Hệ thống phân đẳng cấp tàn độc của Trung Quốc
Trong một bài báo trên tạp chí The Atlantic, ông David Brooks than thở về sự xuống dốc của xã hội Mỹ. Ông Brooks viết rằng, “Ngày nay, trình độ học vấn và các giá trị chính trị là cũng quan trọng y như thu nhập của quý vị trong việc xác định địa vị giai tầng.” Nước Mỹ được phân chia thành hai “hệ thống phân cấp giai tầng riêng rẽ và khác biệt – một đỏ (Cộng Hòa) và một xanh dương (Dân Chủ).” “Sự phân chia ý thức hệ” đang nhanh chóng trở thành một hố sâu. Theo ông Brooks, Hoa Kỳ đang gặp rắc rối.
Trong khi đó, ở Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại. Chí ít đó là theo quan điểm của ông Phương Tử Hào (Fang Zihao), người gần đây đã viết một bài xã luận trên tờ Hoa Nam Buổi Sáng. Bài báo của ông ấy, có nhan đề mang tính khiêu khích “Bí mật thành công của Trung Quốc: quốc gia cam kết với sự hòa nhập xã hội hơn quý vị tưởng,” rất đáng để đem ra mổ xẻ. Trung Quốc, một quốc gia bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi một chế độ chuyên chế, không nhất định đồng nghĩa với cụm từ “hòa nhập xã hội.” Có chuyên chế không? Có. Có diệt chủng không? Có. Vậy còn hòa nhập xã hội thì sao? Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Tử Hào, khuynh hướng hòa nhập xã hội của Trung Quốc thúc đẩy “một cá nhân bình thường nỗ lực cố gắng.”
Chính xác thì cố gắng vì điều gì? Rốt cuộc, để cố gắng ở bất cứ đâu, thì một người cần phải có tiền. Quý vị có thể có tất cả mọi tham vọng trên thế giới này, nhưng nếu không có đủ tài chính, thì rất khó mà đạt được tham vọng, nếu không muốn nói là không thể đạt được. Gần đây, với việc ông Tập Cận Bình tuyên bố xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực, có lẽ sẽ càng có nhiều cá nhân “bình thường” nữa có thể “cố gắng” hướng đến một điều gì đó có ý nghĩa. Hoặc có lẽ là không.
Điều quan trọng cần lưu ý là nhà cầm quyền Trung Cộng áp dụng ngưỡng nghèo ở mức [thu nhập] khoảng 2.25 USD một ngày. Theo như nhà kinh tế học Indermit Gill lưu ý, “Ngân hàng Thế giới (World Bank) tin rằng ngưỡng 1.90 USD một ngày chỉ phù hợp đối với các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người dưới 1,000 USD [thu nhập hàng năm] hoặc khoảng vậy, như Ethiopia chẳng hạn.” Tuy nhiên, Trung Quốc lại là quốc gia có thu nhập trung bình cao. Vì lý do này, họ nên áp dụng ngưỡng chuẩn nghèo ở mức “5.50 USD một ngày.” Theo tiêu chuẩn đo lường này, thì có khoảng 80 đến 90% người dân Trung Quốc sống trong cảnh đói nghèo. [Mức thu nhập] 5.50 USD một ngày tính ra là 38.50 USD một tuần, 154 USD một tháng và khoảng 1,848 USD một năm, trước thuế. Cho dù quý vị đang sống tại Thâm Quyến hay South Bend, thì 1,848 USD sẽ chẳng giúp ích gì nhiều cho quý vị cả. Trên thực tế, khoản thu nhập này còn chẳng đâu vào đâu. Khi chúng ta nghĩ về sự bất bình đẳng giàu nghèo, tâm trí chúng ta phần nào chắc hẳn sẽ hướng đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo chưa bao giờ sâu rộng như hiện tại. Hơn một nửa dân số Trung Quốc vẫn đang sống ở các vùng nông thôn, và phần lớn đều có điều kiện sống tồi tệ. Tại Trung Quốc, con đường đi từ nghèo đói sang đời sống của tầng lớp trung lưu là rất khó tìm ra, chủ yếu là bởi vì nó không hề tồn tại, nếu quý vị sinh ra trong cảnh đói nghèo, thì quý vị vẫn sẽ mãi đói nghèo mà thôi. Khi nhà cầm quyền Trung Cộng chú trọng nhiều hơn vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn, thì những người dân sống tại các khu vực nông thôn đều bị bỏ lại phía sau. Một phương pháp quản lý [đất nước] như vậy dường như rất trái ngược với sự hòa nhập xã hội.
Hố sâu ngăn cách ở Trung Quốc
Thuật ngữ hệ thống đẳng cấp gợi lên hình ảnh của những quốc gia như Ấn Độ và Nepal, nơi mà sự phân tầng giai cấp xã hội gắn liền một cách mật thiết với thực tế cuộc sống hàng ngày. Một hệ thống đẳng cấp, hoàn toàn tương phản với hòa nhập xã hội, phân chia xã hội thành các nhóm thứ bậc cứng nhắc. Tại Trung Quốc, có tồn tại một hệ thống đẳng cấp mà trong đó, như tác giả Noah Dowe viết rằng, đã chứng kiến những người có thu nhập cao nhất của đất nước này trở nên phát đạt. Trong khi đó, những người ở dưới đáy [xã hội] đã (và sẽ tiếp tục) bị phớt lờ và bỏ mặc. Theo như tính toán của tác giả Dowe, thì giới thượng lưu Trung Quốc “đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng nhanh gấp ba lần so với 50% dân số đang sống dưới đáy xã hội của đất nước này.” Do đó, “tỷ lệ thu nhập quốc dân của tầng lớp lao động đã sụt giảm mạnh.” Mặt khác, giới siêu giàu tiếp tục “thu về rất nhiều lợi ích từ quá trình hiện đại hóa.” Những điều bất bình đẳng tổng thể này tồn tại phần lớn là do hệ thống hukou (hộ khẩu) của Trung Quốc, trong đó thông tin chi tiết về nơi ghi danh cư trú, được [nhà cầm quyền] sử dụng để kiểm soát người dân.
[Trong khi] rõ ràng là nó được tạo ra nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Trung Quốc, thì hệ thống hộ khẩu chẳng khác nào một phương thức để phân biệt đối xử với những người chẳng may đến từ một tỉnh lẻ nhất định nào đó. Hệ thống hộ khẩu, cũng giống như hệ thống điểm tín dụng xã hội của Trung Quốc, cho phép các nhà chức trách phân biệt đối xử với người dân. Tuy nhiên, trong hệ thống hộ khẩu này, vị trí địa lý chính là thước đo được áp dụng vào việc phân biệt đối xử. Và cũng theo cách này, nếu quý vị đến từ một khu vực “đáng kính” hơn ở Trung Quốc, như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải chẳng hạn, hệ thống hộ khẩu này sẽ có thể vận hành theo hướng có lợi cho quý vị. Dù thế nào đi nữa, cho dù một người được hưởng lợi hay bị thiệt hại do hệ thống này, thì nó có mục đích là chống lại sự hòa nhập xã hội.
Như tác giả Dowe đã than thở rằng, “những người có hộ khẩu ở nông thôn đang bị chính người dân Trung Quốc của mình tẩy chay và phân biệt đối xử.” Với rất ít cơ hội có được một công việc tử tế, bản thân họ nhận thấy mình đang phải chấp nhận “những công việc nguy hiểm nhất, đòi hỏi cao nhất và bị trả lương thấp” mà một người có thể hình dung ra được; loại công việc “mà những người có hộ khẩu thành thị không dám đảm nhận.” Sự phân chia [ranh giới] giữa “những người giàu” thành thị và “những người nghèo” nông thôn là vô cùng rõ ràng. Quý vị có thể thấy rằng, trong hệ thống hộ khẩu này, sự phân chia đó là có chủ đích. Nó không phải một lỗi trục trặc trong hệ thống này. Tác giả Dowe viết rằng, do vậy người dân khu vực nông thôn “có thể trông mong kiếm được thu nhập với mức trung bình thấp hơn gần 40% so với một cư dân thành thị bẩm sinh.” Với hàng triệu người mù chữ bị bỏ lại phía sau, với ít tiền bạc và thậm chí rất ít hy vọng, hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc tàn độc đến mức quá đáng. Nếu nhà cầm quyền Trung Cộng cam kết một xã hội hòa nhập như ông Tử Hào tin tưởng, vậy thì tại sao còn rất nhiều người đang phải sống trong những điều kiện tồi tệ?
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: