Hãy loại Trung Quốc khỏi WTO
Thương mại tự do đang bị mang tiếng xấu. Trước đây, các nhà kinh tế và chuyên gia hầu như đều tán thành thương mại quốc tế không bị ràng buộc, không bị ảnh hưởng bởi trợ cấp và thuế quan. Giờ đây, sự tín nhiệm đó bị nghi ngờ vì các hoạt động thương mại phi đạo đức của Trung Cộng, bao gồm bán phá giá sản phẩm dưới giá thị trường và hành vi trộm cắp công nghệ phổ biến, cùng với sự xâm lược lãnh thổ đối với các nước láng giềng, và tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ. Việc Tổng thống (TT) Biden duy trì thuế quan của cựu TT Trump đối với Trung Quốc đã khiến sự đồng thuận thương mại tự do rộng mở.
Các biện pháp chống trợ cấp và thuế quan nhằm bảo vệ và khuyến khích các ngành công nghiệp chiến lược và các nhà [sản xuất] vô địch quốc gia của Hoa Kỳ và đồng minh đang gia tăng trên toàn cầu. Việc kiểm soát xuất cảng đối với các công nghệ nhạy cảm đang được áp đặt với mức độ nghiêm ngặt hơn. Trớ trêu thay, một cách để giải quyết vấn đề đối với tất cả các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, là thông qua việc “thoát Trung” có mục tiêu hơn và đầy đủ hơn, bao gồm cả việc loại trừ nước này khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việc loại trừ Trung Quốc khỏi WTO sẽ mang lại sự cứu trợ cho phần còn lại của thế giới và cho phép họ quay trở lại thương mại tự do. Chắc chắn giá máy nướng bánh mì sẽ tăng nếu không có nguồn cung lớn của Trung Quốc, nhưng trả thêm một hoặc hai đồng cho một máy nướng bánh mì đôi khi là cái giá phải trả của việc làm đúng và bảo vệ các quyền tự do và dân chủ của chúng ta trong tương lai.
Mọi người đang bắt đầu nhận ra rằng Trung Quốc có thể, đồng thời đã và đang sử dụng lý tưởng thương mại tự do của chúng ta để chống lại chúng ta, nhằm mục đích phá hủy các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản và các nước đồng minh với mục đích lớn là dựa vào sức mạnh kinh tế của đồng minh, và do đó dựa trên nguồn lực quân sự dân chủ và sự ổn định hệ thống quốc tế sau năm 1945. Thương mại tự do quốc tế với Trung Quốc là một trò chơi cò quay Nga độc hại (Russian Roulette). Mọi thứ thật tốt đẹp cho đến khi Trung Quốc đủ mạnh và viên đạn nổ, sát hại nền dân chủ.
Trung Quốc đang sử dụng nền kinh tế toàn cầu để xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới có thể sớm đánh bại Hoa Kỳ, đặt nền độc lập của các quốc gia trên thế giới vào nguy cơ. Một lúc nào đó trong vòng 100 năm tới, nền dân chủ có thể bị chôn vùi trong đống tro tàn của lịch sử, như một thử nghiệm thất bại trong việc [khuyến khích người dân] tham gia vào chính trị mà đã bị loại khỏi sử sách bởi Trung Cộng và thứ hình thức quản trị chuyên chế trọng dụng nhân tài “hiệu quả và công bằng” hơn của nó, vốn chỉ ‘tình cờ’ bao hàm cả việc lạm dụng nhân quyền tồi tệ. Nếu Trung Cộng thống trị thế giới, chẳng hạn như bằng cách sử dụng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mình tại Liên Hiệp Quốc một cách hiệu quả hơn, thì bất kỳ nhóm bất đồng chính kiến, sắc tộc, hoặc tôn giáo nào cũng có thể là đối tượng tiếp theo.
Ông Alex Grey, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Chính sách Ngoại giao Hoa Kỳ và nguyên là Tham mưu trưởng Hội đồng An ninh Quốc gia (2019-21) viết, “Trung Quốc đã sử dụng WTO giống như cách họ đã sử dụng các tổ chức quốc tế khác và các quy tắc ứng xử quốc tế, một cách khái quát hơn: họ đã lật đổ mục đích đã nêu của các tổ chức này từ bên trong.”
Ông Gray viết trong một email rằng, “Trong khi là một thành viên có uy tín của WTO, Trung Quốc đã đồng thời gây ra hàng ngàn tỷ USD trong những vụ ăn cắp tài sản trí tuệ, vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu, và đục khoét các cơ sở công nghiệp của các thành viên WTO khác, bao gồm cả Hoa Kỳ. Một sự đồng thuận của lưỡng đảng đã hình thành ở Hoa Kỳ cho phép Trung Quốc gia nhập WTO là một trong những thất bại chính sách ngoại giao lớn nhất trong những thập kỷ gần đây, và việc chống lại sự xâm lược kinh tế dai dẳng của Trung Quốc là một sự cấp bách về an ninh kinh tế và quốc gia.”
Giờ đây, giới tinh hoa phương Tây và các đồng minh cuối cùng cũng nhận ra tất cả những điều này, Trung Quốc đang chống lại các hạn chế thương mại gia tăng do chính sách thương mại quá hung hăng của chính họ gây ra. Điều này bao gồm các bài diễn văn tỏ vẻ đạo đức hơn người về thương mại tự do toàn cầu của ông Tập Cận Bình, và các tuyên bố về phân biệt đối xử thương mại của Trung Quốc mà ông Kaush Arha, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng nó đại diện cho “một chiến thuật nghi binh đúng nghĩa để chối bỏ trách nhiệm cho chính hành vi của họ.”
Ông Arha đã viết qua email rằng, “Những hành động của Hoa Kỳ không phải là của một quốc gia đánh đồng các hành động ban đầu chống lại Trung Quốc mà là những hành động được điều chỉnh dựa trên sự cân nhắc về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ khi được các hệ thống thương mại toàn cầu cho phép.”
Ông nói rõ rằng các hoạt động thương mại phi đạo đức của Trung Quốc đang tạo ra sự bất mãn trên toàn cầu đối với hệ thống thương mại quốc tế, và do đó gây nguy hại cho hệ thống rộng lớn hơn đó và hệ tư tưởng thương mại tự do. Ông Arha viết: “Trung Quốc từ lâu đã lẩn trốn sau các quy định của WTO để phá hoại các nguyên lý căn bản của hệ thống thương mại toàn cầu. Mục tiêu đã nêu của một quốc gia là tăng đòn bẩy kinh tế toàn cầu để đạt được lợi ích chính trị [như Trung Cộng đã làm] vốn dĩ không phù hợp với các mục tiêu và tầm nhìn của [WTO].”
Cách duy nhất để cứu WTO và nhờ đó [cứu] các nguyên tắc của thương mại tự do toàn cầu, là thách thức mạnh mẽ hơn về việc Trung Cộng lạm dụng hệ thống, kể cả tại chính WTO. Ông viết: “Tôi sẽ kỳ vọng có nhiều quốc gia hơn thách thức Trung Quốc trong [nội bộ] WTO và yêu cầu cải cách thể chế để bảo đảm sự tồn tại của WTO.”
Thương mại tự do toàn cầu có thể được khái quát hóa như một trò chơi tiến thoái lưỡng nan của tù nhân, trong đó tất cả người chơi phải hợp tác với nhau để cải thiện kết quả cho tất cả mọi người, nhưng chỉ cần một người chơi là có thể phá hỏng kết quả lâu dài của tất cả mọi người bằng cách bán đứng đồng bạn trong ngắn hạn. Trung Quốc đã từng là một quốc gia gian lận hệ thống bằng cách đào sâu vào nền tảng của WTO, và do đó có nguy cơ khiến tất cả sụp đổ.
Sự suy thoái lan rộng trong WTO được thể hiện rõ ràng từ sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và các hiệp định kế thừa của Hiệp định này ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, cũng như chính sách công nghiệp như trợ cấp và thuế quan ở các nền kinh tế hàng đầu. Chính phủ cựu TT Trump đã rút khỏi TTP nhằm thực hiện một cam kết tranh cử, và phá vỡ khuôn mẫu kinh tế bằng cách áp đặt các mức thuế quan kinh tế rất cần thiết đối với Trung Quốc. TT Biden đã giữ lại các mức thuế này.
Người Mỹ đang ngày càng trở nên cảnh giác hơn với các hiệp định thương mại, được đàm phán bí mật và chịu ảnh hưởng của các tập đoàn lớn nhất, vốn gây ra rủi ro cho một số ít các ngành công nghiệp chiến lược còn lại ở Hoa Kỳ. Việc thiếu cơ sở sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) của người Mỹ trong thời kỳ đại dịch đã dẫn đến nhu cầu về một cơ sở công nghiệp độc lập và linh hoạt ở Hoa Kỳ.
Mối nguy hiểm của các hiệp định thương mại tự do không bị ràng buộc là các tập đoàn có ảnh hưởng chính trị tác động đến các thỏa thuận trong giai đoạn đàm phán, để họ tiếp cận tốt hơn với thị trường ngoại quốc, đồng thời đổi lại là cho phép hủy hoại các doanh nghiệp nhỏ. Các tập đoàn lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở mỗi quốc gia giành chiến thắng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ trên toàn cầu bị thiệt hại. Đó là đôi bên cùng có lợi cho những người trong phòng. Không còn gì nhiều cho những ai bị bỏ rơi ở ngoài trong giá lạnh.
Theo ông Arha, các hiệp định thương mại tự do khu vực là triệu chứng, chứ không phải là nguyên nhân cho sự thất bại của thương mại tự do. Ông viết, “Điều cấp thiết là WTO và cấu trúc thương mại thế giới buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về các hoạt động bóp méo thị trường vốn có của mình. Khả năng của chúng ta để khắc phục điều này sẽ quyết định tương lai của thương mại tự do trên toàn cầu hoặc không có nó.”
Theo logic của ông Arha, bản thân thương mại tự do không phải là vấn đề. Chỉ có vấn đề khi một bên tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế lạm dụng hệ thống đó bằng cách gian lận dưới hình thức sử dụng lần đầu các khoản trợ cấp, thuế quan, kiểm soát xuất cảng, hoặc tệ hơn như trong trường hợp của Trung Quốc, đánh cắp công nghệ và xây dựng quân đội được thiết kế để xâm lược và mở rộng lãnh thổ.
Các biện pháp chống trợ cấp, thuế quan và kiểm soát xuất cảng ở các nước khác được thúc đẩy bởi sự e ngại đối với Trung Cộng, và là sự sụp đổ của hệ thống thương mại tự do do Trung Quốc gây ra.
Thương mại tự do quốc tế được xây dựng dựa trên một niềm tin dân sự rộng rãi mà hiện đã bị Trung Cộng phá vỡ hoàn toàn. Doanh nghiệp lớn của chúng ta vẫn đang kiếm tiền ở Trung Quốc, vì vậy [họ] muốn giữ cho công việc kinh doanh béo bở đi đúng hướng. Nhưng nếu không có sự tin tưởng rộng rãi hơn của công chúng và một số cân nhắc đối với doanh nghiệp nhỏ, thì các cử tri sẽ đóng cửa thương mại tự do thông qua chủ nghĩa bảo hộ dân tộc. Họ có thể đang sử dụng búa tạ trong khi thứ cần đến lại là dao mổ.
Loại bỏ Trung Quốc khỏi phương trình thương mại tự do, chẳng hạn như thông qua việc “thoát Trung” về mặt kinh tế và cấm nước này khỏi WTO, và vấn đề chính sẽ được giải quyết mà không cần đến chính sách công nghiệp rộng rãi. Khi Trung Quốc ra khỏi WTO, nền kinh tế và do đó sức mạnh quân sự của nước này suy giảm, các quốc gia dân chủ thân thiện và công bằng, cùng các đồng minh của họ, khi đó sẽ cảm thấy đủ an toàn để một lần nữa mở cửa nền kinh tế của mình cho cạnh tranh quốc tế, và cho những lợi ích kinh tế lâu dài từ việc giao thương tự do với nhau trên toàn cầu. Ít nhất một số doanh nghiệp nhỏ sẽ được hưởng lợi, tạo ra nhiều công việc sản xuất được trả lương cao hơn ở các nước đồng minh và một cơ sở công nghiệp linh hoạt sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp tiếp theo.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách có nhan đề “Sự Tập Trung của Quyền Lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không Xâm Phạm,” đồng thời đã biên tập cuốn sách “Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn.”
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Anders Corr thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ the Epoch Times
Xem thêm: