Hệ thống phân cấp quyền lực rối ren đằng sau cục trưởng Cục Nội gián Trung Quốc
Sự giám sát, đe dọa và thao túng đóng vai trò như chất bôi trơn cho các bánh răng điều khiển mọi hệ thống của chủ nghĩa cộng sản. Cho dù đó là các chế độ trong quá khứ, hay là quốc gia cộng sản có thế lực nhất trong thời hiện đại của chúng ta đây, các hệ thống đó đều có chung những đặc điểm này.
Để kiểm soát những người dưới chướng mình, những vị lãnh đạo cộng sản hoàn toàn bị phụ thuộc vào người kiểm soát về thông tin, bất kể đó là ai. Ở Trung Quốc, đó là công việc của đội mật vụ quốc gia, theo một bài báo đăng trên Epoch Times Hoa ngữ hôm 21/07 của nhà phân tích về nội tình Trung Quốc Trịnh Hiểu Nông (Cheng Xiaonong).
Theo các báo cáo của hãng truyền thông nhà nước, hôm 15/07, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã bổ nhiệm một tham mưu trưởng quân đội làm cục trưởng mới cục nội gián của Trung Cộng. Vị cục trưởng mới này là ông Chu Hồng Hứa (Zhou Hongxu), hiện đang phụ trách Cục Cảnh vệ Trung ương (CSB).
CSB có các thủ đoạn đe dọa bằng vũ lực tương tự như các lực lượng mật vụ cộng sản khác trong quá khứ, chẳng hạn như KGB (Uỷ ban An ninh Quốc gia Liên Xô) hay Stasi (Bộ An ninh Quốc gia Đức). CSB thường được gọi là lực lượng “cảnh vệ” cho cơ quan đầu não của Trung Cộng, bởi vì chức năng trên danh nghĩa của cơ quan này là bảo vệ sự an toàn cho các cán bộ cao cấp.
Ông Trịnh đã viết rằng hành động đề bạt này rất không chính thống, lũng đoạn trình tự thăng cấp thông thường. Hơn nữa, kinh nghiệm vốn có của ông Chu Hồng Hứa là trong quân đội, không phải về các hoạt động giám sát. Nhưng theo ông Trịnh, mặc dù sự lựa chọn này có thể gây nguy hại hơn đến sự trị vì trọn đời của ông Tập đối với Trung Cộng, thế nhưng vị lãnh đạo Trung Cộng này vẫn có những ưu tiên khác.
Ông Tập cần sự trung thành
Mặc dù có rất ít chi tiết công khai về ông Chu hay về lòng trung thành của ông này với ông Tập, nhưng ông Trịnh chỉ ra quy trình tuyển dụng này là chưa từng có tiền lệ.
Trước khi ông Chu được bổ nhiệm, vị cục trưởng tiền nhiệm đã từ chức vào năm 2019. Ghế lãnh đạo của CSB vẫn bị bỏ trống trong một năm rưỡi. Ông Trịnh nói rằng kể từ khi cục cảnh vệ này được thành lập vào thời của ông Mao, cơ quan này chưa bao giờ trống đi vị trí cục trưởng.
Ngoài ra, ông Trịnh nói rằng bất cứ ai phụ trách cộng đồng tình báo của Trung Cộng đều là lãnh đạo trên thực tế của Trung Cộng. Ông nói rằng đó là bởi vì ai có thể kiểm soát số lượng lớn nhất các quan chức cao cấp thì sẽ có nhiều quyền lực nhất trong đảng. Các cán bộ mật vụ giám sát, mà CSB chịu trách nhiệm, là cốt yếu đối với việc kiểm soát này.
Ông Trịnh nói rằng dưới chế độ theo chủ nghĩa Mao dị thường này, sự nổi loạn giữa các quan chức cao cấp trở thành một hành động rất hiếm thấy. Các quan chức không thể gặp riêng vì các thư ký an ninh sẽ luôn báo cáo hành động của họ. Họ tăng cường liên hệ qua điện thoại, bởi việc gặp mặt cá nhân bị cấm, và điện thoại cũng bị giám sát.
Theo cách này, CSB không chỉ đóng vai trò là người bảo vệ các quan chức, mà còn là một hệ thống giám sát 24/24.
Giám sát và kiểm soát các chính trị gia là gốc gác quyền lực của vị lãnh đạo Trung Cộng này. Ông Trịnh nói rằng nhiều khả năng ông Tập đã không tin tưởng vào các ứng cử viên tiếp theo để đề bạt trong cục cảnh vệ theo phân cấp nhà nước. Ông Trịnh nói thêm rằng các cuộc đấu đá quyền lực rất có thể một lần nữa lại bắt đầu ở các cấp cao nhất của Trung Cộng.
Theo truyền thông nhà nước DW, việc bổ nhiệm một ai đó bên ngoài CSB là để tránh tuyển dụng một người từ lâu đã tham gia vào các phen đấu đá quyền lực ở cấp cao nhất của Trung Cộng. Mặt khác, các báo cáo truyền thông đã bị hạn chế về việc ông Chu đang đảm nhận vị trí này.
Ông Trịnh cho rằng quyết định của ông Tập là con dao hai lưỡi. Ông Trịnh nói rằng tuyển dụng từ bên ngoài là một phương pháp để ông Tập giải quyết các cuộc đấu đá quyền lực cấp cao này. Tuy nhiên, điều này cũng đặt vấn đề về lợi ích của chính các quan chức cấp cao của CSB, vì sự thăng tiến trong tương lai không còn được bảo đảm cho họ nữa.
Ông Trịnh cảnh báo rằng điều này có thể gieo thêm hoài nghi đối với sự lãnh đạo của ông Tập.
Tác giả Daniel Holl là một ký giả tại Sacramento, California, chuyên về các chủ đề liên hệ tới Trung Quốc. Anh đã chuyển đến Trung Quốc một mình và ở đây gần bảy năm, học tập ngôn ngữ và văn hóa. Anh thông thạo tiếng Quan Thoại.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Holl thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: