Hiện tượng thiên văn 2 trong 1: Nguyệt thực toàn phần kết hợp với siêu trăng
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần đầu tiên trong hơn hai năm sẽ diễn ra cùng lúc với siêu trăng trong tuần này, tạo ra một màn trình diễn vũ trụ đặc sắc.
Hiện tượng siêu trăng “máu” này sẽ xuất hiện vào thứ Tư (26/05) trên khắp Thái Bình Dương—là nơi tốt nhất có thể chiêm ngưỡng—cũng như ở nửa phía tây của Bắc Mỹ, phía đáy của Nam Mỹ và phía đông Á Châu.
Hãy chớp lấy cơ hội để chiêm ngưỡng: Hiện tượng nguyệt thực toàn phần này sẽ chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút khi Trái đất tiến vào vị trí thẳng hàng giữa mặt trăng và mặt trời. Nhưng toàn bộ màn trình diễn này sẽ kéo dài trong [tổng cộng] năm giờ, khi bóng của Trái đất dần dần bao phủ mặt trăng, sau đó bắt đầu rút đi. Màu đỏ-cam là kết quả của việc tất cả các cảnh bình minh và hoàng hôn trong bầu khí quyển Trái đất được phản chiếu lên bề mặt của mặt trăng khi bị [Trái đất] che khuất.
Ông Noah Petro, nhà khoa học dự án cho Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng (Lunar Reconnaissance Orbiter) của NASA cho biết, “Hawaii có tầm nhìn tốt nhất và tiếp ngay đó sẽ là California và Tây Bắc Thái Bình Dương. New Zealand và Úc cũng sẽ có tầm nhìn tuyệt vời.”
Bay vòng quanh mặt trăng đã được 12 năm, tàu quỹ đạo này sẽ đo đạc những thay đổi về nhiệt độ trên bề mặt mặt trăng trong khoảng thời gian [diễn ra] nguyệt thực. Các kính thiên văn trên đỉnh Mauna Kea của Hawaii cũng sẽ dõi theo mặt trăng, ông Petro nói.
Mặt trăng sẽ lặn và mặt trời sẽ mọc dọc theo Bờ Đông Hoa Kỳ, khiến những người đam mê quan sát bầu trời—bao gồm cả ông Petro ở Virginia—không gặp may. Âu Châu, Phi Châu và Tây Á sẽ bỏ lỡ mọi thứ. Sẽ có các buổi phát sóng trực tiếp [ghi lại sự kiện này].
Tuy nhiên, mọi người ở khắp nơi vẫn có thể đắm mình trong ánh trăng sáng hơn bình thường, nếu thời tiết cho phép.
Mặt trăng sẽ cách [chúng ta] hơn 220,000 dặm (hơn 355 nghìn km) tại thời điểm mà trăng tròn nhất. Chính khoảng cách gần này, kết hợp với trăng tròn, đủ để nó được coi là siêu trăng, khiến nó trông có vẻ lớn hơn và sáng hơn một chút trên bầu trời.
Ngược lại, siêu trăng hồi tháng trước ở khoảng cách xa hơn 96 dặm (hơn 154 km).
Không giống như nhật thực, không có hại gì khi quan sát một mặt trăng bị che khuất.
Có nhiều hiện tượng thiên văn liên quan đến mặt trăng nữa sắp diễn ra.
“Đối với những ai cảm thấy như chúng ta đang bỏ lỡ [dịp này], hãy đặt lịch của quý vị cho ngày 19 tháng 11 năm nay,” ông Petro nói. Đây sẽ là hiện tượng nguyệt thực gần như toàn phần, trong đó mặt trăng mờ đi nhưng không chuyển sang màu đỏ.
Lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ là vào tháng Năm năm 2022. Lần gần đây nhất là vào tháng Một năm 2019.
Ban Sức khỏe và Khoa học của Associated Press (AP) nhận sự hỗ trợ từ Khoa Giáo dục Khoa học của Viện Y khoa Howard Hughes. AP hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả nội dung.
Do Marcia Dunn của AP thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Xem thêm: