Hiểu về cánh tả từ phía cánh hữu
Thật đáng kinh ngạc là sự phân cực chính trị tả-hữu cũ ra sao không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta với tư cách là những động vật chính trị (để so sánh với định nghĩa nổi tiếng của Aristotle) mà còn đến cả suy nghĩ của chúng ta về những câu hỏi xã hội và đạo đức.
Quý vị thường có thể phát hiện niềm tin của một người từ một cái nhãn dán ở sau xe hơi. Một niềm tin thức thời ưa thích thường đi cùng với một loạt các giáo điều khác mà đôi khi không liên quan nhưng có thể dự đoán được.
Ví dụ, những người cánh tả thường có khuynh hướng nghĩ rằng biến đổi khí hậu là một “mối đe dọa hiện hữu”, rằng việc tước đi sinh mạng của trẻ sơ sinh trước khi chúng được sinh ra một cách tự nhiên là ỔN và thậm chí là có trách nhiệm về mặt xã hội, rằng những ràng buộc theo tập quán như hôn nhân đã lỗi thời, giới tính là dễ thay đổi, rằng động vật phải có các quyền tương xứng với các quyền của chúng ta (đặc biệt nếu chúng là cá voi hoặc gấu túi), và rằng các ý kiến bị coi là sai phải bị hủy bỏ và chặn họng.
Đối với những người ở cánh hữu, họ tin vào điều gì? Thật kỳ lạ, nhưng niềm tin của họ thường giống nhau đáng kể. Chắc chắn, họ có những anh hùng và những kẻ hung ác khác nhau nhưng ít nhất thì nhiều người ở cánh hữu “mới” chia sẻ một số quan điểm quan trọng với cánh tả.
Cả hai nhóm này dường như không có niềm tin mạnh mẽ vào điều từng được gọi là sự tôn nghiêm của hôn nhân. Phá thai chưa bao giờ là mối bận tâm lớn đối với cánh tả hay cánh hữu thế tục. Tất cả họ đều đa cảm về động vật—quý vị có thể nhận thấy nhiều người ăn chay ở cả hai phe của sự phân chia chính trị-xã hội này. Quý vị sẽ phải thực sự ngây thơ khi tưởng tượng rằng các chế độ độc tài và chính trị đầu sỏ là đặc tính riêng của một trong hai phe. Và nếu như quý vị nghĩ rằng cánh hữu quan tâm hơn đến quyền tự do ngôn luận mà quý vị đang mơ ước: họ có thể không đồng ý về những gì cấu thành [tội] thông tin sai lệch, nhưng họ [cũng] sẽ chặn thông tin này nếu có thể.
Ông Arthur Calwell quá cố, cựu lãnh đạo Đảng Lao động Úc (ALP), từng xúc phạm một nhà ngoại giao Hoa Kỳ khi nói rằng cử tri Hoa Kỳ phải lựa chọn giữa hai chiếc chai (Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa) có cùng nội dung nhưng khác nhãn.
Giờ đây ở Úc không khác lắm khi Đảng Tự Do nghiêng về phía cánh tả thức thời, còn Đảng Lao Động quảng cáo bản thân như là đang rời xa chủ nghĩa xã hội.
Đã có lúc hố sâu ngăn cách [hai bên tả hữu] là rộng. Cánh tả là xu hướng tự nhiên của người nghèo và người lao động; cánh hữu là nơi bảo vệ những người giàu có hơn với lợi ích kinh doanh. Đó đã không phải là một sự khác biệt rõ ràng và nhanh chóng (Hitler là một anh hùng đối với nhiều người Đức thuộc tầng lớp lao động) nhưng đã có một số sự thật trong đó.
Trong những thập niên gần đây, hố sâu ngăn cách đó đã thu hẹp đến mức biến mất, ít nhất là ở phương Tây thịnh vượng.
Ông Anthony Albanese, Lãnh đạo Đảng Lao Động Úc, gần đây đã tuyên bố rằng ông là một “cậu bé của tầng lớp lao động, ở trong căn nhà trong hội đồng quản trị công ty hay trong quán rượu đều như nhau.” Những người thuộc Đảng Lao Động ngày xưa như [cố Thủ tướng] Ben Chifley sẽ rất tức giận! Các nhà lãnh đạo Đảng Lao Động như giám đốc công ty, nhà đầu tư, chủ đất, chủ lao động thì sao? Điều gần như không thể tưởng tượng nổi nếu ở cách đây vài thế hệ, giờ đây đã trở nên phổ biến. Ngược lại, có những người đàn ông và phụ nữ cánh hữu có thể [có nhiều] hơn là nắm giữ thứ của riêng họ trong những nguyên tắc mang dấu hiệu đức hạnh.
Hôm nay, sự hết lòng tận tụy cho một động cơ cao cả có thể là động lực kém hiệu quả hơn so với sự thôi thúc quý vị phải xa rời điều gì đó khiến quý vị xấu hổ.
Những người bên cánh tả dường như không còn tiếp tục quan tâm đến việc quốc hữu hóa các ngành công nghiệp, trên thực tế, họ có thể đầu tư vào công nghiệp, tài sản và cổ phiếu như bất kỳ ai khác, nhưng họ lại phản ứng rất tồi tệ nếu có ai gọi họ là nhà tư bản!
Những người bên cánh tả cũng muốn theo thời thế, và né tránh bất cứ ám thị nào rằng họ chỉ là những nhà bảo thủ xã hội lỗi thời. Họ có thể không bị lung lay bởi những tuyên bố của các nhà cảnh báo khí hậu, nhưng phải cẩn thận để trông sạch sẽ và xanh, và tránh bị nhận dạng với cái gọi là “người phủ nhận.”
Do đó, thức thời là mục tiêu cơ bản của cả cánh tả và cánh hữu; cả hai đều ganh đua cho những tuyên bố như là nền tảng đạo đức cao.
Đây là tin xấu đối với những người bảo tồn truyền thống chân chính, những người có những nguyên tắc định hướng và trọng tâm không phải là tả mà cũng không phải là hữu về mặt chính trị. Những người như vậy có các quan điểm về một số vấn đề có đặc điểm chung như cánh tả, và một số vấn đề thường gắn với cánh hữu.
Chẳng hạn, những người tự gọi mình là “Chủ nghĩa xã hội Cơ đốc” có thể không phải lúc nào cũng sống đúng với danh xưng của họ, nhưng bản chất đức tin của họ là đức tin tôn giáo (thường được viết tắt là cam kết đối với “quyền tín ngưỡng”) đồng thời phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản và sự lạm dụng tài sản tư nhân. Họ có nhiều khả năng suy nghĩ độc lập và đưa ra quyết định không theo xu hướng mà dựa trên các tiêu chí đạo đức, tôn giáo, hoặc khoa học. Do đó, họ phải đối mặt với sự thù địch cao độ từ cả cánh tả và cánh hữu: đối với nhiều người ngày nay, “bảo tồn truyền thống” đã trở thành một từ bẩn thỉu.
Nhà triết học người Anh G. K. Chesterton ví von một cách ngắn gọn xã hội như một cái cột mốc trắng trong lòng đất. Nó không trắng mãi mãi. Nó tối màu theo thời gian, cuối cùng mục nát và suy yếu.
Nhưng những người bảo tồn truyền thống chân chính không chỉ để điều đó xảy ra: sự can thiệp là cần thiết và họ cố gắng giữ cho cột mốc này ở tình trạng tốt nhất. Họ cạo bỏ lớp sơn đã bong tróc và phai màu, và khoét ra những chỗ hư hoại. Đôi khi họ có thể phải thay đổi nhãn hiệu sơn. Sự thận trọng vĩnh viễn là cần thiết.
Tương tự, chủ nghĩa bảo tồn truyền thống là một tiến trình tích cực chứ không chỉ là sự thờ ơ cứng đầu và khao khát “những ngày xưa tốt đẹp”. Chủ nghĩa này cũng mang tính phân tích, phân biệt những thứ tốt về bản chất với các chiến lược duy trì đặc biệt cụ thể để giữ chúng ở tình trạng tốt.
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng nói rằng ông ủng hộ hôn nhân đồng giới không phải vì [ông] là người bảo tồn truyền thống, mà bởi vì để bảo tồn truyền thống. Không phải ai cũng chấp nhận nhận định của ông về vấn đề đó, nhưng quý vị có thể tôn trọng quan điểm của ông vì nó cho thấy sự sẵn sàng phân biệt bức tranh thực sự lớn với những thứ lặt vặt ở ngoại vi: không phải mọi thứ đều cần đánh đổi bất cứ giá nào.
Xã hội (theo cách nói của ông Edmund Burke) là “sự cộng tác… giữa những người đang sống, những người đã chết, và những người sắp sinh ra.”
Những người bảo tồn truyền thống cảm nhận sâu sắc điều này và tin rằng họ có nghĩa vụ đối với các thế hệ trong quá khứ và tương lai.
Kẻ thù của chủ nghĩa bảo tồn truyền thống là những người, thường bị thúc đẩy bởi sự căm phẫn sâu sắc đối với các giá trị truyền thống, thích nhổ bỏ các phong tục đã được thiết lập và thay thế chúng bằng một thứ gì đó — bất cứ thứ gì — được coi là tốt hơn. Và những kẻ thù nghịch này của xã hội được tìm thấy ở cả hai cánh tả hữu trong chính trị.
Theo suy nghĩ của tôi, nguy hiểm nhất là những người mà chủ nghĩa duy vật phóng túng và sự thèm khát tiền bạc và của cải của họ đã gần như dập tắt lương tâm về mặt xã hội của họ, nhưng lại để lại đằng sau một sự khuấy động tội lỗi được an ủi phần nào bởi sự sùng kính các tôn giáo giả tạo thức thời về tính đúng đắn chính trị.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông David Daintree là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Christopher Dawson ở Tasmania, Australia. Ông được đào tạo về trường phái Cổ điển và giảng dạy tiếng Latinh Hậu và Trung cổ. Ông Daintree là giáo sư thỉnh giảng tại các trường đại học Siena và Venice, đồng thời là học giả thỉnh giảng tại Đại học Manitoba. Ông từng là Chủ tịch của Cao đẳng Campion từ năm 2008 đến năm 2012. Năm 2017, ông được vinh danh là Thành viên của Order of Australia trong Danh sách Vinh danh Sinh nhật của Nữ hoàng.