 đã xếp Wyoming và Alaska vào năm tiểu bang hàng đầu có lượng quỹ dự phòng cao hơn.
Việc củng cố dự trữ để phòng ngừa khó khăn xảy ra trên khắp các tiểu bang khi nhiều chuyên gia đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái trong năm nay.
Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát nhận thấy có xác suất 61% rằng Hoa Kỳ sẽ bước vào suy thoái trong năm nay, mặc dù họ tin rằng suy thoái sẽ nông và ngắn ngủi.
Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Biden vẫn lạc quan về năm tới.
Chẳng hạn, hôm thứ Hai (05/02) Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói rằng lạm phát giảm và thị trường lao động mạnh mẽ cho thấy một con đường theo hướng tránh được suy thoái kinh tế.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times