Nghiên cứu: Các liệu pháp bổ sung đang ngày càng được ứng dụng nhiều hơn
Nghiên cứu cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ đang tìm kiếm các liệu pháp bên ngoài y học hiện đại — bao gồm trị liệu thần kinh cột sống, thiền định, yoga và châm cứu — đặc biệt là để giảm đau.
Theo một phân tích mới từ Viện Y tế Quốc gia (NIH), ngày càng có nhiều người Mỹ lựa chọn các liệu pháp bổ sung. Các phát hiện cho thấy sự gia tăng đáng kể việc áp dụng “các phương pháp tiếp cận sức khỏe bổ sung,” đặc biệt là kiểm soát cơn đau trong hai thập niên qua.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia của Viện Y tế Quốc gia và kết quả được công bố trên Journal of the American Medical Association (Tập san của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) vào ngày 25/01.
Dữ liệu trong phân tích được thu thập từ Khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia ở ba thời điểm — 2002, 2012 và 2022 — và đánh giá bảy phương pháp tiếp cận sức khỏe bổ sung bao gồm:
- Liệu pháp xoa bóp
- Thiền định
- Yoga
- Châm cứu
- Liệu pháp tự nhiên
- Chăm sóc trị liệu thần kinh cột sống
- Kỹ thuật dẫn dắt hình ảnh/thả lỏng, căng – chùng cơ
Kết quả nghiên cứu
Theo thông cáo báo chí do NIH đưa ra, những phát hiện chính từ phân tích bao gồm:
- “Tỷ lệ cá nhân áp dụng ít nhất một trong bảy phương pháp tăng từ 19.2% năm 2002 lên 36.7% năm 2022.
- Việc thực hành yoga, thiền định và liệu pháp xoa bóp có mức tăng trưởng đáng kể nhất từ năm 2002-2022.
- Thực hành yoga tăng từ 5% năm 2002 lên 15.8% năm 2022.
- Thiền định trở thành phương pháp được áp dụng nhiều nhất vào năm 2022, với mức tăng từ 7.5% năm 2002 lên 17.3% năm 2022.
- Châm cứu, được bảo hiểm chi trả ngày càng nhiều, tăng từ 1% năm 2002 lên 2.2% năm 2022.
- Ngoài ra, phân tích cho thấy sự gia tăng đáng chú ý về tỷ lệ người trưởng thành ở Hoa Kỳ ứng dụng các phương pháp tiếp cận sức khỏe bổ sung để kiểm soát cơn đau. Trong số những người tham gia thực hành các phương pháp trên, tỷ lệ dùng để kiểm soát cơn đau tăng từ 42.3% năm 2002 lên 49.2% năm 2022.”
Nhìn chung, việc thực hành bảy liệu pháp bổ sung đã gia tăng trong khoảng thời gian 20 năm, từ 19.2% năm 2002 lên 36.7% năm 2022— hơn 17%. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều người đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế bên ngoài mô hình y học hiện đại để cải thiện sức khỏe và kiểm soát cơn đau.
Vấn đề về đau
Khi ngày càng nhiều người Mỹ phải vật lộn với cơn đau, việc dùng thuốc giảm đau theo đó cũng gia tăng.
Vào năm 2021, khoảng 51.6 triệu người, chiếm 20.9% số người trưởng thành ở Hoa Kỳ, phải trải qua cơn đau mạn tính — được định nghĩa là đau kéo dài hơn ba tháng. Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), 17.1 triệu người, tương đương 6.9% bị ảnh hưởng mạnh bởi đau mạn tính, tức là “cơn đau mạn tính dẫn đến hạn chế đáng kể các hoạt động hàng ngày.”
Một nghiên cứu từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia cho thấy từ năm 2015-2018, 10.7% người Mỹ trên 20 tuổi “đã dùng một hoặc nhiều loại thuốc giảm đau kê đơn [opioid và nonopioids] trong 30 ngày.”
Một nghiên cứu khác từ năm 2023 kết luận rằng trong 11 năm, việc dùng thuốc giảm đau kê đơn đã gia tăng, bao gồm NSAID (thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, acetaminophen và aspirin), thuốc điều trị thần kinh (với cơn đau bắt nguồn từ dây thần kinh hoặc hệ thần kinh), thuốc giãn cơ và opioids.
Mặc dù thuốc giảm đau giúp kiểm soát cơn đau tạm thời, chúng cũng đi kèm với những nguy hiểm riêng, bao gồm các tác dụng phụ không mong muốn, nguy cơ nghiện và dùng quá liều — một vấn đề ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ. Theo CDC, từ năm 1999-2021, có gần 280,000 người Mỹ tử vong vì dùng quá liều thuốc opioid kê đơn.
Nhiều liệu pháp miễn phí được tìm kiếm và có khả năng điều trị nguyên nhân gốc rễ thay vì điều trị triệu chứng của bệnh — hợp tác với cơ thể và khai thác khả năng chữa bệnh bẩm sinh. Mặc dù có nhiều yếu tố liên quan, đây có thể là lý do khiến mọi người lựa chọn các liệu pháp này nhiều hơn, thay vì dùng thuốc thuốc, họ hướng tới khả năng chữa lành căn nguyên gây nên đau đớn và các vấn đề sức khỏe khác.
Tìm kiếm sự chăm sóc miễn phí
Thống kê là một chuyện, nhưng việc điều trị cơn đau thực sự như thế nào với những người hàng ngày đang tìm kiếm sự giải thoát?
Ông James Morrow là một nhà trị liệu xoa bóp làm việc tại một phòng khám ở miền Trung Florida. Khi được hỏi có bao nhiêu người đến gặp ông vì các vấn đề về đau, ông nói với Epoch Times rằng, “25% khách hàng đến tìm tôi để kiểm soát cơn đau — hầu hết họ đều nhận thấy xoa bóp là công cụ hiệu quả cho sức khỏe tổng thể. Trong số 25% khách hàng này, tất cả đều đang dùng một số loại thuốc giảm đau.”
Ông Morrow cũng lưu ý rằng 90% khách hàng dùng một số pháp kết hợp với xoa bóp, bao gồm châm cứu, trị liệu thần kinh cột sống và xông hơi. Ông có đề nghị một số lựa chọn bổ sung cho khách hàng bao gồm bồn tắm nước nóng, tiếp đất, trị liệu bằng nước đá hoặc nhiệt và tập yoga trong 30 phút đến một giờ mỗi tuần một lần, đồng thời lưu ý “Tất cả đều là lựa chọn toàn diện với giá cả phải chăng.”
Với phân tích của NIH, sự gia tăng đặc biệt đáng kể trong việc ứng dụng các liệu pháp bổ sung để kiểm soát cơn đau cho thấy mọi người xem đây là lựa chọn thay thế cho thuốc và các thủ thuật xâm lấn như phẫu thuật.
Trong 20 năm phân tích, họ nhận thấy việc ứng dụng các liệu pháp bổ sung đặc biệt để giảm đau ngày càng gia tăng. Ví dụ, số người tập yoga để giảm đau tăng từ 11.4% lên 28.8% trong 20 năm và dịch vụ chăm sóc trị liệu thần kinh cột sống cho các tình trạng đau đã chứng kiến mức tăng lớn nhất— từ 78.6% năm 2002 lên 85.7% vào năm 2022.
7 phương pháp tiếp cận sức khỏe bổ sung
Với những người không quen thuộc với các liệu pháp kể trên, đây là mô tả ngắn gọn về từng liệu pháp, cùng một số bệnh phổ biến có thể áp dụng:
1. Liệu pháp xoa bóp
Liệu pháp xoa bóp là thao tác trên các mô mềm của cơ thể, bao gồm cơ, gân và dây chằng. Có nhiều kỹ thuật khác nhau và nhà trị liệu có thể dùng bàn tay, cẳng tay, khuỷu tay, đầu gối hoặc một thiết bị để tạo áp lực lên những vùng nhất định nhằm đạt được cảm giác thư thái và khỏe mạnh. Dầu hoặc kem có thể dùng kèm để tăng tác dụng, cũng như các loại dầu điều trị các bệnh cụ thể, chẳng hạn như giảm đau.
Liệu pháp xoa bóp được biết đến với khả năng thả lỏng cơ thể, cũng như chữa lành các vết thương, cơ bắp căng cứng, nhức mỏi, và giảm đau. Đây cũng được coi là phương pháp để điều trị vấn đề về tinh thần và cảm xúc như căng thẳng, lo âu và trầm cảm, nhờ tác dụng làm dịu tâm trí trong khi làm cơ thể thư thái .
2. Thiền định
Thiền định có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ xưa và được mô tả trong Vedas — các văn bản tôn giáo được viết vào khoảng năm 1500–1200 trước Công nguyên.
Hiệp hội Thiền định Hoa Kỳ định nghĩa thiền định là “quá trình đơn giản và dễ dàng kết nối với sự im lặng và bình yên bên trong. Trong khi thiền định, chúng ta hướng sự chú ý vào bên trong thay vì tham gia thế giới hoạt động bên ngoài. Chúng ta kết nối với mức độ sâu sắc hơn của bản thân, sự tĩnh lặng bên trong và dần dần theo thời gian bắt đầu sống từ một nơi ổn định và bình yên nội tâm.”
Có nhiều loại thiền định khác nhau, từ thiền siêu việt, thiền vipassana đến chánh niệm.
Thiền định thường được dùng để giảm căng thẳng và lo âu, cải thiện giấc ngủ, tăng trí nhớ và độ tập trung cũng như trau dồi khả năng tự nhận thức.
3. Yoga
Yoga là môn tu hành cổ xưa của Ấn Độ với các khía cạnh thể chất, tinh thần và tâm linh, thường bao gồm các chuyển động hoặc tư thế khác nhau tập trung vào hơi thở để đạt được sức khỏe và hạnh phúc. Yoga được thực hành ở Ấn Độ từ hàng nghìn năm và có nhiều phong cách khác nhau.
Trong thế kỷ trước, yoga ngày càng trở nên phổ biến ở Tây phương, trở thành môn tập phổ biến cho những người muốn giữ dáng, tăng tính linh hoạt và sức mạnh cũng như đạt được sự bình tĩnh và tập trung bên trong.
4. Châm cứu
Châm cứu là kỹ thuật đưa chiếc kim rất nhỏ, vô trùng vào các điểm cụ thể trên da để điều hòa các quá trình của cơ thể và kích thích sự chữa lành. Theo Trung y, Khí, hay năng lượng “sinh lực” bẩm sinh, cần chảy tự do khắp cơ thể để duy trì sức khỏe, và một trong những lý do khiến bệnh tật phát sinh là do tắc nghẽn dòng chảy của năng lượng quan trọng này.
Châm cứu là một trong những phương pháp được dùng trong Trung y, bên cạnh thảo dược Trung y và Thôi Nã (xoa bóp), đã được thực hành hơn 4000 năm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều loại bệnh, đặc biệt là đau.
5. Liệu pháp tự nhiên
Theo Liên đoàn Liệu pháp Tự nhiên Thế giới, “Liệu pháp tự nhiên là một hệ thống chăm sóc sức khỏe có lịch sử sâu sắc về các triết lý và thực hành truyền thống, các bác sĩ được đào tạo về mặt y tế và có nhiều lựa chọn điều trị tự nhiên để phục vụ bệnh nhân.”
Các bác sĩ y học tự nhiên có cách tiếp cận toàn diện và điều trị cho con người, chứ không phải chỉ bệnh tật hoặc triệu chứng, và họ có thể điều trị cả tình trạng cấp và mạn. Bạn có thể gặp bác sĩ trị liệu tự nhiên vì bất kỳ lý do nào khiến bạn tìm đến dịch vụ chăm sóc y tế thông thường.
6. Trị liệu thần kinh cột sống
Trị liệu thần kinh cột sống là “nghề y tế liên quan đến chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các rối loạn cơ học của hệ cơ xương và ảnh hưởng của các rối loạn này lên chức năng của hệ thần kinh và sức khỏe nói chung. Có sự nhấn mạnh vào các phương pháp điều trị bằng tay bao gồm điều chỉnh cột sống và các thao tác mô mềm và khớp khác,” theo Liên đoàn Trị liệu thần kinh cột sống Thế giới.
Bác sĩ trị liệu thần kinh cột sống điều trị hệ cơ xương bằng cách thao tác các cơ, xương và khớp, đặc biệt là cột sống.
Một số lý do phổ biến để tìm kiếm dịch vụ chăm sóc trị liệu thần kinh cột sống là tình trạng vận động hạn chế ở khớp, chấn thương thực thể, các vấn đề về tư thế hoặc sự liên kết ở cột sống và đau ở cơ, xương hoặc khớp (như đau đầu gối hoặc đau thắt lưng).
7. Kỹ thuật dẫn dắt hình ảnh và thả lỏng, căng – chùng cơ
Theo một bài viết trên tờ Tâm lý học tích cực, “kỹ thuật dẫn dắt hình ảnh bắt nguồn từ việc thực hành hình dung đa giác quan, bao gồm hướng dẫn khách hàng tham gia một hành trình tưởng tượng với đôi mắt nhắm lại sau một số bài tập thở ngắn để tạo ra sự thư thái. Điều này có thể truyền cảm hứng và tạo sự chuyển đổi bên trong để dẫn những thay đổi hành vi mong muốn trong các lĩnh vực như phục hồi chứng nghiện, tâm lý thể thao và quản lý căng thẳng.”
Bài nghiên cứu tương tự nói rằng nghiên cứu nhận thấy kỹ thuật dẫn dắt hình ảnh có lợi cho việc giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm, đau buồn, kiểm soát cơn đau (bao gồm cả cơn đau mạn tính) và nâng cao quá trình chữa lành trong khi điều trị ung thư.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, thả lỏng, căng – chùng cơ là “một kỹ thuật trong đó cá nhân được huấn luyện để thả lỏng toàn bộ cơ thể bằng cách nhận thức được sự căng thẳng ở các nhóm cơ khác nhau và sau đó thả lỏng từng nhóm cơ một. Trong một số trường hợp, cá nhân có ý thức căng các cơ hoặc nhóm cơ cụ thể và sau đó giải tỏa sức căng để đạt được sự thư thái trên toàn cơ thể.”
Các bệnh chính được điều trị bằng kỹ thuật thả lỏng, căng – chùng cơ là căng cơ do căng thẳng và lo âu.
Tại sao có sự gia tăng?
Vậy thì, tại sao việc ứng dụng các phương pháp tiếp cận sức khỏe bổ sung này lại có sự gia tăng như vậy trong hai thập niên qua?
Mặc dù phân tích không đánh giá lý do tại sao ngày càng có nhiều người Mỹ lựa chọn các liệu pháp bổ sung, sự gia tăng này có thể là do các yếu tố như mọi người đang tìm kiếm lựa chọn thay thế cho thuốc giảm đau; rằng trong hai mươi năm qua, có nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn chứng minh hiệu quả của các liệu pháp được đánh giá; cũng như bổ sung nhiều liệu pháp trên vào hướng dẫn thực hành lâm sàng của CDC.
Phân tích cũng lưu ý rằng việc tăng bảo hiểm cho các phương pháp điều trị như châm cứu đã mở rộng khả năng tiếp cận cho những người tìm kiếm phương pháp giảm đau.
Một yếu tố khác là sự nâng cao nhận thức của công chúng về ngày càng nhiều liệu pháp bổ sung cho các bệnh thông thường – và đặc biệt là cơn đau – có thể mang lại cách tiếp cận tự nhiên và tránh các lựa chọn quyết liệt hơn, như phẫu thuật.
Theo ông Morrow, những khách hàng mà ông gặp khi bị đau thực sự đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho các phương pháp xâm lấn.
“Tất cả khách hàng đến để kiểm soát cơn đau đều tìm kiếm giải pháp thay thế cho phẫu thuật — nguy cơ và suy nghĩ về phẫu thuật là quá lớn. Nói như vậy, một số người đã phẫu thuật và có sức khỏe tốt hơn nhưng vẫn đến để điều trị. Những người khác thì có kết quả không khả quan và chỉ đến để được giảm nhẹ tạm thời.”
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times