Hãy mang lý trí và logic quay trở lại: Phương thuốc cho nền giáo dục xuống cấp
Có phải chúng ta đang đánh mất khả năng sử dụng logic và lý trí để giải quyết các vấn đề? Câu trả lời cho câu hỏi đó là “Đúng vậy!”
Hãy suy xét về một ví dụ sau đây.
Kể từ Ngày Nhậm chức, chính phủ của chúng ta đã tạo ra các chương trình tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD, nhiều hơn so với hàng nghìn tỷ mà chúng ta đã chi. Các quân đoàn vẫn đóng quân ở Washington D.C. mà không có mục đích rõ ràng, các chuyên gia vẫn hằng ngày mâu thuẫn với nhau về cách chiến đấu với đại dịch, và Quốc hội thì đang thúc đẩy Đạo luật Bình đẳng giới, điều có thể sẽ phá hủy các môn thể thao dành cho phụ nữ, hạn chế tín ngưỡng tôn giáo và tự do ngôn luận, và tác động tiêu cực đến quyền tự do của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Những suy nghĩ rõ ràng trong giới chính trị dường như đã biến mất*.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm khả năng lý luận. Trước khi tìm cách để khôi phục lại logic và lý trí, chúng ta hãy cùng xem một số lời giải thích khả thi cho sự suy giảm này.
Trí thông minh và các trường học của chúng ta
Khi tìm kiếm trên google về “điểm số IQ giảm”, bạn sẽ phát hiện ra một loạt các trang web phân tích tại sao điểm số IQ ở các nước đã phát triển lại giảm xuống trong nhiều thập kỷ qua. Các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng các nhân tố do môi trường, ví dụ như các thiết bị điện tử, sự bại hoại của các trường học, việc đọc sách ít đi, và chế độ dinh dưỡng kém có thể là những nguyên nhân gây ra sự thay đổi trong các điểm số này.
Phần lớn các độc giả của The Epoch Times đều nhận thức được rằng hệ thống giáo dục của chúng ta đang hỗn loạn. Điểm kiểm tra trong các trường tiểu học và trung học cơ sở đang giữ nguyên hoặc đi xuống. Ví dụ, các học sinh theo học các lớp học lịch sử Hoa Kỳ, đã tốt nghiệp trung học phổ thông, mà không biết gì về Hiến pháp, Nội chiến, và những vị anh hùng của Hoa Kỳ như George Washington, Teddy Roosevelt, và Dolly Madison. Tệ hơn là, nhiều người ra khỏi trường học với niềm tin, được dạy bởi các giáo viên của họ và sách giáo khoa, rằng đất nước Hoa Kỳ là một nơi tồi tệ, đầy rẫy những phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và áp bức. Gần đây nhất, một số nhà giáo dục và quan chức nhận định rằng ngay cả cách chúng ta dạy toán cho con cái mình cũng là phân biệt chủng tộc, rằng cần phải có một câu trả lời chính xác cho một vấn đề, ví dụ như, cho phép sinh viên Mỹ gốc Á và da trắng có lợi thế hơn các học sinh da đen và gốc Tây Ban Nha.
Các thiết bị thông minh có thể khiến chúng ta trở nên kém thông minh
Trong bài viết trực tuyến “Có phải chúng ta đang đánh mất khả năng suy luận?”, tác giả Samuel Greengard quy trách nhiệm cho các thiết bị “thông minh” là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm khả năng nhận thức của chúng ta. Sau khi nói về cách điện thoại và máy tính đã khiến nhiều người chúng ta yếu kém về mặt trí tuệ, Greengard nói thêm:
“Vài tin xấu hơn là: Trong thời đại mà những khối lượng kiến thức uyên thâm nằm trong tầm tay chúng ta – bao gồm hàng ngàn thư viện trực tuyến đầy ắp sách và các tài liệu tham khảo về hầu hết mọi môn học mà chúng ta có thể nghĩ đến – thì người ta lại trở nên thiếu hiểu biết hơn bao giờ hết. Các trang web hiển thị một loạt những lời nói dối, sự thật nửa vời, trò lừa bịp, truyền thuyết thời hiện đại, thuyết âm mưu và đơn giản chỉ là những điều dại khùng khiến người ta bị kinh hãi và lú lẫn. Và vấn đề dường như đang trở nên tồi tệ hơn.”
Việc thật sự suy ngẫm và nghiên cứu giúp chúng ta nhìn thấu những dối trá này. Ít nhất thì, logic cũng khiến cho ta có cảm giác hoài nghi.
Chủ nghĩa cực đoan, cảm tính và tư duy
Hơn nữa, hiện nay, chủ nghĩa cực đoan mang tính chính trị lên ngôi, còn logic và tranh biện thì bị ném sang một bên. Dễ thấy tác hại của việc mở cửa biên giới phía nam của chúng ta cho những người nhập cư, nhưng những người cấp tiến muốn có được các phiếu bầu từ những người di cư bất hợp pháp này. Cuộc đàn áp những cá nhân và tổ chức truyền thông bảo thủ đáng ra nên khiến tất cả những người dân Hoa Kỳ thức tỉnh và bảo vệ Tu chính án thứ Nhất, nhưng thay vào đó, chúng ta lại thấy nhiều người hoàn toàn vui vẻ trước sự xói mòn tự do ngôn luận.
Như ở diễn đàn công cộng, trong nhiều thập niên, cảm xúc của nhiều công dân chúng ta đã lấn át tư duy lý trí. “Cứ bung xõa đi” đã từng là một câu khẩu hiệu. Các nhà tâm lý học cũng như nhiều người khác nói với chúng ta về tầm quan trọng của việc chia sẻ những cảm xúc của bản thân. Các sinh viên đại học tấn công các diễn giả để tránh cho những cảm xúc của họ bị tổn thương. Vài người chúng ta đã từng nghe những lời thú nhận cực đoan và mất kiểm soát của những người lạ và ngạc nhiên trước sự tự nhiên này của họ.
Chúng ta bị dẫn động bởi tình cảm hơn là lý tính quá thường xuyên. Nhiệt huyết dâng trào và dục vọng, tách rời khỏi lý trí, sẽ lèo lái chúng ta đến bất kỳ đâu chúng muốn.
Sự rèn luyện bị lãng quên
Ở thế kỷ 18, người ta coi thường việc quá cảm tính và ít lý tính. Họ cho đó là một dự báo của thảm họa.
Các vị Cha lập quốc của chúng ta có thể dành một số lời khen ngợi nồng nhiệt nhất cho “sự vô tư, không vụ lợi”. Như Josiah Bunting III đã viết trong cuốn tiểu thuyết “Nền Giáo Dục Cho Thời Đại Của Chúng Ta” (An Education for Our Time) về trường đại học lý tưởng: Thomas Jefferson từng khen John Adams rằng ông ấy “vô tư như Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo ra ông.”
Trong thời đại của chúng ta, sự vô tư không vụ lợi trong bất kỳ vấn đề nào – dù là việc cá nhân hay là việc chung – thì cũng là một khái niệm hiếm gặp, giống như danh dự, mà cả hai điều này lại có liên quan chặt chẽ với nhau. Theo Bunting, sự vô tư mà tổ tiên chúng ta thực hành, mang nghĩa là “xây dựng một thói quen làm chủ tất cả những thôi thúc mạnh mẽ khiến cho một người muốn từ bỏ trách nhiệm của mình, một thói quen gạt bỏ tất cả mọi tính toán về lợi ích.” Sự vô tư khiến chúng ta có thể cân nhắc hai mặt tốt xấu của một ý tưởng hoặc một cuộc tranh luận, mà không mang theo thành kiến và cảm xúc mạnh mẽ.
Vậy có cách nào để khôi phục lại sự vô tư đó, để gia cường sức mạnh của logic và lý trí?
Giảng dạy về logic và nghệ thuật hùng biện
Trong bài viết “Ngẫm lại những tiên tri của Neil Postman về truyền thông,” tác giả Casey Chalk đã khảo cứu về những dự đoán của nhà văn kiêm nhà giáo dục Postman, được đưa ra nhiều năm về trước, về những tác động tai hại của truyền thông đối với nền văn hóa và khả năng tư duy của chúng ta. Gần cuối bài viết, Chalk viết: “Cuối cùng, Postman đã đề xướng việc giáo dục khả năng thuyết minh, suy nghĩ logic và khả năng hùng biện một cách sôi nổi và mạnh mẽ, tất cả những điều này đều là điều một công dân cần phải biết. Việc thực thi những đề xuất này – như nó đã và đang diễn ra trong phong trào trường học cổ điển vốn nhen nhóm phát triển ở quốc gia chúng ta – là điều cần thiết để hình thành nên những công dân thông minh, có năng lực và biết suy nghĩ cẩn trọng.”
Dạy thế hệ trẻ của chúng ta cách suy nghĩ logic là cung cấp cho họ cách tự bảo vệ bản thân trước sự lôi kéo và thao túng của các chính trị gia, phương tiện truyền thông, và những cá nhân khác. Họ có thể học cách phát hiện ra những lời ngụy biện muôn hình muôn vẻ và phổ biến ngày nay – ví dụ như: ngụy biện bù nhìn rơm, ngụy biện do thiếu hiểu biết, ngụy biện bằng lý luận vòng vo, ngụy biện bằng cách tấn công cá nhân, và còn nhiều nữa – và từ đó, họ sẽ nhận ra khi ai đó đang đưa ra một lập luận sai lầm, hoặc cố gắng dẫn họ đi sai đường hay đánh lừa họ.
Hơn nữa, logic kèm theo hùng biện – nghệ thuật nói hoặc viết có sức thuyết phục – có thể trở thành một công cụ đầy sức mạnh để giao tiếp với mọi người. Thời đại của chúng ta là một thời đại giao tiếp tuyệt vời, và khi chúng ta có thể nói và viết với tư duy khách quan và có trật tự theo một trình tự logic, thì chúng ta có thể thuyết phục mọi người bằng những lập luận và ngôn từ của mình. Từ email gửi đến một nhà bán lẻ về sản phẩm chúng ta sản xuất, bản ghi nhớ cho các nhân viên về quy định trang phục nơi công sở, cho đến lá thư khích lệ động viên con trai đang học đại học: logic, lý luận, và hùng biện có thể khiến tất cả mọi cuộc trò chuyện, giao tiếp của chúng ta lên một tầm cao mới.
May mắn thay cho các bậc phụ huynh và học sinh là có vô số các chương trình và sách dạy về những kỹ năng này, ví dụ như tại trang web Cathy Duffy Reviews trực tuyến chẳng hạn. Bà Duffy là nhà văn, diễn giả, và nhà phê bình sản phẩm trong giới dạy học tại gia, từ khi vợ tôi và tôi dạy học tại nhà cho các con chúng tôi từ lâu về trước. Trang web của bà có hơn 30 nguồn tài liệu như vậy {dạy kỹ năng logic, hùng biện}. Tôi đã sử dụng một số chúng, ví dụ như sách “Luận Lý Học Cổ Điển” (Traditional Logic) của Martin Cothran và các cuốn sách bài tập tuyệt vời từ nhà xuất bản “Critical Thinking Company;” số còn lại thì tôi không biết rõ. Tuy vậy, tất cả những nguồn tư liệu này hướng tới mục đích dạy cho những người trẻ các kỹ năng cơ bản liên quan đến logic và suy luận.
Khởi nguồn của trí tuệ
Ngài Spock trong phim Du hành giữa các vì sao (của đạo diễn Leonard Nimoy) đã nói: “Logic là sự khởi nguồn của trí tuệ, chứ không phải là kết thúc của nó.”
Khi còn học trung học phổ thông, bạn bè tôi và tôi là những người hâm mộ của bộ phim Star Trek bản nguyên gốc, đặc biệt là đối với ngài Spock người lai giữa nhân loại và người Vulcan đầy tính logic. Những lời thoại như “Tôi có thể nói rằng tôi không hoàn toàn thích ở cùng với con người được không? Tôi thấy những cảm xúc phi lý tính và ngu ngốc của họ luôn khiến tôi khó chịu” làm chúng tôi bật cười thích thú, và vài đứa trẻ còn luôn làm theo dấu tay của ngài Spock, trỏ vào nhau và nói, giống như ông ấy, rằng: “Hãy sống lâu và thành công.”
Chúng ta không cần phải loại bỏ những cảm xúc của mình để trở thành ngài Spock, nhưng chúng ta cũng không nên phớt lờ tính hiệu quả của việc cân nhắc kỹ lưỡng và tư duy. Nhân loại là những sinh vật thông minh nhất trên hành tinh này, và khi chúng ta không sử dụng được sự thông minh đó ở mức tối đa trong khả năng của mình, thì những hậu quả có thể rất khủng khiếp. Luyện tập những kỹ năng tư duy phản biện khiến chúng ta trở thành những công dân tốt hơn, trong mọi việc chúng ta làm, và đó là một món quà ta có thể dễ dàng truyền lại cho con cháu mình.
Kết hợp logic và lý trí cùng với những cảm xúc của chúng ta, sự hợp nhất của khối óc và trái tim sẽ biến chúng ta trở thành con người hoàn thiện hơn.
Jeff Minick có 4 người con và một trung đội cháu chắt đang lớn. Trong 20 năm, ông giảng dạy lịch sử, văn học, và tiếng La-tinh cho các học sinh học tại gia ở Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết, “Amanda Bell” và “Bụi trên đôi cánh của họ,” và hai cuốn sách phi hư cấu, “Những điều tôi học được trên chặng đường đời” và “Những bộ phim làm nên người đàn ông đích thực.” Hiện nay, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Hãy ghé thăm trang JeffMinick.com để theo dõi các bài viết blog của ông.
Jeff Minick
Nhã Liên biên dịch
Xem thêm: