Hoa cúc: Biểu tượng của sức mạnh và bền bỉ
Khi cái se lạnh của mùa thu đang đến, cây cối cũng bắt đầu mất đi sức sống và trở nên héo úa. Thế nhưng có một loài hoa đặc biệt xuất hiện: Hoa cúc. Vạn vật xung quanh dần trở nên lụi tàn bởi những cơn gió lạnh thì cũng là lúc loài hoa kiên cường này bắt đầu nở.
Từ xa xưa, hoa cúc đã được các văn nhân và học giả ngưỡng mộ, là nguồn cảm hứng bất tận cho vô số bài thơ, câu chuyện và tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh việc ca ngợi vẻ đẹp, họ còn ca tụng hoa cúc như một biểu tượng của sức sống và sự bền bỉ.
Nguồn gốc khiêm nhường
Một trong những ví dụ đầu tiên trong thơ ca là thi phẩm nổi tiếng của Khuất Nguyên – “Ly tao” (nỗi buồn ly biệt), sáng tác thời Chiến quốc. Trong đó có câu: “Ăn hoa rụng bên nhành thu cúc, Uống sương sa dưới gốc mộc lan.” — (bản dịch của Nhượng Tống). Chỉ trong một vài dòng, Khuất Nguyên đã truyền tải rằng điều quan trọng không phải là sự giàu sang phú quý, mà là sự thuần khiết của trái tim.
Hoa cúc không kiêu sa nổi bật mà chỉ bình dị khiêm nhường. Một tập sách về thảo mộc học viết vào thời nhà Minh là “Bản thảo cương mục” có ghi chép về nhiều loại hoa cúc khác nhau. Người ta tự hỏi: Làm thế nào mà một loại cây bình thường lại hàm chứa ý nghĩa văn hóa nhiều đến vậy?
Hoa cúc đặc biệt nổi bật vào thời nhà Tấn khi được Đào Tiềm coi như tri kỷ. Phần lớn thơ của ông mô tả những tháng ngày sống ẩn dật đơn sơ bình dị nơi thôn dã. Ông thường lấy cảm hứng từ vẻ đẹp và sự thanh bình của thiên nhiên, với hoa cúc là một nét điểm xuyết. Đào Tiềm viết trong bài thơ nổi tiếng “Ẩm tửu kỳ 5”:
“Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến Nam sơn”
(“Hái cúc dưới giậu đông
An nhiên ngắm núi Nam”)
Thơ của Đào Tiềm thường gợi lên trong người đọc niềm khao khát về sự giản dị của lối sống thôn quê, tránh xa cuộc sống phố phường nhộn nhịp. Do đó, hoa cúc cũng trở thành biểu tượng của sự ẩn dật và một cuộc sống không bó buộc trong những thứ vật chất tầm thường.
Trái tim chính trực
Đặc điểm trên của hoa cúc được khắc họa rõ hơn trong văn học, chẳng hạn như truyện “Ngu sơ tân chí” viết vào thời nhà Thanh. Tác phẩm kể về một học giả tên là Cao Sản, vốn bị giới trí thức cùng thời coi là lập dị vì không ham danh lợi, lại thường bất đồng với các học giả Nho giáo thịnh hành lúc bấy giờ. Cao Sản giữ một vẻ ngoài khiêm tốn nhưng lại được những người thân cận bên ông nhắc đến nhờ lòng tốt và sự chính trực. Ông luôn nhìn vào bên trong mình để cải thiện bản thân và thường âm thầm giúp đỡ người khác mà không cần báo đáp.
Cao Sản cảm thấy lạc lõng trước sự thay đổi của nhân tình thế thái và khao khát được tận hưởng sự tự do nơi thôn dã. Vì vậy, ông quyết định rời chốn đô thị náo nhiệt và cùng gia đình chuyển đến vùng núi. Trong nhiều năm, ông sống một cuộc sống đơn giản mà đầy đủ giữa thiên nhiên. Mọi chuyện tốt đẹp cho đến khi một trận lụt bất ngờ phá hủy ngôi nhà của ông. Một lần nữa, ông buộc phải nghĩ đến sự phù du của cuộc sống.
Sau một hồi cân nhắc, Cao Sản nhận ra rằng lối sống an yên, bình dị không nhất thiết là phải tránh xa hoàn toàn khỏi xã hội. Vì vậy, ông trở lại đô thị, tìm một mảnh đất trống ở trung tâm và xây ngôi nhà mới. Trong vườn, ông trồng 500 khóm hoa cúc. Khi mùa thu đến, khu vườn của ông nở rộ. Vẻ đẹp và hương thơm ngọt ngào của nó đã thu hút du khách từ khắp nơi trong vùng.
Cao Sản mở cửa khu vườn cho dân chúng với hy vọng được chia sẻ ốc đảo yên tĩnh của mình với mọi người. Tuy nhiên, ông chọn không xuất đầu lộ diện với khách. Khách vẫn không biết danh tính thực sự của vị chủ nhân bí ẩn, và gọi khu vườn bằng hai từ trên tấm biển gần cửa: “Hoa Ẩn”, nghĩa là “ẩn trong những bông hoa”. Câu chuyện này thể hiện tính cách xuất chúng của Cao Sản. Tình yêu của ông dành cho hoa cúc đã góp phần khiến loài hoa trở thành biểu tượng của sự chân chính cũng như tượng trưng cho sự ẩn dật và giản dị.
Kiều diễm và thanh khiết
Trong nghệ thuật, mai, lan, cúc, trúc được gọi là “Tứ quý”, hay “Tứ quý danh hoa”. Đây là chủ đề phổ biến trong tranh thủy mặc truyền thống. Các nghệ nhân bị thu hút không chỉ vì vẻ đẹp của chúng mà còn bởi chúng tượng trưng cho sự chính trực, thuần khiết và nhẫn nại. Trong suốt triều đại nhà Thanh, hoa cúc từng là “nàng thơ” của nhiều họa sĩ tài năng.
Một trong những nghệ nhân nổi tiếng nhất của triều đại nhà Thanh là Uẩn Thọ Bình. Ông được coi là một trong “Lục sư” của nhà Thanh, các tác phẩm của ông nổi tiếng với sự sống động và biểu cảm.
Uẩn Thọ Bình đã phổ biến lại kỹ thuật vẽ “mogu”, còn được gọi là “không nét phác thảo”. Đây là một kỹ năng rất khó thành thạo, vì thay vì đường phác thảo người họa sỹ sẽ vẽ trực tiếp bằng mực hoặc màu. Mặc dù đó là một thử thách, nhưng lại giúp tác phẩm trở nên đẹp lạ thường, vì kỹ thuật này nắm bắt được sự tinh hoa của một cảnh hoặc vật thể.
Một danh họa thời nhà Thanh khác là Trâu Nhất Quế, người kế tục phong cách Thọ Bình. Ông là nghệ nhân trong triều đình và được biết đến với sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, đặc biệt là trong những bức tranh hoa tuyệt đẹp. Trong cuốn sách “Tiểu sơn họa hổ”, ông giải thích các phương pháp và kỹ thuật cần thiết để cải thiện sự phối hợp của phong cảnh và hoa. Theo ông, một nghệ nhân giỏi không chỉ cần kỹ năng, mà phải thực sự hiểu và hòa hợp với chủ đề của mình. Điều này có nghĩa là người nghệ sỹ không chỉ đánh giá cao vẻ đẹp của những bông hoa, mà còn thực sự cảm nhận sự tinh hoa của thiên nhiên ở mức độ sâu sắc.
Một trong những bức tranh hoa cúc được ca ngợi nhất của Trâu Nhất Quế hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Loan. Bức tranh được vẽ bằng phương pháp mogu, mô tả những chùm hoa cúc rực rỡ nở rộ giữa những chiếc lá xanh tươi tốt. Nhờ tô vẽ từng cánh hoa với hiệu ứng chuyển màu mềm mại, Trâu Nhất Quế mang đến cho bức tranh một cảm giác ba chiều sống động, khiến người xem tràn ngập cảm giác yên bình và thoải mái.
Khi những chiếc lá thu bắt đầu chuyển màu và những cơn gió cũng trở nên lạnh buốt, hương thơm ngan ngát của hoa cúc sẽ một lần nữa tràn ngập không gian. Với hàng nghìn năm lịch sử văn hóa phong phú, hoa cúc không chỉ đơn thuần là một loài hoa xinh đẹp mà còn là một loài hoa kiên cường.
Mùa thu này, chúng ta hãy tìm một cuốn sách của các văn nhân xưa, pha cho mình một tách trà hoa cúc, ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn cảnh vật đang thay đổi và thưởng thức những vần thơ thanh tao…
Bài báo này được viết bởi Cora Wang và được dịch bởi Angela Feng sang tiếng Anh, được tái bản với sự cho phép của Tạp chí Elite.