Hãy chấm dứt ‘khoản ủng hộ của quốc gia sở tại’ do Nhật Bản chi trả cho các lực lượng Hoa Kỳ
Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ sớm mở lại các cuộc đàm phán về “khoản ủng hộ của quốc gia sở tại.” Đó là khoản ngân sách mà Nhật Bản chi trả để trang trải một phần chi phí cho các lực lượng của Hoa Kỳ đang đóng quân tại Nhật Bản.
Nếu một bài báo gần đây của hãng thông tấn Kyodo News là chính xác, thì chính phủ Tổng thống Biden đang có kế hoạch yêu cầu người Nhật đóng góp nhiều hơn so với mức 1.84 tỷ USD mà Tokyo hiện đang chi trả.
Nhắc lại xem nào? Tăng mức đóng góp ư?
Cựu Tổng thống Donald Trump đã bị lên án dữ dội khi yêu cầu người dân Nhật Bản chi nhiều hơn cho khoản ủng hộ của quốc gia sở tại. Ông ấy đã yêu cầu Nhật Bản chi trả hơn gấp bốn lần—điều mà người ta có thể trông đợi từ lời đề nghị ban đầu của một chuyên gia địa ốc tại New York.
Người dân Nhật Bản đã bị khó chịu, không chỉ vì khoản chi phí rất lớn này mà còn vì họ cho rằng họ đã phải chi trả quá nhiều. Và những người phản đối ông Trump trong nước đã nguyền rủa ông ấy (không biết là lần thứ bao nhiêu) là một “gian thương” quá quắt—vậy mới cả gan yêu cầu các đối tác của Hoa Kỳ đổi chác một thứ gì đó để nhận lại sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Hiện đội ngũ của ông Biden rõ ràng đang có kế hoạch đánh úp người Nhật để có thêm chi phí.
Người viết bài này đủ chín chắn để nhận thức được từ “đạo đức giả” có nghĩa xấu như thế nào—ngay cả tại Hoa Thịnh Đốn (tuy vậy phải thừa nhận là ở một mức độ thấp hơn).
Nhưng đó đã là chuyện của dĩ vãng.
Người ta không cần lo lắng về việc các cuộc đàm phán sắp tới sẽ trở thành tiêu điểm gây tranh cãi lớn đối với mối bang giao Nhật Bản-Hoa Kỳ.
Quý vị thấy đấy, người Nhật vẫn sẽ cố chấp và từ chối trả thêm bất cứ một xu nào so với hiện tại. Trên thực tế, họ thậm chí có thể yêu cầu trả ít hơn—do “điều kiện tài chính ngặt nghèo” của Nhật Bản (một lý do cũ rích lặp lại trong 25 năm qua—mặc dù đã kiếm được 20 hay 30 tỷ dollar dưới đệm sofa để chi trả cho Thế vận hội Tokyo vừa diễn ra).
Đội ngũ của ông Biden sẽ không thúc ép họ. Họ không phải là loại người như vậy. Nếu người Đức có thể yêu cầu chính phủ ông Biden “xéo khỏi” đường ống Nord Stream vốn có lợi cho ông Vladimir Putin và đặt phần lớn Âu Châu dưới sự hăm dọa của Nga mà chẳng hề hấn gì, thì người của ông Biden sẽ không làm ầm lên với người Nhật về khoản ủng hộ của quốc gia sở tại.
Người Nhật cần chi trả bao nhiêu là phù hợp vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Các lý lẽ thuyết phục có thể được đưa ra là số tiền 1.84 tỷ USD hiện tại đang là quá ít, vừa phải hoặc còn xa mới đủ.
Người viết bài này cho rằng số tiền trên là “còn lâu mới đủ”—nếu người ta đang định giá cho sự phụng sự tận tụy của một lực lượng có thể vẫn [được đánh giá] là đội quân hùng mạnh nhất thế giới.
Nhưng có điều gì đó không đúng với việc Nhật Bản chi trả khoản ủng hộ của quốc gia sở tại.
Nếu một mối bang giao là đủ quan trọng với cả hai bên, thì mỗi bên sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng và sẽ chẳng hề ca thán. Và điều đó bao gồm cả việc mỗi bên cần nỗ lực chân thành trong việc trang trải cho những chi phí thiết yếu. Việc cò kè mặc cả vì tiền bạc—và còn vì một món tiền tương đối nhỏ—chỉ có thể gây ra rắc rối. Điều này tương tự như việc một người đã lập gia đình và yêu cầu vợ mình kiếm thêm 50 dollar hàng tháng để góp phần trang trải tốt hơn cho sự gánh vác của anh ta. Ai cũng biết những yêu cầu kiểu đó luôn diễn ra suôn sẻ như thế nào.
Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều cho rằng mối bang giao Hoa Kỳ-Nhật Bản là mối bang giao song phương quan trọng nhất—“không có ngoại lệ,” trích lời cựu Đại sứ Hoa Kỳ Mike Mansfield tại Nhật Bản. Và thật khó để nói khác đi trong những ngày này khi mà Trung Quốc cộng sản đang sẵn sàng giao chiến và tiến hành một cuộc bành trướng quân sự lớn nhất, nhanh nhất trong lịch sử—mặc dù không phải đối mặt với kẻ địch nào.
Thỏa thuận ủng hộ của quốc gia sở tại đã từng có thời của mình—khi người Nhật tràn ngập tiền mặt và người Mỹ gặp khó khăn về tài chính. Thật vậy, ban đầu nó được gọi là “ngân sách đồng cảm”—vì người Nhật đang ký chi phiếu vì “đồng cảm” để giúp đỡ các bằng hữu đến từ Hoa Kỳ của mình. Tuy nhiên, những ngày tháng đó đã qua đi, và khoản ủng hộ của quốc gia sở tại giờ đây lại là điều gây khó chịu hơn bất cứ điều gì khác.
Hay là thế này nhé, người Mỹ hãy hủy bỏ các cuộc đàm phán và nói với người Nhật rằng các khoản đóng góp ủng hộ của quốc gia sở tại đã không còn cần thiết?
Vậy còn cò kè mặc cả chi nữa?
Thay vào đó, hãy đề nghị Nhật Bản giữ tiền và chi tiêu vào việc cải thiện khả năng phòng thủ của chính họ. Và việc chi tiêu cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) có thể là một khởi đầu tốt. JSDF đã tuyển ít hơn mục tiêu khoảng 25% binh lính mỗi năm, và đó là do các điều khoản tuyển quân bèo bọt hơn là do dân số đang già đi và ngày càng thu hẹp của Nhật Bản.
Toàn bộ câu chuyện này là về việc Nhật Bản làm tất cả những điều cần thiết để cải thiện khả năng chiến đấu—hiện đang còn thiếu sót của mình.
Hãy biến JSDF thành một lực lượng có thực lực và sẵn sàng giao chiến—với khả năng phối hợp (tức là ba lực lượng quân sự có thể phối hợp hoạt động), được trang bị, đào tạo, tổ chức và sẵn sàng ứng chiến về mặt tâm lý. Và nên chăng có thể sử dụng một phần trong khoản 1.84 tỷ dollar mà sẽ không dành cho người Mỹ đó để xây dựng một trụ sở hoạt động chung giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ tại nước này?
Chỉ cần thực hiện tất cả những điều này, và nó thực sự sẽ đem lại lợi ích đáng kể cho mối quan hệ đồng minh này hơn là các cuộc đàm phán để nhận được hỗ trợ định kỳ từ quốc gia sở tại, khi mà họ không sẵn lòng và như vậy sẽ không khiến ai hài lòng cả.
Và thay vì trông chờ Nhật Bản tìm ra cách cải thiện khả năng phòng thủ của họ, người Mỹ cần làm khác đi một lần trong đời—hãy đưa ra lời khuyên chi tiết—khi mà các nhà ngoại giao Mỹ lặng lẽ thông báo cho Nhật Bản rằng điều này cần phải xảy ra.
Trên thực tế, phần lớn người Nhật sẽ hoan nghênh việc người Mỹ nói chuyện một cách thẳng thắn hơn—và hiệu quả là vẫn đáp ứng trang trải cho họ đôi chút.
Vậy nên, nếu chính phủ Tổng thống Biden muốn thúc đẩy mối bang giao Hoa Kỳ-Nhật Bản, họ chỉ cần hủy bỏ các khoản đóng góp ủng hộ của quốc gia sở tại từ phía Nhật Bản.
Tất nhiên, Nam Hàn cũng sẽ muốn được đối xử tương tự. Nhưng tốt thôi. Mối bang giao Hoa Kỳ-Nam Hàn cũng không kém phần quan trọng, ngay cả khi tương tác [của mối bang giao này và mối bang giao với Nhật Bản] khác nhau ở một số khía cạnh nhất định.
Đây không hẳn là những quyết định khó khăn đối với đội ngũ của ông Biden. Hoa Kỳ cần năng lực từ các đối tác—chứ không phải là tiền mặt.
Và ít ra thì, việc buộc Nhật Bản phải đóng góp một khoản chi phí trong việc trang trải cho lực lượng phòng vệ của Hoa Kỳ tại nước này—với bất kỳ con số nào—có vẻ như hoàn toàn mang tính giao dịch. Nhưng dường như có một số việc là tồi tệ khi ông Trump làm, nhưng lại là tốt đẹp khi ông Biden làm. Có một từ dành cho điều đó—[gọi là đạo đức giả].
Tác giả Grant Newsham là một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, đồng thời là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ cũng như một giám đốc kinh doanh, người từng sống và làm việc nhiều năm ở khu vực Á Châu/Thái Bình Dương. Ông từng là Cục trưởng trừ bị cho cục tình báo của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Thái Bình Dương, và từng hai lần làm tùy viên Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tokyo. Ông còn là thành viên cao cấp của Trung tâm Chính sách An ninh.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Grant Newsham thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: