Hệ lụy của sự phụ thuộc vào công nghệ
Chúng ta không thể phủ nhận một điều rằng công nghệ đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống con người hiện nay. Các cụm từ như “Thời đại số hóa”, “cách mạng công nghệ”, “thời đại 4.0” liên tục được nghe thấy trên tivi, đài báo, trang mạng thông tin, hoặc ở trong các quán cafe, trà đá vỉa hè – nơi gặp gỡ yêu thích của mọi người bây giờ. Hãy cùng nhìn lại để thấy rằng công nghệ đã thay đổi chúng ta như thế nào?
Sự lỏng lẻo về hiểu biết và những mối quan hệ rời rạc
Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising, trong năm 2019 trung bình hằng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút — tương đương với 1/4 ngày để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị.
Các mối quan hệ xã hội và gia đình trở nên lỏng lẻo bởi mọi người đang mất dần những giao tiếp cần thiết để xây dựng sự gắn bó giữa những người thân, cha mẹ, con cái. Bạn bè gặp gỡ nhau, nhưng phần lớn thời gian ngồi cạnh nhau là để check Facebook hay email. Những câu chuyện bàn luận tới chủ yếu là những điều xảy ra trên mạng xã hội.
Bởi vì mọi người không dành thời gian để lắng nghe nhau một cách thực sự, nên nguy cơ đổ vỡ giữa các mối quan hệ ngày càng tăng. Cha mẹ ông bà than phiền con cháu chỉ dành sự quan tâm cho công nghệ, còn con cháu lại đổ lỗi người lớn không chịu hiểu mình.
Mất đi lý tưởng sống vì thế giới ảo
Trong cuốn sách “Thế hệ lầm lì nhất”, Mark Bauerlein viết: “Thanh niên ngày nay chỉ quan tâm tới bản thân họ”.
Theo một khảo cứu toàn cầu từ Trung tâm nghiên cứu Pew, ngày nay ít sinh viên đại học đọc sách, và phần lớn những người độ tuổi 18-34 ít hiểu biết về biến cố hiện thời hơn là thế hệ trước. Khảo cứu này thấy rằng trên khắp thế giới, phần lớn thanh niên chỉ đọc Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat, WeChat, và các phương tiện xã hội khác. Họ không đọc và học cái gì có ý nghĩa, mà chỉ chú tâm tới những thứ vô giá trị và không cần thiết.
Hãy lấy ví dụ về Hoàng Chi Phong, một thanh niên Hong Kong, rất am hiểu các vấn đề “thời sự” và thậm chí là cả lịch sử hay luật pháp. Cậu tham gia biểu tình đòi quyền bầu cử công bằng cho người Hong Kong từ năm 17 tuổi, và được coi là một biểu tượng cho phong trào này.
Một người trẻ bản lĩnh và hiểu biết nhiều sẽ biết phân tích và nhận định đúng sai, học hỏi cách thức vận hành của thế giới hiện tại và tìm ra con đường, mục tiêu cho cuộc đời mình. Tất nhiên, bài viết không khuyến khích thanh niên hiểu biết để biểu tình như Hoàng Chi Phong, nhưng nếu cuộc sống được ví như một ván cờ, thì chí ít chúng ta cũng nên biết mình đang tiến lên vì điều gì và lý tưởng chúng ta muốn cống hiến là gì.
Bỏ qua văn hóa đọc, người trẻ ngày càng viết lách kém
Thế hệ trẻ ngày nay dường như ít ai gây dựng được ảnh hưởng văn chương như thế hệ cũ. Thế giới thông tin đang ngày càng mở, phương thức tiếp cận không còn bị hạn chế như trước đây, nhưng chúng ta ít thấy những bài viết hay.
Annie Holmquist khi phân tích một bài viết của Tiến sĩ Edwin Lewis trong tác phẩm “A First Book in Writing” (Sách Luyện viết Cơ bản),- được viết năm 1897 — đã nêu lên những lý do tại sao đa phần người trẻ không còn văn hay chữ tốt như ngày trước.
Đầu tiên là việc họ đã không còn thói quen đọc các tác phẩm kinh điển vốn có nội dung vô cùng phong phú — đến nỗi dù đã trải qua hàng trăm hàng nghìn năm, người ta vẫn không ngừng phân tích và bình luận nội hàm chất chứa trong đó; có thể tác giả đã phải mất hàng mấy chục năm mới hoàn thành được một bộ sách như vậy. Từ kết cấu câu chuyện, các tuyến nhân vật, hình thức nghệ thuật, cách biểu đạt, ngôn từ, từ vựng… tất cả đan xen nhưng không hề rối rắm, và đặc biệt mỗi lần đọc lại chúng ta lại có thêm những khám phá mới.
Bây giờ sách mới rất nhiều, nhưng lại thiếu đi những cuốn sách chất lượng, ngôn ngữ biểu đạt càng ngày càng đơn giản, ít sự trau chuốt về ngôn từ, cách xây dựng nội dung và nhân vật thường giống nhau.
“Không có cách nào giúp chúng ta nhớ được từ vựng mới, hiểu được ngữ điệu vô cùng đa dạng của văn xuôi, biết được thế nào là ngữ điệu của một áng văn hay bằng cách đọc và thấm thía từng trang sách. Khi đọc, sự lên xuống của ngữ điệu không chỉ đơn thuần là vấn đề giọng nói; đó còn là vấn đề về tư duy, suy nghĩ của người đọc, người học…”, Tiến sĩ Edwin Lewis viết.
Điều thứ hai là: thói quen đọc lướt. Sự phát triển công nghệ khiến giới trẻ hình thành thói quen đọc lướt, đọc dối. Họ thường muốn thâu thập thông tin một cách nhanh chóng nên thường chỉ chú trọng những phần chính trong tác phẩm và thường bỏ qua việc nghiên cứu sâu nội dung của tác phẩm đó. Thế nhưng nội hàm của một cuốn sách sẽ không chỉ qua đôi ba từ mà có thể tóm tắt hay cảm nhận được; người đọc phải bỏ tâm trí vào để suy nghĩ và thực sự tận hưởng những cảm xúc mà chính mình trải qua khi đọc tác phẩm.
Điểm cuối cùng mà bài viết của Tiến sĩ Edwin Lewis đề cập đến chính là thói quen học thuộc các trích đoạn.
Ngày nay chúng ta đang quá đề cao đến sự sáng tạo và cảm xúc, lại cho rằng việc “học thuộc lòng” chỉ là “học vẹt” và kìm hãm sự sáng tạo của người trẻ, nhưng chúng ta đã quên rằng sáng tạo và cảm xúc cũng cần một nền tảng để phát triển. Nền tảng đó càng vững chắc, có bề dày và chiều sâu thì sự sáng tạo của chúng ta lại càng phong phú.
Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đại đa số người dân ở mọi nơi. Nếu đến một quán cafe không có wifi, hẳn nhiều người sẽ rất sốt ruột khi không thể kiểm tra email, kiểm tra Facebook hay nhắn tin với bạn bè. Những hệ lụy về việc quá say mê vào công nghệ đang khiến chúng ta mất đi nhiều thứ quý giá mà khó có thể lấy lại trong một thời gian ngắn. Có lẽ đã đến lúc mọi người cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về cách thức sử dụng công nghệ. Nó đang làm đời sống chúng ta tiện ích hơn hay phụ thuộc hơn? Gắn kết hơn hay rời xa hơn?