Hành trình âm nhạc của nhạc công David McGill với cây kèn bassoon
Học từ các tên tuổi vĩ đại và truyền lại cho thế hệ sau
Anh David McGill đã có một khởi đầu đầy cảm hứng trong sự nghiệp giảng dạy của mình; và trước đó, là trong vai trò nhạc công chơi kèn bassoon chính của các dàn nhạc lớn ở Hoa Kỳ và Canada.
Đối với anh, trong thế giới âm nhạc thì, âm nhạc không phải là một nghĩa vụ hay chỉ là một công việc. Đó còn là phong cách sống. Khi không tham gia biểu diễn, anh nghe rất nhiều nhạc phẩm vĩ đại. Anh chia sẻ rằng lắng nghe âm nhạc khiến anh say mê. Đó là một phản ứng vật lý. “Tôi cảm thấy thật sống động,” anh nói.
Anh đặc biệt yêu thích các bản thu âm của nữ ca sĩ Maria Callas, người đã lấy giọng hát làm nhạc cụ cho mình. “Bà đã mang đến một sự hoàn hảo nhất định cho thế giới không hoàn hảo này,” anh bộc bạch.
Anh McGill lớn lên trong ngôi nhà tràn ngập âm nhạc. Khi anh còn nhỏ, ngôi nhà của anh có một bộ sưu tập đĩa hát khá lớn, hầu hết trong đó là nhạc cổ điển. Anh lắng nghe các bản ghi âm này để tìm ra một loại nhạc cụ để chơi.
Một trong những bản ghi âm mà anh tìm được ở nhà là “Young Person’s Guide to the Orchestra” (Hướng dẫn về dàn nhạc giao hưởng cho thanh thiếu niên) của nhà soạn nhạc Benjamin Britten. Đây là tác phẩm nêu bật sở trường của tất cả các loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Ban đầu, anh chọn kèn clarinet sau khi lắng nghe thanh âm của loại kèn này. Sau đó, anh nhận thấy những rung cảm sâu sắc hơn của kèn bassoon — điều thậm chí còn khiến anh tò mò hơn.
“Tôi muốn nghe tất cả các bản nhạc trong thư viện đĩa hát của mẹ tôi và nghiên cứu xem kèn bassoon đang làm gì trong những bản thu âm này. Tôi nghĩ rằng càng nghe, tôi lại càng nhận ra tôi thực sự yêu thích nhạc cụ này.”
Anh theo học tại Học viện Âm nhạc Curtis, nơi anh tìm thấy một trong những giáo viên có ảnh hưởng lớn nhất đến âm nhạc của mình: thầy Sol Schoenbach ở trường Curtis.
Sau khi tốt nghiệp, anh McGill biểu diễn trong Dàn nhạc Giao hưởng Toronto. Trước khi ổn định vị trí chơi kèn bassoon chính trong Dàn nhạc Giao hưởng Chicago trong 17 năm, anh từng chơi ở vị trí nhạc công bassoon chính của Dàn nhạc giao hưởng Cleveland. Anh McGill đã học hỏi từ những người giỏi nhất, khi dàn nhạc nằm dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ âm nhạc vĩ đại Daniel Barenboim, và kế đến là nhạc trưởng Riccardo Muti.
Năm 2001, nhạc công McGill nhận được giải Grammy “Nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ xuất sắc nhất cùng Dàn nhạc” cho bản thu âm các bản hòa tấu thuộc bộ hơi của nhà soạn nhạc Strauss trong Dàn nhạc Giao hưởng Chicago.
Phần thưởng cho việc giảng dạy
Trong rất nhiều những đóng góp của anh cho lĩnh vực âm nhạc, công việc giảng dạy luôn là điều gắn bó nhất trong trái tim anh, ngay cả khi anh là thành viên của một dàn nhạc giao hưởng. “Tình yêu lớn nhất của tôi đối với âm nhạc là … giảng dạy,” anh cho hay.
Anh McGill chia sẻ rằng việc chơi trong một dàn nhạc giao hưởng, theo một cách nào đó, là đang truyền đạt cho khán giả ý nghĩa của âm nhạc. Anh muốn giúp mọi người cảm nhận nhiều hơn cảm xúc của tác phẩm đó; anh muốn khán giả cảm nhận được nhịp điệu của buổi biểu diễn thông qua tác phẩm, ở mức cao và mức thấp, nhanh và chậm. Đây là cách anh giúp khán giả của mình tận hưởng buổi biểu diễn nhiều nhất có thể.
Năm 2014, anh McGill rời Dàn nhạc Giao hưởng Chicago và gia nhập bộ phận giảng dạy tại Trường Âm nhạc Bienen thuộc Đại học Northwestern. Kể từ khi anh bắt đầu ở vị trí này, số lượng sinh viên học kèn bassoon đã tăng lên mỗi năm.
Anh nhấn mạnh rằng công việc giảng dạy luôn là điều khiến anh cảm thấy thoải mái nhất. Anh đặc biệt thích quan sát các sinh viên có “những khoảnh khắc thốt lên ‘À Ha’ khi họ khám phá ra điều gì đó.” Anh từng bắt được khoảnh khắc này khi một sinh viên miệt mài luyện tập mà không thành công, rồi đột nhiên sinh viên đó đạt được mục tiêu của mình.
Nâng cao tiêu chuẩn
Ngoài tình yêu to lớn đối với việc giảng dạy và khả năng chơi nhạc, anh McGill còn xuất bản cuốn sách “Sự Chuyển Động của Âm Thanh” (Sound in Motion) (Nhà xuất bản Đại học Indiana, ấn bản minh họa), một cuốn sách dành cho bất cứ ai mong muốn trở nên giàu nhạc tính hơn và cảm thụ sâu hơn các nốt trên trang nhạc; cuốn sách này cũng có nhiều lời khuyên hữu ích khác dành cho các nhạc công.
Cuốn “Sự Chuyển Động của Âm Thanh” giới thiệu cho chúng ta cách tiếp cận âm nhạc của nghệ sĩ kèn oboe huyền thoại Marcel Tabuteau trong Dàn nhạc Philadelphia. Ông được xem là nhà sáng lập trường phái chơi oboe kiểu Mỹ. Lời giới thiệu cuốn sách viết rằng, cách tiếp cận của cuốn sách này sẽ giúp các nhạc công hiểu được “điều gì khiến một buổi biểu diễn trở nên ‘giàu nhạc tính.’”
Một nhân vật nữa mà anh đề cập đến trong cuốn sách là nghệ sĩ John de Lancie, cựu nhạc công chơi oboe chính trong Dàn nhạc Philadelphia. Ông từng là giám đốc của Học viện Curtis, nơi ông cũng từng giảng dạy và là nơi mà anh McGill theo học.
Anh McGill đã đưa việc giảng dạy của mình lên một tầm cao mới khi thu âm một đĩa CD để giải đáp các đoạn trích mà dàn nhạc giao hưởng thường yêu cầu các nghệ sĩ chơi bassoon chuẩn bị cho một buổi diễn thử (audition). Đĩa CD này thể hiện và giải thích các kỹ thuật cũng như quá trình tư duy của anh khi biểu diễn. Trong đó cũng bao gồm các nhóm nốt để diễn giải âm nhạc một cách tối ưu và sử dụng các nhóm nốt để khắc phục những khó khăn về mặt kỹ thuật.
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times