Hoa Kỳ bí mật thành lập ‘Tiger Team’ để ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân
Truyền thông nước ngoài tiết lộ rằng Tòa Bạch Ốc đã bí mật thành lập một đội đặc biệt gọi là “Tiger Team” (Đội Hổ). Nhiệm vụ của nhóm này là chuẩn bị kịch bản phản ứng của Hoa Kỳ và các đồng minh nếu Tổng thống Nga Putin sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân trong cuộc chiến Ukraine.
Theo New York Times, “Tiger Team” gồm các quan chức an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Việc Tòa Bạch Ốc triển khai đội ngũ này chứng tỏ Hoa Kỳ không loại trừ khả năng rằng: ông Putin có thể “bực bội” vì quân đội Nga vẫn tiến triển chậm sau một tháng xung đột, từ đó “bí quá hóa liều” mà phóng thích vũ khí hạt nhân và sinh học.
Theo bài báo, bốn ngày sau khi ông Putin cho phép “hoạt động quân sự đặc biệt”, Hoa Kỳ đã thành lập “Tiger Team” cho lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp vào ngày 28/02, kể từ đó các thành viên của nhóm đã tổ chức các cuộc họp bí mật ba lần một tuần.
Bài báo nói rằng: “Nếu Nga cố gắng mở rộng cuộc chiến sang các nước láng giềng bao gồm Moldova và Georgia, nhóm [Tiger Team] đang nghiên cứu cách ứng phó và cách chuẩn bị cho các nước Âu Châu trước làn sóng tỵ nạn chưa từng thấy trong nhiều thập niên qua”.
Bài báo cũng cho biết, các quan chức Tòa Bạch Ốc có hai quan điểm về đường lối hành động sắp tới của ông Putin. Họ cho rằng: “Những động thái liều lĩnh” như tấn công vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học là khó xảy ra; Tuy nhiên, sự bế tắc trong cuộc chiến có thể khiến ông Putin “bí quá hóa liều”.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ nói với The New York Times rằng, nếu Nga thả bom hạt nhân chiến thuật “cỡ nhỏ” nhằm vào các nước khác (không nhất thiết là thành viên NATO), thì điều đó có nghĩa là “tất cả các thỏa thuận đạt được trước đây đều không còn giá trị“. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn giữ bí mật về cách thức đối phó với tình hình.
Một vấn đề lớn khác mà “Tiger Team” phải đối mặt, đó là việc điều hướng phản ứng của Hoa Kỳ trong một cuộc chiến leo thang, chẳng hạn như khi quân đội Nga tiến vào lãnh thổ NATO và tấn công đoàn xe vận chuyển vũ khí và viện trợ cho Ukraine, thì Hoa Kỳ nên phản ứng như thế nào.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm thứ Ba (22/03), phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này phải đối mặt với một “mối đe dọa hiện hữu đối với quốc gia”. Hoa Kỳ đã lên án tuyên bố này là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”.
Tờ New York Times phân tích rằng chỉ một tháng trước, các cuộc thảo luận về chiến tranh hạt nhân dường như chỉ nằm trên giấy, nhưng đến nay, từ Tòa Bạch Ốc đến trụ sở NATO ở Brussels, người ta đã nhận ra rằng, Nga có thể chuyển sang sử dụng những vũ khí hạt nhân mạnh nhất trong kho vũ khí của mình để thoát khỏi tình thế bế tắc quân sự.
Vào tuần trước, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng, “Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là điều không tưởng, nay lại có khả năng xảy ra.”
Hôm 23/03, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh sự cấp bách của việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân, lần đầu tiên ông nói với các phóng viên rằng, ngay cả khi Nga chỉ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt bên trong Ukraine, nó cũng có thể gây ra “hậu quả thảm khốc” cho người dân các quốc gia NATO.
The New York Times đưa tin, ngữ giọng của ông Stoltenberg đã cứng rắn hơn nhiều so với trước đây, ông cho biết ông mong đợi “các đồng minh sẽ đồng ý cung cấp hỗ trợ bổ sung, bao gồm hỗ trợ an ninh mạng và thiết bị, để giúp Ukraine phòng thủ trước các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân”.
Khi Tổng thống Biden đến Âu Châu hôm thứ Tư (23/03) để tham gia hội nghị thượng đỉnh kín với các nhà lãnh đạo NATO, cả ông và Tổng thư ký NATO Stoltenberg đều cảnh báo rằng có nhiều bằng chứng cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine.
Lâm Nghiên thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: