Hát Thánh ca Gaelic: Một truyền thống như biển cả
Nhà soạn nhạc Calum Martin giới thiệu truyền thống ca hát kết nối người Scotland với nhau và với Chúa.
“Hình thức âm nhạc độc đáo và nguyên sơ này đã đeo bám tôi. Như thể tình yêu của mẹ, nó không bao giờ rời xa,” Nghệ sĩ và Nhà sản xuất âm nhạc người Scotland, Calum Martin nói.
“Điều làm cho việc hát thánh ca Gaelic trở nên đặc biệt là sự pha trộn của các giọng hát gồm những giọng ca tuyệt vời và những giọng ca không quá tuyệt vời. Sự pha trộn đó trong bối cảnh của một nhà thờ công cộng khiến nó trở nên hoàn toàn độc đáo về mặt tâm linh”. (Gaelic là thuật ngữ để chỉ tiếng Ireland sử dụng ở Scotland).
Hát thánh ca Gaelic là một truyền thống của Scotland có từ năm 1659, khi các mục sư Trưởng Lão dịch các thánh ca sang tiếng Gaelic. Một người lĩnh xướng hát những câu mở đầu của thánh ca, và hội thánh hát nổi lên theo (hội thánh trước đây có thể có hàng ngàn thành viên). Không có nhạc cụ nào đi kèm, vì vậy mỗi người hát theo tiết tấu và nhịp điệu của riêng mình, để rồi cuối cùng quay trở lại hát cùng một nốt trong giai điệu.
Ông Martin, người dạy hát thánh ca Gaelic giải thích cách hát truyền thống này kết nối một người đồng thời với cả hội [thánh] và với các vị thần.
Ông nói: “Có hai điều xảy ra trong buổi lễ thờ phượng bằng thánh ca Gaelic: Chiều dọc và chiều ngang. Mối liên hệ theo chiều dọc là giữa bạn và Chúa khi bạn hát thánh ca. Bạn đã có giai điệu cơ bản trong đầu, nhưng xung quanh giai điệu cơ bản đó, bạn đang dệt nên những nốt nhạc duyên dáng độc đáo của riêng mình vào.”
“Đồng thời, bạn cũng nhận thức về chiều ngang. Bạn biết người khác đang làm gì”, điều đó kết nối bạn với hàng trăm người tín phụng khác. Bài hát và tiết tấu chậm lại đến mức dù một người hát nhanh trước thì những người khác vẫn bắt kịp.
‘Mọi người nói nó giống như sóng biển vỗ dào dạt”, ông nói.
Truyền thống
“Hát thánh ca Gaelic giống như một ngôn ngữ. Nó luôn ở bên tôi,” ông Martin nói. Khi còn là một cậu bé 4 tuổi, ông nội của ông đã đưa ông đi hát trong nhà thờ.
Ông Martin giải thích rằng cách hát thánh ca Gaelic mới đầu được học tại nhà trong buổi thờ phượng của gia đình vào mỗi buổi sáng và buổi tối. Mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau hát, học các bài thánh ca. Sau đó, tất cả các gia đình sẽ tụ họp trong buổi lễ ngày Chúa Nhật.
“Điều rất quan trọng là mọi người đều tham gia vào ca hát thực sự,” ông nói. Vì mỗi người hát thêm vào nốt nhạc láy của riêng mình nên đó là một trải nghiệm rất riêng. Sau đó, tất cả những người hát hòa quyện cùng nhau trong giai điệu, khiến nó cũng trở thành một thứ âm thanh và cảm xúc thực sự gắn kết.
Các giai điệu được hát trong thánh ca Gaelic đến từ Sách Thi thiên thế kỷ 16 của Vương quốc Anh. Ngoài ra, hát Sean-its (tiếng Ireland có nghĩa là “kiểu cũ”), một truyền thống Gaelic cổ của Scotland và Ireland cũng ảnh hưởng đến cách hát thánh ca Gaelic. Sean-its là một lối hát mang phong cách cappella, cho phép người hát tự do thể hiện.
Ông Martin nhấn mạnh rằng hát thánh ca Gaelic không phải là một dàn hợp xướng, mà đặc trưng thường có phần hòa âm giọng hát gồm bốn phần: Soprano, alto, tenor và bass. Sau đó, một nhạc trưởng chỉ đạo nhịp độ cụ thể.
Ngược lại, hát thánh ca Gaelic lấy giai điệu cốt lõi và hát chậm lại.
“Nhịp độ được hoãn lại. Nó diễn ra chậm đến nỗi [có] nhịp hát bù vào cùng với các nốt láy khiến nó trở nên hài hòa,” ông nói.
Ông Martin tin rằng hiệu quả của việc chỉ có giọng hát lặp đi lặp lại mà không có nhạc cụ giống như không có gì khác ngoài âm nhạc. “Giọng hát rất khác so với bất cứ thứ gì. Không gì sánh được với giọng hát.”
Vượt Đại dương
Phong cách hát “call-and-response” (gọi và đáp lại) của “Tiếng hát thánh ca Gaelic đang hòa quyện vào mọi hình thức âm nhạc Hoa Kỳ,” ông Martin nói, lặp lại lời của Willie Ruff, một nhạc sĩ và là giáo sư đã nghỉ hưu của Trường Âm nhạc Yale. (Call-and-response là phong cách hát trong đó một ca sĩ hát một giai điệu, sau đó một hoặc nhiều ca sĩ khác sẽ hát theo hoặc hoà âm theo).
Ông Ruff nói với Martin rằng việc hát thánh ca Gaelic – vốn giống với nhịp điệu từ vùng Caribe và tiếng gọi đáp từ Châu Phi – đã được sắp xếp vào cấu trúc nhạc để trở thành thể loại nhạc Americana.
Ông Martin giải thích vào giữa thế kỷ 18, có khoảng 50,000 người Scotland nói tiếng Gaelic định cư ở Cape Fear, North Carolina. Cả người da trắng và da đen sẽ cùng nhau đi nhà thờ và hát bằng tiếng Gaelic. Nghệ sĩ kèn jazz nổi tiếng Dizzy Gillespie, người gốc Scotland, đã kể với Ruff về di sản hát thánh ca Gaelic này, ông nói thêm.
Nhưng phải đến khi ông Ruff đến thăm một nhà thờ của người da đen tại Presbyterian, ông mới thực sự tìm hiểu về cách hát thánh ca Gaelic. Ông Ruff lớn lên ở Sheffield, Alabama. Thời trẻ, ông đến một nhà thờ Baptist dành cho người da đen và hát theo kiểu “lining out”, tiền thân của hát thánh ca Gaelic.
Ông Martin kể lại: “Ruff đã đến nhà thờ Presbyterian của người da đen này và đã chứng kiến họ hát giống hệt kiểu hát ‘lining out’ mà Willie đã hát hồi trẻ. Ruff đến gặp các trưởng lão trong nhà thờ và hỏi họ, “Từ khi nào trưởng lão da đen các ngài đã giữ được cách hát của người Baptist da đen chúng tôi?”
Các trưởng lão da đen trả lời: “Chúng tôi đã luôn làm như vậy. Người ta đồn rằng ở bờ Tây Scotland, những người Trưởng lão da trắng làm điều đó bằng ngôn ngữ Gaelic.”
Ông Ruff đã lập tức lên máy bay và bay đến đảo Lewis và Harris thuộc quần đảo Outer Hebrides của Scotland, nơi ông đã gặp Martin và kể cho Martin nghe câu chuyện này.
Bảo tồn Di sản của Chúa
Ông Martin nói: “Đã có những ngày cả 1,000 người cùng nhau thường xuyên hát cho các buổi lễ trên đảo ở đây, chúng ta sẽ không bao giờ thấy lại những ngày đó nữa. “Nhưng hy vọng là tôi sai.”
Ông Martin giải thích rằng hàng trăm ngàn người Scotland chưa từng bao giờ nghe hát thánh ca Gaelic.
Ông nói: “Chúng tôi không giấu nó với bất kỳ ai, nhưng nó chỉ nằm bên trong các bức tường của nhà thờ.”
Khi ngày càng ít người Scotland nói tiếng Gaelic, truyền thống ca hát này có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Ông Martin đã tham gia vào nhiều sáng kiến để bảo tồn nó, từ hội nghị chuyên đề với các ca sĩ Ấn Độ đến các lớp học trực tuyến thành công trong thời gian bị phong tỏa, thu hút hơn 10,000 lượt xem.
Ông Martin gần đây cũng đã phát hành một album với nhà soạn nhạc từng đoạt giải Grammy Craig Armstrong. Album “The Edge of The Sea” (tạm dịch: “Bờ biển”) bao gồm hai tác phẩm mới: “Martyrdom” và “Ballantyne”, vốn trước đây là một giai điệu truyền thống cuối thế kỷ 18. Đối với tác phẩm sau này, Martin viết giai điệu. Dàn nhạc vĩ cầm hàng đầu của Vương quốc Anh, Scottish Ensemble, biểu diễn cùng với một đồng ca hội thánh do Martin tuyển chọn từ quê nhà của ông trên đảo Lewis và Harris.
Ông Martin nói: “Chúng tôi đã làm điều chưa từng được làm trước đây”. Ông đang đề cập đến sự kết hợp của nhạc cụ với việc hát thánh ca Gaelic thực sự, vốn luôn không có nhạc đi kèm. Tất cả đều được thu âm trực tiếp, chỉ một lần, chưa từng có bản thu âm hoặc bản mẫu nào trước giờ.
Đối với ông Martin, hát thánh ca Gaelic không chỉ là một truyền thống ca hát. “Đó là một phần trong huyết mạch của chúng tôi. Đó là truyền thống tinh thần của chúng tôi. Đó là một phần của con người chúng ta,” ông khẳng định.
J. H. White
Thanh Mai biên dịch
Xem thêm: