Hiện tượng kỳ lạ của vaccine Sinovac: Các quốc gia báo cáo số ca nhiễm gia tăng sau khi chích ngừa
Chính quyền Hồng Kông gần đây đã khai triển một kế hoạch chích vaccine ngừa virus Trung Cộng (COVID-19) trên quy mô lớn nhưng họ đã rơi vào một tình huống khó khăn do sự xuất hiện thường xuyên của các báo cáo về những phản ứng có hại nghiêm trọng. Chỉ trong vòng một tháng, đã có 13 người tử vong sau khi được chích ngừa tại Hồng Kông, 11 người trong số họ đã được chích vaccine Sinovac, một loại vaccine nội địa của Trung Quốc.
Trung Cộng chưa báo cáo trường hợp nào về tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc tử vong sau khi họ thông báo vào hôm 28/03 rằng đã có 100 triệu liều vaccine Sinovac tại Trung Quốc được chích ngừa.
Tuy nhiên, có 4 hiện tượng lạ của vaccine Sinovac của Trung Quốc, được phân tích như sau.
Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo tại Trung Quốc
Trường hợp tử vong đầu tiên được báo cáo sau khi chích vaccine ở Hồng Kông xảy ra hôm 28/02. Đến 28/03, tức là chỉ trong vòng một tháng ngắn ngủi, 13 người ở Hồng Kông, từ 55 đến 80 tuổi, đã tử vong sau khi được chích loại vaccine này. Mười một người trong số họ đã được chích Sinovac, trong khi hai người còn lại được chích vaccine của BioNTech.
Ngoài ra, một phụ nữ ngoài tám mươi đã tử vong tại nhà một ngày sau khi chích Sinovac hôm 20/03, nhưng Bộ Y tế Hồng Kông không báo cáo cũng như không công khai sự việc. Rạng sáng hôm 31/03, Bộ Y tế đã phản hồi rằng “không có mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa cái chết của bà ấy và việc chích ngừa, do đó không đáp ứng các tiêu chí báo cáo của AEFIs (Các sự cố bất lợi sau chích ngừa).”
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, Yuen Hoi Man, phó phát ngôn viên phụ trách chính sách y tế của Đảng Dân chủ Hồng Kông, đã chỉ trích chính quyền vì đã tước quyền được biết của công chúng bằng cách không công bố thông tin này, làm ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào các vaccine. Ông nói rằng ngay cả khi không có mối liên hệ trực tiếp, chính phủ nên trung thực khi không thể loại trừ mối liên hệ gián tiếp.
Tiến sĩ Cheung Wai Lit, một bác sĩ Trung Y, trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, cũng nói ông nghi ngờ rằng có những trường hợp tử vong khác sau khi chích loại vaccine Trung Quốc này, nhưng không có cách nào để người ngoài xác nhận điều đó.
Hôm 30/03, trước thông tin tử vong của 13 người ở Hồng Kông sau khi chích vaccine này, các nhà chức trách đã trả lời rằng, dữ liệu hiện tại cho thấy hầu hết các trường hợp tử vong này là do bệnh lý tim mạch và không có trường hợp nào liên hệ trực tiếp đến việc chích ngừa.
Tuy nhiên, Law Cheuk You, nhân viên kiêm phó chủ tịch Cơ quan Quản lý Bệnh viện Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, rằng “Nói chung, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra một số tác dụng phụ gián tiếp. Trên thực tế, nhiều loại thuốc có [tác dụng phụ].”
Ông Law cho biết, tại các quốc gia khác, đã có những trường hợp tử vong sau khi chích vaccine COVID-19, nhưng kể cả những trường hợp có thể không có mối liên hệ trực tiếp thì các cơ quan chức năng vẫn công bố dữ liệu. Từ dữ liệu này mà người ta có sự lựa chọn các phương pháp ứng phó phù hợp.
Hôm 30/03, Đức thông báo rằng tính đến ngày 29/03, hơn 2.7 triệu người đã được chích vaccine AstraZeneca và 31 người xuất hiện cục máu đông, với 9 trường hợp tử vong. Do đó, chính phủ Đức đã quyết định đình chỉ việc chích ngừa vaccine này cho những người dưới 60 tuổi.
Ngày 29/03, Canada cũng thông báo tạm ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca cho người dưới 55 tuổi sau các báo cáo về trường hợp đông máu hiếm gặp, mặc dù hiện tại trong nước chưa có trường hợp nào liên quan.
Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông, mặc dù gần đây đã đình chỉ vaccine BioNTech do lỗi đóng gói, nhưng vẫn chưa ngừng sử dụng vaccine Sinovac, sau 11 trường hợp tử vong trên tổng số khoảng 450,000 người được chích ngừa trong tháng này. Điều này đã dấy lên mối lo ngại trong dân chúng.
Ông Law nói rằng không có đủ dữ liệu thống kê về việc sử dụng vaccine Sinovac cho những người trên 60 tuổi và dữ liệu lâm sàng giai đoạn III của nó chưa được công bố trên các tạp chí y tế được bình duyệt. Mặc dù vậy, chính quyền Hồng Kông vẫn yêu cầu người cao tuổi chích loại vaccine này. Ông kêu gọi công chúng chỉ chích loại vaccine đã có đủ dữ liệu lâm sàng.
Ông Yuen Hoi Man cũng đề nghị tạm dừng sử dụng vaccine Sinovac cho những người trên 60 tuổi và những người mắc bệnh mãn tính.
Điều đáng chú ý là Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Cộng đã thông báo vào hôm 28/03 rằng hơn 100 triệu liều vaccine nội địa của nước này đã được sử dụng tại Trung Quốc, nhưng họ không báo cáo bất kỳ trường hợp tử vong hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, cùng lúc đó bất kỳ bình luận nào về tác dụng phụ của vaccine này đã nhanh chóng bị xóa khỏi mạng internet của Trung Quốc.
Dịch bùng phát tại các quốc gia sử dụng vaccine Sinovac
Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên bắt đầu chích ngừa COVID-19, phê duyệt việc sử dụng vaccine BioNTech vào tháng 12/2020 trước khi giới thiệu vaccine AstraZeneca vào tháng Một năm nay. Đợt bùng phát dịch bệnh của họ giảm dần sau ngày 09/01. Vương quốc Anh ghi nhận 4,715 ca nhiễm bệnh hôm 27/03, giảm đáng kể so với 6,187 ca nhiễm một ngày trước đó. Tại Hoa Kỳ và Israel, nơi vaccine BioNTech cũng được chọn làm vaccine chính, dịch bệnh cũng suy giảm đáng kể sau khi chích vaccine.
Tuy nhiên, số ca nhiễm được xác nhận ở Chile, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, những nước đã chọn chích vaccine Sinovac của Trung Quốc, đã tăng lên.
Chile đã chích gần 9 triệu liều vaccine Sinovac vào tháng Hai, với tỷ lệ trung bình 47 liều trên 100 người, khiến nước này trở thành quốc gia có tỷ lệ chích ngừa cao nhất tại Nam Mỹ. Tuy nhiên, số lượng kết quả xét nghiệm dương tính được ghi nhận tại Chile đã tăng lên thay vì giảm xuống, và mức cao mới là 7,626 ca nhiễm được ghi nhận chỉ trong một ngày hôm 26/03, dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp giường bệnh và thủ đô Santiago bị phong tỏa gần đây.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chích vaccine Sinovac vào giữa tháng Một và ít nhất tám triệu người đã được chích vaccine này, chiếm hơn 10% dân số. Nhưng vào cuối tháng Hai, số trường hợp nhiễm COVID-19 của họ cũng tăng trở lại với 37,303 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 30/3, con số cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào ngày 11/03/2020. Hôm 02/04 TT Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng sẽ có lệnh giới nghiêm trong các ngày cuối tuần trong suốt tháng Ramadan.
Ngoài ra, Pakistan, nước đã sử dụng vaccine của Trung Quốc từ đầu tháng Hai, hiện đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ ba, với tỷ lệ dương tính trên toàn quốc tăng lên 11%, mức cao nhất kể từ khi bùng phát. Hơn 20 thành phố đã bị “đóng cửa” do mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này.
Hôm 29/03, TT Pakistan Arif Alvi xác nhận rằng ông đã có kết quả dương tính sau khi chích liều đầu tiên vaccine do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc sản xuất hôm 15/03. Trước đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng đã có kết quả dương tính với virus hôm 18/03, hai ngày sau khi được chích liều vaccine đầu tiên cũng do công ty Trung Quốc trên sản xuất.
Ông Lin Xiaoxu, một cựu nhà nghiên cứu virus học tại Viện nghiên cứu quân đội Walter Reed, nói rằng Trung Cộng đã tuyên bố vào tháng Hai rằng 20 triệu người ở Trung Quốc đại lục đã được chích vaccine, nhưng chưa đưa ra bất kỳ phân tích thực tế nào về tỷ lệ hiệu quả.
Ông Lin nói: “Đối với các quốc gia chích vaccine do Sinovac Biotech Trung Quốc hoặc National Pharmaceutical Group Corp sản xuất, trước tiên họ nên yêu cầu Trung Quốc cung cấp dữ liệu về mức độ bảo vệ mà người Trung Quốc nhận được sau khi chích loại vaccine này.
Tỷ lệ phản ứng có hại tương tự như giả dược
Hiện tại, vaccine Sinovac mới chỉ công bố dữ liệu nghiên cứu lâm sàng giai đoạn I và giai đoạn II, và dữ liệu liên quan cho thấy tỷ lệ phản ứng có hại chỉ khoảng 20%, một con số thấp hơn so với các loại vaccine khác. Tiến sĩ Đồng Vũ Hồng, một nhà virus học Châu Âu và là giám đốc khoa học của một công ty Công nghệ sinh học Thụy Sĩ, nói rằng, từ quan điểm học thuật, có hai điểm đáng nghi vấn về dữ liệu Sinovac.
Đầu tiên, trong các loại vaccine COVID-19 khác, tỷ lệ tác dụng phụ ở nhóm chích ngừa thường cao hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược. Nhưng tỷ lệ tác dụng phụ sau chích ngừa của Sinovac cũng tương tự như khi chích giả dược. Một số tác dụng phụ ở nhóm chích ngừa thậm chí còn thấp hơn so với nhóm dùng giả dược.
Thứ hai, nói chung, càng chích nhiều liều thì càng xuất hiện nhiều tác dụng phụ. Hiện tượng này có thể thấy trong các nghiên cứu lâm sàng về các loại vaccine khác và được gọi là “tương quan liều lượng.” Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu vaccine Sinovac, có vẻ như các tác dụng phụ ở một số nhóm dùng liều thấp cao hơn so với các nhóm dùng liều cao hơn.
Tiến sĩ Đồng cho biết, các nhà khoa học đang trông chờ dữ liệu lâm sàng giai đoạn III của Sinovac, nhưng rất tiếc, họ vẫn chưa thấy nó được công bố, và số lượng đối tượng tham gia nghiên cứu lâm sàng giai đoạn I-II của loại vaccine này tương đối ít nên rất khó để đánh giá các tác dụng phụ của vaccine Sinovac.
Mặc dù Trung Cộng đã công bố dữ liệu về tác dụng phụ của vaccine Sinovac trong các thử nghiệm lâm sàng tương tự như đối với nhóm giả dược nhưng hôm 06/01, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Cộng đã báo cáo rằng phụ nữ mang thai và cho con bú không được phép chích vaccine sản xuất trong nước, thậm chí còn khuyến cáo phụ nữ hoãn mang thai ba tháng sau khi chích ngừa.
Một người dân ở Trung Quốc đại lục cũng nhận được thông báo từ cộng đồng địa phương của mình, nói rằng việc mang thai nên được hoãn lại đến sáu tháng sau khi chích vaccine, ngụ ý rằng vaccine Trung Quốc có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng đối với khả năng sinh sản.
Tiến sĩ Cheung Wai Lit nói rằng trong quá trình khai triển chích ngừa trên quy mô lớn tại Trung Quốc, Trung Cộng liên tục ban hành các hướng dẫn và nguyên tắc mới.
Tiến sĩ Cheung nói, “Những người được chích vaccine hiện giống như dò đá qua sông, sử dụng cơ thể của chính mình để thử thuốc.”
Chính trị hóa việc chích ngừa
Dữ liệu thiếu minh bạch của vaccine Trung Quốc khiến mọi người lo ngại về tính an toàn của các vaccine này. Đã có báo cáo về việc tỷ lệ chấp nhận vaccine ở mức độ thấp tại Thượng Hải và các thành phố cấp một khác. Tính đến ngày 27/03, tỷ lệ chích ngừa ở Trung Quốc chỉ là 7%.
Gần đây, The Epoch Times có được một tài liệu cho thấy, để tăng tốc độ chích ngừa, Trung Cộng đã chính trị hóa vaccine và buộc mọi người phải chích ngừa.
Tài liệu nội bộ này đến từ một doanh nghiệp tư nhân lớn, Tập đoàn Công nghiệp Sokon Trùng Khánh, có tiêu đề là “Thông báo về việc Tăng cường Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh.” Thông báo này nói rằng, “Tất cả các đơn vị phải đứng trên quan điểm chính trị mà xem xét vấn đề, hãy tuân thủ nguyên tắc là ‘tất cả mọi người đều phải thực hiện nó’ … một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Tập đoàn sẽ truy đuổi bất kỳ đơn vị và cá nhân nào không chịu thúc đẩy công tác chích ngừa COVID-19.
Ngoài các doanh nghiệp lớn, phạm vi bắt buộc chích ngừa bằng vaccine do Trung Quốc sản xuất đã bắt đầu được mở rộng. Ông Liu, một người bán rau quả tại chợ Honggang, thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam nói với The Epoch Times rằng hiện nay muốn đi vào chợ phải có giấy tờ chứng minh là đã được chích ngừa. “Toàn bộ Tam Á bây giờ phải chích ngừa, nó là bắt buộc.”
Ông Wu, một luật sư nhân quyền của Trung Quốc đại lục, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên The Epoch Times đã trích dẫn các vấn đề về vaccine trước đây tại Trung Quốc và nói: “Độ an toàn, chất lượng và hiệu quả của [vaccine Trung Quốc] rất thấp. Trong quá khứ, đã có những đứa trẻ bị tàn tật và chậm phát triển trí tuệ sau khi chích ngừa. [Để phát triển các vaccine này] trong thời gian ngắn như vậy, dù họ biết chất lượng không tốt, nhưng vẫn buộc hơn một tỷ người Trung Quốc phải chấp nhận. Điều đó thật quá đáng sợ. Thực sự là coi cuộc sống của mọi người như một trò đùa.”
Trước đó, cựu Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Peru, Ernesto Bustamante, cho biết trong một chương trình truyền hình địa phương rằng vaccine chủng Vũ Hán của Sinopharm chỉ có hiệu quả là 33%, trong khi vaccine chủng Bắc Kinh có hiệu quả là 11.5%. Sinovac cũng được báo cáo là chỉ có hiệu quả 50.4% theo dữ liệu của Brazil. Sự bùng phát thường xuyên của vaccine bị lỗi và vaccine giả ở Trung Quốc trong những năm qua thậm chí còn phổ biến hơn và gây sốc hơn.
Năm 2018, Công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh (Changsheng Biotechnology) đã bán hơn 250,000 liều vaccine DTap không đạt tiêu chuẩn (vaccine phối hợp cho trẻ em chống lại bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván). Năm 2013, có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do chích vaccine viêm gan B tại miền nam Trung Quốc. Năm 2007, sự cố vaccine tại Sơn Tây đã khiến gần 100 trẻ em bị tàn tật nghiêm trọng hoặc thiệt mạng. Năm 2005, một sự cố vaccine viêm gan A bất thường ở An Huy khiến 1 người tử vong và gây ra 215 phản ứng phụ.
Do Eva Zhao thực hiện
Thu Anh biên dịch
Xem thêm: