Hệ thống miễn dịch của lạc đà có thể hỗ trợ trong cuộc chiến chống COVID-19
Các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế của Úc đang chạy đua tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả đã chuyển hướng sang một nguồn hỗ trợ chưa chắc chắn lắm, đó là loài lạc đà không bướu lông len (alpaca).
Các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên Cứu Y khoa Walter và Eliza Hall (WEHI) ở Melbourne, bang Victoria, đang tích cực nghiên cứu xem liệu một đặc điểm hiếm gặp trong hệ thống miễn dịch của lạc đà có thể đưa ra giải pháp trị liệu hiệu quả giúp nhân loại chống lại COVID-19 hay không.
Các nhà nghiên cứu giải thích trong một bài báo đăng ngày 11/8 rằng những loài lạc đà, bao gồm lạc đà không bướu lông len (alpaca), lạc đà một bướu (camel) và lạc đà không bướu (llama), tạo ra các kháng thể thu nhỏ mà chúng được coi là mô hình hấp dẫn cho các phương pháp trị liệu nhờ kích thước của chúng.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu WEHI, Phó Giáo sư Wai-Hong Tham, nói với The Epoch Times hôm 13/8 rằng, các kháng thể này “có hiệu quả rõ rệt và mạnh mẽ”.
Giáo sư Tham giải thích rằng, “Chúng tôi đã chiết xuất các kháng thể cực nhỏ này (gọi là các thể nano) và kiểm tra chúng trong phòng thí nghiệm để xem loại nào hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn virus”.
Bà Tham lưu ý rằng, khi nhóm nghiên cứu của bà xác định được thể nano nào tốt nhất trong việc ngăn chặn virus, họ dự định sẽ lập bản đồ cấu trúc của chúng và sử dụng dữ liệu đó để “phát triển các liệu pháp dựa trên kháng thể có thể sử dụng an toàn và hiệu quả ở người”.
Các thể nano đang được các nhà nghiên cứu chú ý vì đặc điểm cấu trúc của chúng khiến chúng sẵn sàng liên kết, ổn định hơn và dễ tái tạo hơn so với các kháng thể truyền thống. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cũng trở nên phức tạp hơn vì chúng nhỏ hơn 10 lần so với các kháng thể thông thường.
Để hình dung các kháng thể nano của loài lạc đà không bướu lông len ngăn chặn thành công virus, nhóm của bà Tham đang làm việc với các nhà khoa học đến từ viện nghiên cứu Australian Synchrotron, thuộc Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt Nhân của Úc.
Phát biểu với đài phát thanh 3aw hôm 11/8, Giáo sư Michael James, nhà khoa học nghiên cứu cao cấp tại viện Australian Synchrotron, cho biết những con lạc đà không bướu lông len được tiêm “các gai đột biến được lấy khỏi bề mặt” của virus SARS-CoV-2, “gai đột biến” này được virus corona sử dụng để xâm nhập vào tế bào của [cơ thể người] chúng ta và “bắt đầu quá trình tái tạo”. Những chiếc gai được tạo từ những mảnh không lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.
Ông James cho biết, “Nếu quý vị có thể cắt nhỏ các phần chính của kháng thể tấn công một con virus, sau đó quý vị có thể sử dụng các phân mảnh hoặc thể nano này… để gắn kết với virus thì quý vị có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào của chúng ta”.
Các nhà nghiên cứu của WEHI hy vọng tạo ra một phương pháp điều trị mà có thể bắt chước cách các kháng thể tự nhiên ngăn chặn COVID-19 xâm nhập vào tế bào phổi người, mà bà Tham cũng lưu ý rằng nó chính là “bước đầu tiên trong chu trình lây nhiễm virus”.
Các loại thuốc dựa trên các kháng thể được gọi là liệu pháp sinh học, đã được sử dụng trong lâm sàng cho các bệnh như ung thư, viêm nhiễm và tự miễn dịch.
Không phải là vaccine
Bà Tham nhấn mạnh với The Epoch Times rằng liệu pháp dựa trên kháng thể khác với vaccine.
Bà nói rằng, “Vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch ở người để tạo ra kháng thể, trong khi đối với các liệu pháp điều trị dựa trên kháng thể, chúng tôi truyền trực tiếp kháng thể”.
Nếu có hiệu quả, liệu pháp WEHI sẽ hữu ích trong việc điều trị COVID-19 và ngăn ngừa nhiễm trùng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, bà Tham lưu ý rằng nó “sẽ chỉ có hiệu quả khi một người đã tiếp nhận việc điều trị”.
Bà Tham và nhóm của bà tại WEHI là một phần của “chương trình nghiên cứu sinh học“ về COVID-19, vốn đã quy tụ nhiều học giả và các nhà lãnh đạo của Úc về các bệnh truyền nhiễm và điều trị kháng thể từ Học viện Walter và Eliza Hall, Học viện Doherty, CLS, Affinity Bio, CSIRO, Học viện Burnet và Học viện Kirby.
Họ đã nhận được tài trợ từ cả chính phủ liên bang Úc và bang Victoria.
Tác giả: Victoria Kelly-Clark