Hãy để con trẻ cảm nhận được tình yêu thương chân thực!
“Gọi con dậy, con còn không mau rời giường. Mau đi rửa hộp cơm, nhanh lên, trễ rồi!”. Cô Vương ở sát vách lại bắt đầu mắng con của mình…
Tôi miễn cưỡng trở mình, ngẩn ngơ có một chút tỉnh táo, hôm nay là ngày không đặt đồng hồ báo thức, tôi trở mình muốn ngủ tiếp. Lúc này, đứa trẻ bắt đầu gào khóc, xen lẫn tiếng cửa nhôm bị cố sức kéo ra, rồi lại gắng sức đóng lại.. tiếng xe máy cũng vang lên ầm ầm, trong bản cao âm và nhanh giao nhau xuất hiện một cảnh tượng hỗn loạn, náo động. Cô Vương gào lên với con: “Luôn phải bắt người ta thúc giục, còn không lên xe, tối về sẽ không được phép ăn cơm”. Ngay sau đó là một trận tiếng khóc “phiêu đãng” theo gió, đan xen với tiếng “bành… bành” của ống bô xe máy, kết thúc ở đầu hẻm và càng lúc càng xa.
Đường phố yên lặng trở lại, ánh nắng ban mai vẫn dịu dàng, chậu hoa nhỏ trên bệ cửa sổ tràn đầy sức sống, có một loại tâm tình nhàn nhã đang dần nảy sinh. Tôi không mở mắt ra nổi, lại chìm vào giấc mộng đẹp.
Điều con trẻ muốn chính là tình yêu thương cụ thể
Trong giấc mơ, tôi nhìn thấy hình ảnh bà tôi còng lưng, bước đi chậm chạp, giọng nói nhẹ nhàng. Bà nắm tay tôi, tay của bà hơi nhăn nheo và gầy yếu. Mỗi sáng sớm hai bà cháu chúng tôi cùng nhau đi bộ đến trường, tôi là một đứa trẻ được bà nuôi nấng dạy dỗ nên người.
Bà không biết chữ, cũng không biết dạy tôi làm bài tập, ở cột ký tên trong sổ liên lạc là ấn dấu vân tay. Thành tích học tập ở trường của tôi không nổi trội, vì không có ai hướng dẫn tôi làm bài tập. Có đôi khi tôi cũng làm chuyện sai, bà sẽ cầm cành cây nhỏ đánh tôi, còn phạt tôi đứng, nhưng tôi rất ít khi nghe thấy bà quát to lên với tôi. Sau khi lớn lên, tôi đến cô nhi viện làm tình nguyện viên, phát hiện có rất nhiều đứa trẻ có hành vi sai trái, vì chúng hy vọng gây được sự chú ý của người lớn, nhưng lại không biết “hành vi” đó là đúng hay sai, sau khi trưởng thành chúng trở thành người bên lề xã hội, người không nghề nghiệp hoặc gây rối trật tự.
Có một lần, trong buổi hội nghị cứu trợ xã hội, có một thành viên của Trung tâm hỗ trợ và tư vấn về bạo lực gia đình chia sẻ rằng: có một đứa bé là con của một gia đình rất ưu tú, là đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt. Giáo viên ở trường thường phát hiện trên thân thể đứa bé có những vết thương, nhưng đứa bé luôn khăng khăng nói tự mình va phải, bị té nên bị thương. Giáo viên đã tiếp xúc mấy lần với phụ huynh cũng không phát hiện được có gì bất thường: cha mẹ đứa bé đều là những người có học vấn cao. Về sau, sau khi nhân viên xã hội điều tra mới phát hiện, bởi vì mẹ của đứa bé có yêu cầu quá cao đối với thành tích và biểu hiện của con, nên thường sẽ không kiềm chế được cảm xúc, vì vậy có những cách xử phạt về thể xác không nên, thậm chí là sau khi nổi giận thì thường đánh đập đứa trẻ.
Bà Virginia Satir, người sáng lập phương pháp trị liệu gia đình cho biết: “Vấn đề của trẻ đến từ chính cha mẹ! Ở mức độ rất lớn, con người là do gia đình tạo nên, gia đình khỏe mạnh mới có thể mang lại sự phát triển khỏe mạnh của trẻ”.
Tôi đã từng tự hỏi rằng chúng ta nên cho con cái những gì? Phải làm sao để giáo dục đời sau? Nhưng vấn đề này quá rộng lại khó tập trung, có lẽ có thể tóm gọn lại là:“Con trẻ cần tình yêu thương cụ thể”.
Trẻ khi còn nhỏ đối với định nghĩa “chuyện sai” thường là thấy quá rộng và mơ hồ, chỉ cần người lớn đồng ý, việc được đồng ý thì cho rằng là “đúng”, còn trái lại là “sai”, mà không dựa vào các giá trị phổ quát hoặc quy phạm đạo đức để nhận định hành vi thiện ác. Trẻ sẽ lo lắng biểu hiện của bản thân khiến cho người lớn bác bỏ hoặc phủ nhận, vì vậy trong quá trình trưởng thành sẽ nhận được những bài học kinh nghiệm về chính diện hoặc phản diện để định nghĩa việc đúng hay sai. Tuy nhiên, để dưỡng thành nhân cách chính diện, tích cực, cần phải có môi trường và dụng tâm của người lớn bồi dưỡng nên. Nó cũng giống như việc nuôi dưỡng cơ bắp của các bộ phận khác nhau trên cơ thể, ngoài việc tập luyện lặp đi lặp lại nhiều lần nhóm cơ chủ yếu trong thời gian ngắn, còn cần phải thường xuyên huấn luyện mới có thể duy trì được.
Xã hội cũng giống như thùng nhuộm lớn, tốt, xấu, thiện, ác, kiểu người nào cũng có. Trước kia những người già thường nói rằng, “trẻ khi còn nhỏ cần phải dạy dỗ cho tốt, sau khi lớn lên thì không dạy được nữa”. Kỳ thực, câu nói này có hàm nghĩa sâu xa, vì trẻ nhỏ trong quá trình trưởng thành sẽ tích lũy cái nhìn về cuộc sống: từ khi còn nhỏ thụ động tiếp nhận giáo dục của người lớn, đến giai đoạn phản nghịch của tuổi dậy thì… Cuộc sống không ngừng gặp gỡ đan xen những thay đổi của độ tuổi, biến động của môi trường, duy chỉ có tình yêu thương của cha mẹ là không thay đổi.
Có người nói: Cha mẹ là hình ảnh thu nhỏ trong mắt con trẻ, có thể nhìn thấy hình ảnh thu nhỏ của cha mẹ trên người con trẻ. Vì vậy, thay vì suy nghĩ phải làm sao giáo dục con tốt, thì hãy thay đổi tư duy, học cách làm sao để trở thành cha mẹ tốt.
Tích cực nhận ra những hành vi sai lệch của trẻ
Có đôi khi, trẻ không biết hành vi của mình có vấn đề nên mới phạm sai lầm. Nếu như trẻ biết rõ sai mà còn cố ý phạm phải hoặc nhiều lần phạm sai, thì cha mẹ đừng ngại suy xét lại: phải chăng phương thức giáo dục của chúng ta cần điều chỉnh. Cha mẹ hãy tự hỏi xem có phải đã dùng lời nói có tính trách cứ, chỉ trích đối với con hay không, ví như: “Con thật là đáng ghét!”, “Con không thể chăm chỉ chút sao?”, “Đừng có lười biếng như thế”. Hoặc là khen ngợi qua loa, có lệ: “Con rất ngoan”, “Con thật giỏi”. Thế nhưng, đối với những đứa trẻ đang học cách tương tác với người khác, thì những lời trách cứ hoặc những hình dung từ mơ hồ khiến cho trẻ không hiểu rõ sự đúng sai của hành vi đó, không giúp ích cho việc hối lỗi và suy xét.
Hãy thử dùng những lời lẽ tích cực như: “Mẹ có thể chơi đồ chơi của con không?”, “Mẹ và con trao đổi đồ chơi được không?”, “Có thể không cần đẩy mẹ như vậy không? Đẩy như vậy mẹ sẽ bị thương”. Nội dung khen ngợi: “Mẹ không ở nhà mà con cũng không chạy loạn, con thật ngoan!”, “Bảo bối, lần thi đấu này mặc dù không có phần thưởng, nhưng mẹ thấy được thái độ nghiêm túc chuẩn bị của con, thật giỏi!”. Cách khuyên bảo: “Dĩa đựng đồ ăn sau khi ăn xong cần rửa sạch sẽ để khô, như vậy vi khuẩn mới sẽ không dễ sinh sôi, cũng có thể giúp mẹ bớt bận rộn”, “Trước khi đi học cần kiểm tra xem những thứ cần mang theo, mẹ phải làm việc, không thể tùy tiện rời khỏi văn phòng, chúng ta cẩn thận một chút sẽ tạo thành thói quen tốt, được chứ?”.
Căng thẳng không phải là lúc nói lời xúc phạm
Khi con trẻ đối mặt với hoàn cảnh bên ngoài mà sinh ra những cảm xúc căng thẳng, thì chính là thời cơ tốt để rèn luyện tính nhẫn nại, năng lực giải quyết vấn đề. Đối diện với chủ đề quan trọng như vậy, nếu cha mẹ không coi trọng, thì ngược lại sẽ đem cảm xúc của mình phát tiết hết lên con trẻ, dễ làm cho trẻ sinh ra những hành vi sai trái. Hành vi của trẻ không những không nhận được sự uốn nắn, còn hiểu lầm rằng mình chính là “đứa trẻ hư”, vì vậy mà dưỡng thành tính cách tiêu cực, phụ diện, thiếu tự tin hoặc phủ nhận bản thân. Cha mẹ không quản lý tốt cảm xúc của mình, điều này sẽ truyền thừa lại cho con cái, hai bên đều nảy sinh sự chán ghét… Điều này cũng khó trách có những đứa trẻ oán hận rằng tính cách của mình giống với ba hoặc mẹ.
Cuộc sống có rất nhiều cơ hội và thách thức, bông hoa trong nhà kính dễ dàng thất bại, chúng ta nên làm thế nào để cho con trẻ biết được rằng thế giới bên ngoài không chỉ có ánh nắng, mà gió táp mưa sa cũng không hề ít – “Không thể nào ai ai cũng đều thích con”.
Ở nơi làm việc tôi đã từng bị một vị đồng nghiệp nói ngay trước mặt rằng, cô ấy không hiểu vì sao không thích tôi, vì vậy không chấp nhận sự quản lý của tôi. Lúc ấy, tôi cảm thấy ngạc nhiên, và sau đó, tôi càng hiểu rõ hơn rằng vì sao hiện nay có rất nhiều cuốn sách truyền cảm hứng, nhưng nhà phê bình cũng không hề ít, đây chính là cuộc sống. Bởi vậy, cho con trẻ tình yêu thương còn phải bao gồm cả bao dung, độ lượng khi đối diện với áp lực.
Có nhiều bậc cha mẹ làm việc vất vả cả đời, chỉ vì để cho con cái tình yêu thương trọn vẹn, nhưng yêu thương can thiệp quá mức ngược lại dễ sinh ra “nô dịch của con, bảo bối của mẹ”. “Là mẹ không tốt, không giúp con mang bình nước”, “Nhớ mang theo bút chì, nhớ mang theo khăn tay, nhớ….”, “Tiểu Minh ở nhà bên cạnh học thêm toán, con cũng học thêm đi, nếu không sẽ không theo kịp các bạn”… Lo lắng cho con cái, lo lắng quá mức, cảm giác bất an cũng sẽ khiến cho trẻ trở nên rụt rè yếu nhược, đánh mất đi ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Bởi vậy, cha mẹ hãy thông qua việc giải thích, giúp trẻ học được cách tự mình giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống, ví như nói: “Con yêu, sau này mỗi khi đi ra ngoài tự con kiểm tra xem có mang theo bình nước chưa, được không?”, “Mẹ đôi khi cũng quên mất, chúng ta hãy học cách làm người lớn và tự chịu trách nhiệm về mình, được không?”.
Ai cũng đã từng là một đứa trẻ
Nhà giáo dục người Ukraine, ông Sukhomlynsky từng nói, “Mỗi giây phút bạn nhìn thấy con mình, cũng chính là thấy được chính mình; bạn giáo dục con, cũng chính là giáo dục chính mình, đồng thời kiểm nghiệm nhân cách của mình”.
Đối mặt với đứa trẻ gào khóc đòi ăn, với những thanh niên cường tráng đang vất vả để sinh tồn trong khe hẹp, nhắc nhở chúng ta học cách chữa lành cho tâm hồn và vết thương của chính mình, đối đãi với con cái của chúng ta bằng tấm lòng rộng mở và bao dung. Từ đó, để cho con trẻ cảm nhận được tình yêu thương chân thực, đồng thời tiếp tục truyền thừa cho thế hệ mai sau.
Hiểu Mỹ thực hiện
Mạt Lỵ biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: