HKMA cùng PBoC chuẩn bị các biện pháp đối phó với lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ
Vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông sẽ kết thúc nếu bị loại khỏi SWIFT
Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) gần đây đã thừa nhận rằng họ đang hợp tác với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) về các biện pháp đối phó với các lệnh trừng phạt tiềm tàng của Hoa Kỳ, một rủi ro địa chính trị chung cho cả Hồng Kông lẫn Trung Quốc đại lục.
Tại cuộc họp hôm 03/05 ở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, các câu hỏi về rủi ro địa chính trị và rủi ro tài chính tổng thể mà Hồng Kông có thể phải đối mặt đã được đặt ra, bao gồm cả hậu quả của việc bị Hoa Kỳ trừng phạt, chẳng hạn như tài sản ở nước ngoài bị đóng băng hoặc bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu).
Ông Dư Vỹ Văn (Eddie Yue), chủ tịch HKMA, đã né tránh các câu hỏi về việc Hồng Kông thực sự sở hữu bao nhiêu tài sản ở ngoại quốc. Tuy nhiên, khi nói đến việc liệu họ có lên kế hoạch cho các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra hay không, ông nói, “các vấn đề về địa chính trị mà chúng ta đang đối mặt là rất phức tạp,” và thừa nhận đang xem xét các cách để đối phó với các lệnh trừng phạt khác nhau của Hoa Kỳ, “việc này chúng tôi đã và đang làm.”
Theo ông Dư, trước những rủi ro địa chính trị chung đang bị đe dọa, đã có sự liên lạc chặt chẽ giữa Ngân hàng Trung ương ở Bắc Kinh và HKMA về việc phát triển thị trường và kinh doanh đồng RMB, cũng như an ninh tài chính.
Do đó, HKMA đã lên kế hoạch dự phòng cho các tình huống khác nhau, bao gồm việc bị đóng băng tài sản hoặc Hồng Kông bị loại khỏi SWIFT, ông Dư cho biết.
SWIFT, nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin tài chính an toàn hàng đầu thế giới, tạo điều kiện cho người dùng trên toàn thế giới liên lạc và trao đổi các thông điệp tài chính được chuẩn hóa một cách an toàn thông qua các kênh đáng tin cậy. Các dịch vụ của SWIFT bao phủ hơn 11,000 ngân hàng, tổ chức chứng khoán, cơ sở hạ tầng thị trường, và người dùng doanh nghiệp, tại ít nhất 200 quốc gia và khu vực.
Các nhà lập pháp cũng bày tỏ lo ngại về tác động của việc Hoa Kỳ tăng lãi suất.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hôm 04/05 đã bắt đầu một chu kỳ tăng lãi suất, tác động này kết hợp với sự trì trệ của thị trường chứng khoán (tại Hồng Kông), đã làm mất giá đồng tiền của Hồng Kông. Vào ngày 10/05, HKMA, ngân hàng trung ương trên thực tế ở Hồng Kông, đã sử dụng dự trữ ngoại hối của mình để mua 1.586 tỷ HKD (khoảng 202 triệu USD) từ thị trường với nỗ lực hỗ trợ một biên độ chặt chẽ từ 7.85 HKD/1 USD dựa trên Hệ thống Tỷ giá Hối đoái Được Liên kết (LERS.)
Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ tiếp tục tăng lãi suất, dự trữ ngoại hối của Hồng Kông có thể chịu áp lực lớn hơn, có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.
Đồng thời, dòng vốn đang ồ ạt chảy ra khỏi Hồng Kông. Ông Lại Chí Văn (Lai Chi-man), nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu tài chính cho biết, Daiwa Capital Markets ước tính vào tháng Hai rằng Hồng Kông bị chảy ra mất ít nhất 100 tỷ USD (khoảng 780 tỷ HKD) vào cuối năm 2023.
Vai trò trụ cột kinh tế của Hồng Kông sẽ chấm dứt nếu Trung Quốc bị trừng phạt
Phản ứng của ông Dư là “chưa từng có,” ông Joseph Ngan, cựu Giám đốc Đài Truyền hình Hồng Kông, cho biết trong một bài báo hôm 09/05 trên Đài Á Châu Tự do.
Theo quan điểm của ông, phản ứng của HKMA, vốn luôn thận trọng với công chúng, đã khiến các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, và người dân lo ngại rằng nếu tài sản của Hồng Kông bị đóng băng hoặc Hồng Kông bị loại khỏi SWIFT, giá trị tài sản sẽ giảm đáng kể hoặc thậm chí “giảm đến không còn gì” và vị thế của một trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông sẽ “sụp đổ chỉ sau một đêm.”
Hoa Kỳ đã trừng phạt một số quan chức Hồng Kông và Trung Quốc sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được thực thi vào năm 2020. Bắc Kinh đã trả đũa bằng một đạo luật chống trừng phạt của ngoại quốc.
Trong khi diễn ra các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019, vốn gây chú ý về môi trường chính trị đang xấu đi ở Hồng Kông, các nhà chức trách bắt đầu nhận ra rằng cần có một giải pháp chuẩn bị để giải quyết trường hợp bị loại ra khỏi SWIFT. Ông Ngan nói, bây giờ, đã đến lúc phải tranh luận một lần nữa về khả năng [giá trị] của đồng HKD bị tách rời khỏi đồng USD, hoặc là Hồng Kông bị loại khỏi SWIFT.
Hôm 08/05, ông Lôi Đỉnh Minh (Francis Lui), nguyên Trưởng Khoa Kinh tế của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho biết trên Chương trình Radio Thương mại rằng, hệ thống LERS cố định tỷ giá với USD hiện tại không còn khả thi với Hồng Kông khi nền kinh tế của khu vực này ngày càng xích lại gần hơn ới Trung Quốc đại lục.
Do dự trữ ngoại hối của Hồng Kông chủ yếu được tạo thành từ tài sản bằng đồng dollar Mỹ, ông Lôi cho biết thêm rằng nếu Hoa Kỳ loại Hồng Kông ra khỏi hệ thống SWIFT, hoặc nếu Hoa Kỳ cấm việc chuyển đổi từ đồng HKD sang đồng USD, thì Hồng Kông sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Hôm 12/05, ông Luyện Ất Tranh (Joseph Lian), học giả nổi tiếng và nhà bình luận các vấn đề thời sự cao cấp, nói với The Epoch Times rằng những nhận xét như của ông Lôi — người có mối quan hệ rất tốt với ông Dịch Cương (Yi Gang), thống đốc Ngân hàng Trung ương — có khả năng là một phần thông tin nội bộ bị rò rỉ ra ngoài với tư cách là một nhà bình luận.
Trước đó, hôm 16/04, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) cho biết trong bài diễn văn tại Diễn đàn Tài chính Toàn cầu Thanh Hoa Ngũ Đạo Khẩu 2022 rằng SWIFT không phải là không thể thay thế, nhưng việc thay thế SWIFT đòi hỏi nhiều thứ phải giải quyết và có thể ảnh hưởng đến thương mại trước và trong giai đoạn chuyển đổi.
Hôm 04/05 tờ Guardian cho biết, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ thực hiện các cuộc kiểm tra khả năng chịu rủi ro để nghiên cứu tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc trong trường hợp bị trừng phạt, tương tự như áp đặt lên Nga.
Hồng Kông và SWIFT
Ông Ngô Minh Đức (Victor Ng), một chuyên gia ngân hàng cấp cao và nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Hồng Kông, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 11/05 rằng nếu Trung Quốc và Hồng Kông bị loại khỏi SWIFT do bị trừng phạt như Nga, thì Hồng Kông sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. “Ví dụ: nếu được tính theo giá của một sản phẩm, một món hàng trị giá 100 HKD ở Hồng Kông có thể chỉ còn trị giá 10 HKD qua một đêm.”
Ông Ngô nói, “Và ĐCSTQ cũng như cả bốn ngân hàng quốc doanh Trung Quốc sẽ không có cách gì để thực hiện các giao thương với quốc tế.”
Theo ông Ngô, Hồng Kông sử dụng thanh toán bằng đồng dollar Mỹ. Vì vậy, nếu hệ thống SWIFT ngừng hoạt động, Hồng Kông sẽ không còn chỗ để sử dụng tiền và các hóa đơn sẽ trở thành giấy vụn. Tương tự như vậy, số tiền đã được chuyển ra ngoại quốc sẽ không được phép gửi trở lại Hồng Kông.
“Nói cách khác, nếu [tài sản] bị đóng băng ở bên ngoài, Trung Quốc và Hồng Kông sẽ biến thành đống đổ nát trong một sớm một chiều.”
Ông Tống Duy Tuấn (Albert Song), một nhà nghiên cứu chính trị và kinh tế, cũng có chung quan điểm và nói thêm rằng nhiều kho dự trữ ngoại hối của Hồng Kông ở Âu Châu và Hoa Kỳ có thể là những tài sản đầu tiên bị trừng phạt một khi xảy ra xung đột [cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào Đài Loan].”
Việc Hồng Kông có thể bỏ qua SWIFT hay không phụ thuộc vào các biện pháp và phạm vi trừng phạt. Ông Tống nói với The Epoch Times, về mặt lý thuyết, thì có thể bỏ qua, nhưng nếu điều đó xảy ra, các giao dịch tài chính thông thường của Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và vị thế của thành phố này như một trung tâm tài chính quốc tế sẽ mất.
Cô Kathleen Li đã viết bài cho The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và kỹ thuật kết cấu tại Úc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: