Hồ sơ Twitter: Chiến dịch ‘chống thông tin giả’ do chính phủ tài trợ đã gắn cảnh báo người Mỹ là kẻ phát tán ngoại quốc
Theo phần mới nhất của “Hồ sơ Twitter” do ký giả độc lập Matt Taibbi công bố hôm thứ Năm (02/03), một tổ chức do chính phủ tài trợ đã khiến hàng ngàn người dùng Twitter thường xuyên của Mỹ bị gắn cờ cảnh báo và bị cấm vì lý do phát tán thông tin giả “ngoại quốc.”
Trung Tâm Cam Kết Toàn Cầu (Global Engagement Center, GEC), một đơn vị ít được biết đến hơn trong Bộ Ngoại giao, đã dẫn đầu Chiến dịch danh sách đen “chống thông tin giả” đầy sơ hở này. Được thành lập vào năm 2017 như một phần trong sự thay đổi của chính phủ ông Obama trong chiến lược an ninh quốc gia, GEC có nhiệm vụ làm việc với các cơ quan chính phủ như FBI, Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan An ninh Quốc gia, CIA, và Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng để “chống lại việc truyền đạt thông điệp và làm giảm sức ảnh hưởng của các tổ chức khủng bố quốc tế.”
Theo ông Taibbi, trong những năm qua, GEC đã tạo ra một “tổ hợp rộng lớn” gồm “các phòng thí nghiệm nghiên cứu thông tin giả” tại các trường đại học và tổ chức nghiên cứu nổi tiếng. Trong số các tổ chức do GEC tài trợ đó có Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Pháp y Kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương (DFRLab), cho biết vào năm 2021, họ nghi ngờ 40,000 tài khoản Twitter là “những nhân viên được trả lương hoặc có thể là những tình nguyện viên” của Đảng Bharatiya Janata (BJP), đảng cầm quyền hiện tại của Ấn Độ.
Trong một thư điện tử gửi tới Twitter hồi tháng 06/2021, ông Andy Garvin, một nhà phân tích và là thành viên cao cấp tại DFRLab, đã viết rằng, “Kèm theo đó, quý vị sẽ tìm thấy một bảng tính gồm khoảng 40,000 tài khoản twitter [kể trên], điều mà các nhà nghiên cứu của chúng tôi nghi ngờ đang tham gia vào hành vi không trung thực để ủng hộ BJP và chủ nghĩa dân tộc của đạo Hindu trên quy mô lớn hơn.”
Tuy nhiên, danh sách đó đầy những người dân thường Mỹ theo phái bảo tồn truyền thống. Nhiều người trong số họ dường như không có bất kỳ mối liên hệ nào với Ấn Độ hoặc BJP hay nghị trình tôn giáo – chủ nghĩa dân tộc mà họ quảng bá.
“Tôi không có mối liên hệ với bất kỳ người theo đạo Hindu nào … Mà chỉ là một thành viên Đảng Cộng Hòa của TT Reagan ở tại CT [Connecticut],” người dùng “Bobby Hailstone” nói với ông Taibbi.
“Một người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu ư? Tôi thậm chí chưa bao giờ ra khỏi đất nước này. Huống chi là tiểu bang NJ [New Jersey],” một người dùng khác, có tên tài khoản “Lady_DI816,” đã viết.
Trả lời thư điện tử của ông Garvin, giám đốc đương thời của bộ phận an toàn và liêm chính của Twitter Yoel Roth đã viết rằng ông đã “kiểm tra ngẫu nhiên một số tài khoản này” và thấy rằng hầu như tất cả đều là người thật. Ông Taibbi cho biết điều này có thể giải thích tại sao nhiều tài khoản trong “danh sách Ấn Độ” này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
GEC cũng cung cấp cho Twitter một bảng tính gồm 5,500 người dùng được cho là “tài khoản Trung Quốc” đã tham gia vào “việc thao túng phối hợp được nhà nước hậu thuẫn.” Danh sách này cũng gồm nhiều tài khoản dường như không liên quan đến Trung Quốc hoặc chế độ cộng sản Trung Quốc.
Theo ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện mà ông Taibbi đã chia sẻ, các giám đốc điều hành của Twitter đã rất thất vọng khi thấy trong “danh sách Trung Quốc” có các nhân viên CNN sống ở ngoại quốc.
“Không chỉ có bằng hữu thân thiết của ông Anderson, mà còn có gián điệp của CNN nếu quý vị muốn,” ông Patrick Conlon của Twitter đã nói đùa, khi đề cập đến người xướng ngôn viên CNN Anderson Cooper.
Ông Roth nhận xét: “Thực sự rất quan trọng để làm nổi bật điều này — đó đúng là một trò lừa bịp.”
Trong một ảnh chụp màn hình thư điện tử khác, GEC đã yêu cầu Twitter xem xét 499 tài khoản bị nghi ngờ phát tán thông tin giả của ngoại quốc, vì những lý do bao gồm việc sử dụng thẻ hashtag bắt đầu bằng #IraniansDebateWithBiden và giao tiếp trên Signal, một ứng dụng di động nhắn tin được mã hóa.
Theo báo cáo kiểm toán ngân sách công khai mới đây nhất của Bộ Ngoại giao, GEC đã nhận được khoảng 98.7 triệu USD vào năm 2018, trong đó có 78.7 triệu USD do Quốc hội dành riêng và 20 triệu USD được chuyển từ Ngũ Giác Đài. Báo cáo này cho thấy rằng GEC đã sử dụng số tiền này để tài trợ cho ít nhất 39 tổ chức khác nhau, nhưng chỉ có ba tổ chức trong số đó là chưa được kiểm chứng.
Hội đồng Đại Tây Dương đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố rằng GEC “không và chưa bao giờ cố gắng kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng truyền thông xã hội.”
“Nhiệm vụ của GEC là phối hợp với các cơ quan liên bang khác để chỉ thị, lãnh đạo, đồng bộ hóa và điều phối các nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm hiểu rõ các nguồn và xu hướng trong các nỗ lực của ngoại quốc nhằm truyền bá thông tin giả và tuyên truyền trên toàn cầu.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times