Thực phẩm siêu chế biến đang hủy hoại sức khỏe trẻ em ra sao?

Ăn uống lành mạnh là bí quyết để trẻ khỏe mạnh, dù việc dán nhãn thực phẩm và thuốc giảm cân có thể giúp ích. 

Thực phẩm siêu chế biến đã chiếm tỷ trọng lớn trong thực đơn ăn uống của trẻ nhỏ, và không ngạc nhiên khi sức khoẻ phải trả giá cho điều này.

Một nghiên cứu đăng trên tập san JAMA vào tháng năm tiết lộ trẻ ăn nhiều đồ siêu chế biến có chỉ số khối (BMI), vòng eo, chỉ số mỡ, đường huyết lúc đói tăng cao, ngược lại nồng độ HDL cholesterol (loại tốt) thấp.

Việc hiểu được hệ quả khi lựa chọn nhóm thực phẩm này là điều thiết yếu để đảm bảo sức khoẻ của thế hệ sau. Nghiên cứu nhấn mạnh “cần sáng kiến sức khoẻ cộng đồng để thúc đẩy việc thay thế UPFs [thực phẩm siêu chế biến] bằng các thực phẩm ít hoặc không chế biến.”

Thực phẩm siêu chế biến đang gây hại cho trẻ ra sao?

Mặc dù những tác hại của thực phẩm siêu chế biến đối với người lớn đã được nghiên cứu kỹ, nhưng theo các tác giả thì “bằng chứng dịch tễ học ở trẻ em vẫn còn hạn chế và gây tranh cãi.”

Nghiên cứu được tiến hành trên 1,426 trẻ em độ tuổi từ ba đến sáu, trung bình 5.8 tuổi. Các nhà khoa học phân trẻ thành ba nhóm theo mức độ tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến.

Họ phát hiện thấy nhóm trẻ tiêu thụ nhiều nhất dễ tăng chỉ số BMI, tỷ lệ eo/chiều cao và huyết áp tâm thu. Nghiên cứu nhấn mạnh mối liên hệ giữa đồ siêu chế biến và sức khỏe tim mạch-chuyển hoá của trẻ trong tương lai.

Theo đó, uống quá nhiều thức uống chứa đường làm trì hoãn cảm giác no, dẫn đến ăn nhiều calo, đồng thời nhiều thực phẩm siêu chế biến được thiết kế để làm đường huyết tăng vọt. Ăn phải nhiều calo, chất béo bão hoà và đường thường sẽ dẫn đến tăng cân, nguy cơ cao bị béo phì. Đây đều là các yếu tố nguy cơ lớn cho bệnh tim mạch.

Ngoài ra trẻ ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến cũng có xu hướng ăn ít rau và hoa quả hơn, theo nghiên cứu. Trong khi đó rau và hoa quả có lợi cho sức khoẻ tim mạch-chuyển hoá.

Sau khi kêu gọi cần nghiên cứu thêm, các tác giả kết luận, “những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các thực phẩm ít hoặc không chế biến để thay thế việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến, đặc biệt là ngay từ lứa tuổi nhỏ.”

Vấn đề ngày một nổi trội

Thực phẩm siêu chế biến rất phổ biến, rẻ tiền và trẻ em dễ dàng mua trực tiếp. Theo nghiên cứu, bánh ngọt, đồ uống có đường, bánh quy và kẹo là những thực phẩm siêu chế biến được tiêu thụ phổ biến.

Trẻ em uống nhiều nước ngọt và có lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến cao hơn người lớn. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng tỷ lệ bị tiểu đường loại 2 ở người dưới 20 tuổi tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên gần 700% vào năm 2026.

Theo một nghiên cứu đăng trên tập san JAMA, trong số trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới, cứ năm người thì có một người thừa cân, trong đó thực phẩm chế biến có thể là yếu tố góp phần, đặc biệt là ở Châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên tin tốt là các yếu tố nguy cơ như cách ăn uống và hoạt động thể chất- không phải luôn cố định. Nghiên cứu đăng tải trên tập san Béo Phì Trẻ Em phát hiện trẻ có lối sống lành mạnh ở độ tuổi lên bốn – bao gồm giảm ăn thực phẩm siêu chế biến và tăng tập luyện – sẽ giảm được nguy cơ béo phì khi lên bảy tuổi.

Trong khi lý tưởng nhất là giải quyết nguyên nhân gốc rễ, thay đổi lối sống và thực đơn ăn uống cho trẻ, chúng ta vẫn đang tìm kiếm các giải pháp khác.

Thuốc giảm cân cho trẻ em

Một hành động khẩn cấp để đối phó với tác hại của lối ăn uống kém lành mạnh ở trẻ là sử dụng các loại thuốc giảm cân phổ biến. Một số công ty đã thử nghiệm thuốc GLP-1 trên trẻ sáu tuổi.

Các thuốc GLP-1 có thể kích thích tiết insulin, giảm sinh đường ở gan, làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày. Chúng có thể kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm cân và giảm nguy cơ bị các biến cố tim mạch.

Tuy nhiên nhóm thuốc này cũng có một số tác dụng phụ. Không như người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên vẫn cần các dưỡng chất để phát triển cơ thể. Do đó việc sử dụng thuốc GLP-1 cần rất thận trọng, do có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.

Các tác giả của nghiên cứu thừa nhận lợi ích của thuốc GLP-1 đối với trẻ em bị béo phì bệnh lý và tiểu đường loại 2, nhưng cũng tin rằng chúng có khả năng bị lạm dụng cho nhóm tuổi này.

Luật dán nhãn thực phẩm siêu chế biến

Một giải pháp được đề xuất là nhãn dinh dưỡng bắt buộc ở mặt trước bao bì đối với thực phẩm siêu chế biến. Các quốc gia khác đã hành động và Hoa Kỳ có thể không tụt hậu quá xa.

Tháng trước, Thượng viện đã đưa ra Đạo Luật Giảm Thiểu Bệnh Tiểu Đường Ở Trẻ Em. Đạo luật mang tính bước ngoặt này là luật liên bang đầu tiên tại Hoa Kỳ cấm quảng cáo “đồ ăn vặt” cho trẻ em và yêu cầu FDA thực thi nhãn cảnh báo về sức khỏe và dinh dưỡng.

Đạo luật này cũng kêu gọi Viện Y tế Quốc gia nghiên cứu các rủi ro liên quan đến thực phẩm siêu chế biến và tạo ra một sáng kiến ​​giáo dục toàn quốc cho trẻ em thông qua Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Đạo luật này nhằm mục đích giảm lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ở trẻ em, do đó giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường loại 2 và các tình trạng sức khỏe liên quan khác.

Nhãn dinh dưỡng ở mặt trước bao bì đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giúp người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Nghiên cứu cho thấy nhãn rõ ràng và dễ hiểu có thể ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng cũng như dẫn đến những thay đổi trong công thức sản phẩm.

Một nghiên cứu được công bố trên Frontiers in Nutrition (Tập san Tiên Phong Trong Dinh Dưỡng) năm 2021 cho thấy sau khi thực hiện luật ghi nhãn ở Chile, lượng đường sử dụng đã giảm và lượng chất tạo ngọt không dinh dưỡng (như stevia và sucralose) trong thực phẩm đóng gói tăng lên.

Các sản phẩm đã được điều chỉnh công thức để tuân thủ theo quy định của luật về hàm lượng đường. Dữ liệu từ luật ghi nhãn cho thấy các gia đình ở Chile đã mua ít hơn 27 phần trăm lượng đường từ các loại thực phẩm có nhãn cảnh báo.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước bao bì có thể phụ thuộc vào thiết kế và định dạng cụ thể được sử dụng, cũng như bối cảnh thực hiện nói chung.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Jennifer Sweenie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Jennifer Sweenie là ký giả y tế tại New York. Cô là bác sĩ trị liệu dinh dưỡng và là đầu bếp hỗ trợ sức khỏe được đào tạo tập trung vào dinh dưỡng chức năng và năng lượng của thực phẩm tự nhiên, nguyên chất. Cô là thành viên của ban giám đốc Slow Food NYC và là cựu thành viên của Farm-to-Consumer Foundation.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn