Hoa Kỳ áp lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia vì sự hiện diện quân sự của Trung Quốc
Hoa Kỳ đã ra lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia, với lý do lo ngại về sự hiện diện quân sự của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) và các hoạt động khác tại nước này.
Các hạn chế bổ sung đối với xuất nhập cảng hàng hóa và dịch vụ liên quan đến quốc phòng, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ban hành, dự kiến sẽ được công bố và có hiệu lực hôm thứ Năm (09/12).
“Hôm 01/06/2021, Bộ bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự hiện diện quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và các hoạt động khác ở Campuchia và nhấn mạnh rằng một căn cứ quân sự của CHND Trung Hoa ở Campuchia sẽ phá hoại chủ quyền của Campuchia, đe dọa an ninh khu vực, và tác động tiêu cực đến mối bang giao Hoa Kỳ–Campuchia,” quy định chưa được công bố cho biết (pdf).
“Các quan chức cao cấp tại Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng tiếp tục bày tỏ những lo ngại này nhưng Campuchia vẫn cho phép CHND Trung Hoa mở rộng sự hiện diện quân sự và xây dựng các cơ sở chuyên dụng trên Vịnh Thái Lan.”
Mục đích của lệnh cấm vận này, vốn sửa đổi các Quy định Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR), là để bảo đảm rằng các mặt hàng quốc phòng và dịch vụ quốc phòng được Campuchia lên kế hoạch nhập hoặc xuất cảng sẽ không được thực hiện nếu không có sự đánh giá và chấp thuận trước của chính phủ Hoa Kỳ.
Các quan chức viện dẫn lo ngại về “bằng chứng đáng tin cậy về hành vi tham nhũng, vi phạm nhân quyền, và thỏa thuận độc quyền của chính phủ Campuchia với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) về việc mở rộng quân sự ở Campuchia.”
Chính sách mới không áp dụng cho các hoạt động phá hủy vũ khí thông thường và rà phá bom mìn nhân đạo.
Ảnh hưởng của Trung Cộng tại quốc gia Đông Nam Á này ngày càng khiến chính phủ Tổng thống Joe Biden lo ngại và diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Campuchia đang rạn nứt, do có thông tin rằng đảng cầm quyền của quốc gia này đang đàn áp các đối thủ của mình.
Tháng trước, Bộ Ngân khố đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai thành viên cao cấp của Bộ Quốc phòng Campuchia, ông Chau Phirun và ông Tea Vinh, vì tội tham nhũng.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngân khố đã cáo buộc rằng hồi năm 2020 và 2021, ông Chau đã âm mưu với ông Tea và các quan chức Campuchia khác để tăng chi phí của một dự án xây dựng và nâng cấp tại các cơ sở của Căn cứ Hải quân Ream, và sau đó lên kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ dự án cho lợi ích riêng của họ.
Các quan chức Hoa Kỳ lo ngại rằng việc xây dựng Căn cứ Hải quân Ream ở Sihanoukville sẽ được sử dụng để tạo điều kiện cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia.
“Hoa Kỳ sẽ không khoanh tay đứng nhìn trong khi các quan chức tham nhũng hưởng lợi cá nhân với cái giá mà người dân Campuchia phải trả,” Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc Andrea M. Gacki cho biết vào thời điểm đó. “Chính phủ này sẽ tiếp tục ưu tiên các nỗ lực chống tham nhũng và làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy buộc họ phải chịu trách nhiệm.”
Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngân khố cũng cảnh báo rằng những diễn biến gần đây ở Campuchia, bao gồm cả nạn tham nhũng mang tính hệ thống ngày càng gia tăng, đã đe dọa đến an ninh quốc gia cũng như tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của Campuchia.
Tuy nhiên, Trung Quốc khăng khăng rằng họ có “tình hữu nghị sắt son” với Campuchia và hai nước là “các đối tác chiến lược toàn diện”.
Đầu tháng này, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn tại huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang.
Trong các cuộc thảo luận đó, ông Vương Nghị đã tán dương cả hai nước là “một cộng đồng có tương lai chung”, cần “đoàn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của hai nước, duy trì hòa bình, ổn định, và phát triển trong khu vực.”
“Hai nước sẽ tiếp tục đứng vững cùng nhau để cùng bảo vệ các chuẩn mực căn bản điều hành các mối quan hệ quốc tế, và phản đối chủ nghĩa đơn phương cũng như các hành vi bắt nạt,” ông Vương nói.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: