Hậu quả từ đợt IPO bất thành của Ant Group
Ant Group, công ty fintech sáng giá nhất của Trung Quốc, đã được chuẩn bị sẵn sàng để huy động mức kỷ lục 37 tỷ USD trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng – trước khi mọi thứ tan biến trong vài ngày.
Thương vụ IPO bất thành của Ant Group đã khiến cho tất cả các bên liên quan đều bất ngờ, có lẽ ngoại trừ những quan chức cao cấp nhất của ĐCSTQ. Từ đống đổ nát trong vụ bán cổ phần của Ant Group, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận về cách thức quản lý hiện nay của ĐCSTQ, về môi trường đầu tư trong tương lai cũng như những gì xảy ra tiếp theo đối với Ant Group và các nhà tư vấn của nó.
IPO của công ty fintech khổng lồ này dự kiến sẽ ra mắt tại Thượng Hải và Hồng Kông vào ngày 05/11. Jack Ma, người sáng lập Ant Group, đồng thời là người sáng lập và điều hành cũ của Alibaba, cùng một số giám đốc điều hành đã bị các cơ quan quản lý triệu tập đến Bắc Kinh vào ngày 02/11. Một ngày sau, đợt IPO đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc hoãn lại.
Vậy điều gì đã xảy ra?
Hầu hết giới quan sát Trung Quốc cho rằng ĐCSTQ đã tức giận với ông Ma khi ông quyết định phát động một đợt chỉ trích dữ dội vào các nhà quản lý Bắc Kinh tại một hội nghị tài chính vào tuần trước ở Thượng Hải. (Trong cuộc hội thảo) với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, ông Ma cáo buộc hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc đã lỗi thời và cản trở sự đổi mới.
Ông Ma cũng nói các ngân hàng truyền thống – nhiều ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ – có tư duy “tiệm cầm đồ”, khi yêu cầu tài sản thế chấp từ người vay thay vì sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để đánh giá rủi ro, điều mà Ant Group đang làm với công nghệ độc quyền của mình.
Những lời nói thẳng thừng của ông Ma đã khiến các nhà quản lý Trung Quốc và các quan chức ĐCSTQ choáng váng. Các nhân vật trong ĐCSTQ bắt tay vào việc kiềm chế ông Ma, và với tốc độ thực hiện nhanh chóng, đã nhấn chìm đợt IPO của Ant Group.
Ngay sau lời chỉ trích rõ ràng của ông Ma, Bắc Kinh đã đưa ra [xem xét] một số ý kiến từ các học giả cảnh báo các công ty công nghệ không nên chấp nhận rủi ro quá mức. Các nhà quản lý đã tăng cường giám sát mô hình kinh doanh của Ant Group. Theo Reuters, các nhà quản lý trong nhiều năm đã tìm cách kiềm chế Ant Group do sự đột phá của nó gây gián đoạn đến mô hình kinh doanh ngân hàng truyền thống, và với lệnh từ Phó Thủ tướng Liu He, các cơ quan quản lý cuối cùng đã bật đèn xanh để cắt giảm quy mô của Ant Group.
Hôm 02/11, ông Ma và một số giám đốc điều hành của Ant Group đã được triệu tập đến Bắc Kinh để gặp ngân hàng trung ương và hai cơ quan quản lý quan trọng khác. Ngay ngày hôm sau, các quy tắc quản lý sửa đổi đối với các doanh nghiệp cho vay vi mô đã được ban hành, cho thấy mô hình kinh doanh hiện tại của Ant Group có khả năng vi phạm pháp luật. Thượng Hải ngay lập tức hủy niêm yết IPO đang chờ giải quyết của Ant Group; Hồng Kông ngay sau đó cũng thực hiện theo.
Thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử đã biến mất trong vòng chưa đầy một tuần.
Trở lại với kế hoạch dự tính
Các quy tắc dự thảo được công bố hôm 03/11 yêu cầu các tổ chức cho vay vi mô như Ant Group phải góp ít nhất 30% vào bất kỳ khoản vay nào mà họ khởi tạo cùng với các ngân hàng. Theo bản cáo bạch IPO của Ant Group, chỉ 2% giá trị các khoản vay hiện hữu của công ty tính đến tháng 6/2020 được tài trợ từ chính bảng cân đối kế toán của họ.
Các quy định mới có thể buộc Ant Group phải rà soát lại về toàn bộ mô hình kinh doanh của mình. Tạo điều kiện cho các khoản vay chiếm khoảng 40% hoạt động kinh doanh hiện hữu của công ty và hiện tại, nó hoạt động như một bên trung gian để khớp nối những người đi vay với các ngân hàng truyền thống. Có thể mất vài tháng, nếu không phải là nhiều năm, đối với Ant Group để thay đổi mô hình kinh doanh và quay trở lại thị trường. Và nếu Ant Group phải sử dụng bảng cân đối kế toán của riêng mình, nó sẽ thay đổi đáng kể hồ sơ doanh thu và thu nhập của công ty, có khả năng gây tổn thất về mặt định giá cho ông Ma và các nhà đầu tư khác hàng tỷ US dollar.
Theo Reuters, một số người trong nội bộ Ant Group hy vọng rằng có thể có những thay đổi đối với dự thảo quy định, bao gồm cả các yêu cầu về tài trợ. Họ đang đánh cược rằng ĐCSTQ chỉ muốn cho ông Ma và Ant Group biết ai là người quyết định và bất kỳ bất đồng chính kiến với đường lối của Đảng sẽ không được nhân nhượng. Và một khi điều này lắng xuống giữa các bên liên quan, thì IPO sẽ được phép tiếp tục.
Chứng minh quan điểm của ông Ma
Các hành động của Bắc Kinh trong tháng này khác với kịch bản thông thường của họ. Các nhà quản lý trước đây sẽ để ông Ma được yên, vì sự giàu có, tầm vóc của ông như là một trong những doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc và mối quan hệ chặt chẽ của ông với các quan chức ĐCSTQ.
Tuy nhiên, lần này thì khác. Bài phát biểu ngày 24/10 của Ma rõ ràng là một bước quá đà. Và hành động tiếp theo của Bắc Kinh có lẽ đã nhấn mạnh sự chuyển dịch các ưu tiên đang thay đổi của chính phủ. Thắt chặt các quy định tài chính và giảm thiểu rủi ro đối với lĩnh vực tài chính đang phát triển của Trung Quốc – trong bối cảnh đại dịch toàn cầu – có thể là điều tối quan trọng đối với ĐCSTQ.
Nhưng những quyết định như thế này cũng nhấn mạnh mức độ thất thường của các nhà quản lý Bắc Kinh, và thị trường vốn của Trung Quốc vẫn không thuộc về nhóm các sân chơi lớn. Điều mà các nhà đầu tư toàn cầu đánh giá cao hơn hết, đó là khả năng dự đoán và tính nhất quán.
Các cơ quan quản lý đã điều tra những người cho vay vi mô trực tuyến trong nhiều năm và điều này rất đúng đắn. Họ (những người cho vay) không yêu cầu tài sản thế chấp giống như ngân hàng và cũng đúng khi cho rằng họ nên làm như vậy. Tuy nhiên, sự đột ngột và nặng nề của hành động từ bên phía quản lý – chỉ hai ngày trước đợt IPO được mong đợi rất nhiều của Ant Group – chứng tỏ rằng chế độ quản lý của Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện.
Các nhà đầu tư đã cam kết 34 tỷ USD cho đợt IPO và các ngân hàng đang trong quá trình tiếp nhận các khoản tiền này. Bây giờ, các ngân hàng phải trả lại tiền mặt cho người đăng ký. Không nhà đầu tư nào mất tiền, nhưng kiểu xoay trục này rất khó xử và chưa từng có tiền lệ.
Điều gì nữa còn có thể trở thành có vấn đề ngoài đợt IPO của Ant? Chính là cái gọi là “điều khoản giữ tiền” của thị trường trái phiếu dollar nước ngoài của Trung Quốc, ngầm bảo đảm trả nợ trong trường hợp vỡ nợ. Về mặt kỹ thuật thì điều đó là không hợp lệ, nhưng [đúng là] các tòa án Trung Quốc đại lục đã phán quyết cả ủng hộ lẫn chống lại việc thi hành Điều khoản này trong các trường hợp riêng biệt. Các nhà đầu tư nước ngoài không nên phụ thuộc vào việc áp dụng trước sau như một của điều khoản này trong tương lai.
Các ngân hàng đầu tư đối tác của Ant Group, bao gồm Citigroup, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và China International Capital Corp., đã dự kiến có một khoản thu lớn với hàng trăm triệu USD phí tiềm năng. Ant Group ước tính trả phí tới 1% tổng số tiền thu được, theo hồ sơ quy định. Nhưng IPO bị tạm dừng đã xóa sổ khoản thu này của họ và không rõ liệu các ngân hàng có được trả một khoản phí danh nghĩa cho công việc mà họ đã thực hiện liên quan đến IPO hay không.
Roger W. Robinson Jr., chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của RWR Advisory Group, công ty tư vấn rủi ro và nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết: “Những ngân hàng đầu tư đó và những thể chế khác quản lý đợt IPO này dường như đã bị mờ mắt bởi những khoản phí lớn và quên mất sự thất thường của ĐCSTQ và những rủi ro đặc biệt vốn có khi đối phó với một nhà nước cảnh sát độc tài. Những người cho rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần là một quốc gia khác thì sẽ gặp các mối nguy hiểm như vậy.”
Các nhà đầu tư nên được cảnh báo rằng bất kỳ luật nào cũng có thể bị phá vỡ hoặc thay đổi theo ý muốn của ĐCSTQ. Và điều đó có thể xảy ra mà không cần cảnh báo trước. Điều đó thậm chí đã xảy ra với Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.